Sau 7 DN FDI đầu tiên gồm Công ty cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (TYA), Công ty cổ phần Everpia (EVE), Công ty cổ phần Mirae (KMR), Công ty cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (TKU)… đưa cổ phiếu lên niêm yết theo một quyết định thí điểm của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2003, TTCK không đón thêm được DN FDI nào lên sàn.
Lý do của tình trạng này là quyết định thí điểm đã hết hiệu lực, trong khi trong các văn bản pháp lý sau giai đoạn này không có quy định cụ thể về việc lên sàn của DN FDI, mà chỉ quy định về loại hình DN có vốn đầu tư nước ngoài. Câu chuyện DN FDI lên sàn dần ít người đề cập, nhất là khi TTCK Việt Nam phải trải qua thời kỳ dài thăng trầm cùng những khó khăn khách quan của thị trường tài chính toàn cầu cũng như trong nước.
Tuy nhiên, gần đây, việc việc niêm yết của DN FDI lại được đề cập đến nhiều, một phần là vì DN có nhu cầu đưa cổ phiếu lên sàn, phần khác là vì TTCK cần lớn về quy mô và đa dạng phạm vi hoạt động, nên lấp khoảng trống pháp lý cho DN loại này lên sàn đang trở thành vấn đề thời sự.
Một trong những DN FDI lớn quan tâm đến việc chuyển đổi mô hình hoạt động và lên sàn chứng khoán Việt Nam là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, tuy nhiên, thủ tục pháp lý để đưa DN FDI lên sàn là câu chuyện nhà quản lý còn đang để trống. DN này đã hiện diện tại Việt Nam gần 30 năm, nổi tiếng với việc lập nên Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và nay đang phát triển mở rộng sang lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Nhiều DN FDI khác đã gắn bó và muốn phát triển dài hạn tại Việt Nam cũng có nhu cầu tìm hiểu việc lên sàn niêm yết, nhưng đều gặp khó khăn vì khoảng trống pháp lý hiện hành.
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung đang trình Quốc hội có quy định, các DN đại chúng có quy mô vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên và tối thiểu 100 cổ đông, đều phải thực hiện việc đưa cổ phiếu lên sàn đăng ký giao dịch hoặc niêm yết. Theo đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài, khi chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần có điều kiện đáp ứng được quy định về công ty đại chúng, cũng sẽ phải thực hiện việc đưa cổ phiếu lên sàn.
Quy định pháp lý hiện hành của nhiều TTCK quốc tế không phân biệt điều kiện niêm yết giữa DN có vốn nước ngoài với các DN khác, mà chỉ phân biệt điều kiện niêm yết của DN trong nước với các DN nước ngoài trên cùng 1 Sở. TTCK Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… có chung cách ứng xử như vậy và vì không hạn chế DN có vốn đầu tư nước ngoài niêm yết cũng như không phân biệt điều kiện niêm yết, nên TTCK có tính mở và tính quốc tế cao hơn nhiều TTCK Việt Nam.
Cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có cuộc họp xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, thống nhất việc trình Chính phủ quy định pháp lý cho các DN FDI lên niêm yết. Trước đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để nêu các vấn đề cần thống nhất trong sửa Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, trong đó có câu chuyện về việc khó khăn pháp lý cho khối DN FDI lên sàn.
Từ thị trường, các DN và nhà tư vấn chờ đợi tiến trình pháp lý sẽ được đẩy nhanh hơn, để khối DN có nhu cầu, có năng lực, có tính chuyên nghiệp và quốc tế hóa cao hơn là khối FDI sẽ sớm xuất hiện trên TTCK để đa dạng hóa hàng hóa và tăng quy mô thị trường.