Phú Yên sẽ dựa trên đặc trưng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để tạo nền tảng bứt phá.

Phú Yên sẽ dựa trên đặc trưng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để tạo nền tảng bứt phá.

Mở cánh cửa phát triển Phú Yên

0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch tỉnh Phú Yên vừa được Chính phủ phê duyệt đã mở ra cánh cửa phát triển cho tỉnh, hướng trở thành địa phương phát triển hiện đại, bền vững.

Nhận diện nhân tố khác biệt

Tại Hội nghị công bố Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra tại Bình Định ngày 5/2/2023, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận xét, các tỉnh Duyên hải miền Trung tương đồng về điều kiện phát triển, địa phương nào cũng có biển, có sông và núi. Vì thế, địa phương nào cũng có đủ điều kiện để phát triển kinh tế dựa vào những điều kiện đó.

Bởi vậy, theo ông Lịch, vấn đề cốt lõi tạo nên sự phát triển riêng của từng địa phương là phải tìm ra nhân tố tạo sự khác biệt. Các địa phương phải nhận diện được nhân tố đó, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của địa phương mình.

Được nhận xét là sở hữu nhiều tiềm năng, nhưng Phú Yên chưa phát triển tương xứng. Theo ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, chìa khóa phát triển nằm trong nội dung Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt.

Ông Hổ cho rằng, Phú Yên cần dựa trên đặc trưng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để tạo nền tảng bứt phá, ưu tiên; đánh giá, phân tích, tìm ra những lợi thế tự nhiên và văn hóa của mình so với các tỉnh khác trong vùng Duyên hải Trung Bộ.

“Phú Yên xác định các ngành, sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế cao và có khả năng cạnh tranh về kinh tế biển, công nghiệp (nhất là công nghiệp luyện kim, công nghiệp lọc, hóa dầu, năng lượng...), du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tập trung phát triển”, ông Hổ nói.

Việc nhận diện được những yếu tố khác biệt giúp Quy hoạch tỉnh Phú Yên định hình theo công thức “Một vành đai phụ trợ - Hai hành lang phát triển - Ba khu vực trọng điểm phát triển”.

Lý giải công thức này, ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên cho biết, một vành đai phụ trợ (gắn với trục Quốc lộ 19C) là vùng phát triển song song dọc theo tuyến giao thông Quốc lộ 19C kết nối với tỉnh Bình Định và tỉnh Đắk Lắk, là vùng có tiềm năng phát triển lớn về văn hóa, lịch sử và an ninh - quốc phòng.

Hai hành lang phát triển gồm Hành lang ven biển và Hành lang Đông - Tây. Trong đó, Hành lang ven biển là khu vực có tiềm năng phát triển lớn nhất về đô thị, công nghiệp, du lịch và nuôi trồng thủy, hải sản. Hành lang Đông - Tây sẽ phát triển nông, lâm nghiệp du lịch sinh thái, dịch vụ logistics…

Ba khu vực trọng điểm phát triển được định hướng gồm khu vực phía Bắc, khu vực phía Nam và khu vực phía Tây tỉnh Phú Yên. Trên cơ sở lợi thế đặc trưng của từng khu vực, tỉnh định hướng phát triển những ngành kinh tế đặc thù như du lịch, nghỉ dưỡng, kinh tế biển, công nghiệp…

Tối ưu lợi thế phát triển

Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong những khu kinh tế biển được Chính phủ quyết định thành lập khá sớm, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bước đột phá. Chính điều này đã làm chậm sự phát triển của Phú Yên.

Quy hoạch tỉnh Phú Yên xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực của nền kinh tế, trong đó, Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ là hạt nhận để thực hiện tầm nhìn này. Theo đó, Phú Yên sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp động lực gắn với kinh tế biển, mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp hiện có theo hướng sản xuất sản phẩm tinh, sản phẩm chế biến sâu với hàm lượng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, giá trị gia tăng cao.

Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như luyện kim, lọc hóa dầu, sản xuất năng lượng, hóa chất; chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ khí - chế tạo; sản xuất sản phẩm gắn công nghệ số như thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, công nghiệp tự động hóa, thiết kế và sản xuất chip…

Trước khi công bố Quy hoạch, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó, đáng chú ý là Tập đoàn Hòa Phát đang xúc tiến đầu tư Khu liên hợp luyện kim và cảng Bãi Gốc. Trong tương lai, dự án này sẽ tạo lực hút lớn đối với các ngành công nghiệp phụ trợ.

Một lĩnh vực khác được đánh giá tạo nên bước đột phá cho kinh tế của địa phương chính là dịch vụ, du lịch. Trong những năm gần đây, Phú Yên nổi lên là điểm đến đối với du khách trong và ngoài nước nhờ cảnh đẹp hoang sơ cùng với nhiều địa danh thắng cảnh như vịnh Xuân Đài, Mũi Điện, Bãi Xếp, đầm Ô Loan…

Theo Quy hoạch, du lịch tỉnh Phú Yên được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.

Quy hoạch cũng xác định, lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt, cùng với du lịch kết hợp tổ chức sự kiện (MICE), du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh; kết hợp thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí...

Bên cạnh dịch vụ du lịch, Phú Yên sẽ tận dụng lợi thế về biển, là cửa ngõ quan trọng của Tây Nguyên để tập trung phát triển dịch vụ logistics gắn với Cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa.

Tin bài liên quan