Mở cửa là cần thiết, nhưng phải làm sao để có thể sống chung an toàn với dịch bệnh.
Không phải chỉ vì TP.HCM và Hà Nội đều thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quá lâu, thậm chí cao hơn, đặc biệt là TP.HCM, khiến tâm lý của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Quan trọng hơn, vì dịch bệnh, vì buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách, kinh tế - xã hội, nên việc làm, thu nhập và sinh kế của người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chỉ một con số hơn 85.500 doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng TP.HCM có 24.000 doanh nghiệp, đã cho thấy ảnh hưởng khốc liệt của dịch bệnh lên nền kinh tế. Ngoài ra, những con số, những hình ảnh người dân rồng rắn rời thành phố vì mất sinh kế, hay hình ảnh những người dân cạn kiệt nguồn lực, phải sống bằng sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng, cũng cho thấy tác động nghiêm trọng của dịch bệnh lên đời sống xã hội.
Hà Nội và TP.HCM, hai đầu tàu kinh tế đóng góp tới 45% GDP của cả nước, nếu tiếp tục “đóng cửa”, thì hệ lụy tới nền kinh tế, tới việc làm, thu nhập, đời sống và sinh kế của người dân sẽ không nhỏ. Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn, thì dần mở cửa trở lại là cần thiết.
Thực tế, TP.HCM đã bắt đầu nới thời gian được phép hoạt động đối với nhân viên siêu thị, cửa hàng thực phẩm, shipper. Các loại hình kinh doanh ăn uống cũng được hoạt động trở lại từ 6h đến 18h hàng ngày theo hình thức bán mang đi.
Còn Hà Nội cũng đã phân vùng 1 - 2 - 3. Ngoại trừ vùng 1 tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thì vùng 2 và vùng 3 đã nới lỏng, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như nhiều hoạt động xã hội khác.
Thực tế cho thấy, những bước đi thận trọng là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Khi TP.HCM và cả Hà Nội lên kế hoạch mở cửa trở lại, quan điểm của các chuyên gia kinh tế đều khẳng định rằng, điều kiện tiên quyết phải là kiểm soát được dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin.
Sau chiến lược vắc-xin thần tốc của TP.HCM, thì Hà Nội những ngày gần đây cũng thần tốc trong tiêm vắc-xin, với sự hỗ trợ của nhiều địa phương lân cận. Đã có những quận “phủ” 100% mũi tiêm thứ nhất cho người dân. Việc tiêm vắc-xin cũng được đẩy nhanh và nhiều khả năng, mục tiêu hoàn thành tiêm mũi 1 cho 100% người dân Hà Nội là có thể đạt được trước 15/9. Nếu chậm thì có thể chỉ là vài ba ngày do phụ thuộc vào lượng vắc-xin mà Hà Nội được phân bổ.
“Phủ sóng” vắc-xin là điều kiện quan trọng để cả Hà Nội và TP.HCM có thể từng bước mở cửa trở lại. Khi xây dựng kế hoạch mở cửa kinh tế với 3 giai đoạn, TP.HCM cũng đã dự kiến sử dụng “thẻ xanh Covid” làm công cụ kiểm soát lưu thông, hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như các dịch vụ vui chơi, giải trí.
TP.HCM đã xác định nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt của việc mở cửa cho các hoạt động kinh tế là “thực hiện linh hoạt theo tín hiệu an toàn của ngành y tế”, lấy đó làm nền tảng cho việc mở cửa an toàn từng bước các hoạt động sản xuất - kinh doanh và sinh kế của người dân.
Hà Nội tuy chưa có phương án cụ thể, song có lẽ, việc mở cửa từng bước, theo diễn biến của dịch bệnh và độ phủ vắc-xin đã được quan tâm hơn.
Mở cửa là cần thiết, nhưng phải làm sao để có thể sống chung an toàn với dịch bệnh. Cùng với vắc-xin, vẫn phải là ý thức, trách nhiệm của người dân, của doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, có một thực tế là hiện nay, ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã xác định rằng, Covid-19 có thể là “phần tất yếu của thế giới”. Nhiều nước trên thế giới cũng xác định tăng cường tiêm vắc-xin và hướng tới sống chung an toàn với dịch bệnh. Có lẽ, đó cũng là con đường mà Việt Nam phải đi.
Xác định như vậy để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kế hoạch mở cửa kinh tế, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.