CEO Mizuho Yasuhiro Sato

CEO Mizuho Yasuhiro Sato

Mizuho muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Á

(ĐTCK) Ngày 28/12/2011, ông Yasuhiro Sato, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Mizuho Financial Group, tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản (tính theo tổng tài sản) và lớn thứ 3 (tính theo giá trị vốn hoá thị trường) đã thông báo kế hoạch chuẩn bị mua lại một ngân hàng đầu tư ở khu vực châu Á (không tiết lộ danh tính) để mở rộng địa bàn hoạt động, cải thiện vị thế của mình…

Đồng thời, ông Yasuhiro Sato cũng cho biết, trong thời gian tới, Mizuho cũng sẽ mua một số quỹ quản lý tài sản và quỹ đầu tư mạo hiểm ở Singapore, Indonesia và Ấn Độ.

“Trong vòng 5 năm tới, Mizuho sẽ tăng số chi nhánh ngân hàng bán lẻ tại khu vực châu Á (không kể Nhật Bản) từ 33 lên con số 50. Trong đó, riêng ở Trung Quốc tăng từ 13 lên 20”, ông Yasuhiro Sato nói.

Ngay từ khi lên nắm quyền CEO vào tháng 6/2011, ông này đã có chủ trương “quay về châu Á” khá rõ ràng. Động thái đáng chú ý nhất đầu tiên theo hướng này chính là việc Mizuho chính thức góp mặt ở thị trường Việt Nam . Cụ thể, vào ngày 30/9/2011, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức ký kết thoả thuận bán cổ phần cho Mizuho. Theo đó, Vietcombank bán 347,6 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn sau phát hành, với giá 567,3 triệu USD cho Mizuho. Như vậy, Mizuho là đối tác chiến lược duy nhất của Vietcombank.

Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn tất ngay trong quý I/2012 và Mizuho sẽ cử một đại diện vào HĐQT của Vietcombank.

Dù định hướng “quay về châu Á”, song Mizuho cũng không sao nhãng thị trường Mỹ.

Ông Yasuhiro Sato khẳng định, Mizuho không có kế hoạch bán đi số cổ phần của Bank of America Corp. hiện đang nắm giữ, song trước mắt, cũng không đầu tư thêm vào BlackRock Inc., tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới của Mỹ.

Theo nhiều nhà phân tích, do mới chỉ có 6 tháng lên nắm quyền CEO, nên dù chưa thể tạo ra một dấu ấn rõ ràng, song ông Yasuhiro Sato đã thể hiện một quyết tâm cải cách, tái cơ cấu rất mạnh. 

Tháng 11/2011, ông đã thông báo, đến cuối năm tài chính 2015 (kết thúc vào ngày 31/3/2016), Mizuho sẽ cắt giảm 10% nhân viên hiện có (tương đương khoảng 3.000 người). Trước đó, ông cũng quyết định đưa mọi hoạt động liên quan đến hành chính, hệ thống máy tính của 3 đơn vị thành viên thuộc Mizuho Financial Group là Mizuho Corporate Bank Ltd., Mizuho Bank Ltd. và Mizuho Trust & Banking Co. quy về một mối vào tháng 3/2013.

Quyết định này là quyết định quan trọng đầu tiên mà ông đưa ra ngay sau khi lên nắm quyền CEO, ít nhiều cũng có liên quan đến sự thăng chức bất thường, ngoài dự kiến của ông.

Bình thường, thì ông Yasuhiro Sato vẫn còn đang ở diện ứng cử viên vào chức CEO và còn được tiếp tục “bồi dưỡng”. Song vào cuối tháng 3/2011, một sự cố kỹ thuật nghiêm trọng đã xảy ra với hệ thống máy tính của toàn hệ thống ngân hàng bán lẻ Mizuho khiến các máy ATM của Mizuho bị ngừng hoạt động hàng loạt và làm gián đoạn các giao dịch.

Sự cố này lại xảy ra ngay sau khi cả Nhật Bản đang phải “gồng mình” khắc phục các hậu quả thảm khốc của cơn động đất kèm theo sóng thần khủng khiếp vào ngày 11/3.

Ước tính, các giao dịch có tổng giá trị lên tới hơn 10 tỷ USD không thể thực hiện được, khiến cho các cơ quan chức năng của Nhật Bản đã phải chính thức vào cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân. Hậu quả rõ ràng nhất là, cổ phiếu của Mizuho tại Sở GDCK Tokyo đã giảm 13% kể từ khi sự cố xảy ra cho đến khi được khắc phục. 

Trước tình hình đó, lãnh đạo Mizuho buộc phải quyết định cách chức CEO đương nhiệm là ông Takashi Tsukamoto và đưa ông Yasuhiro Sato thế chân.

Đúng như ông Yoshinobu Yamada, chuyên gia phân tích của Chi nhánh Deutsche Bank AG (Đức) tại Nhật Bản nhận định: “Sự cố máy tính trong hệ thống ngân hàng bán lẻ của Mizuho là ngòi nổ để Mizuho đẩy nhanh quá trình thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao và tái cơ cấu”. 

Sinh năm 1952, ông Yasuhiro Sato đã có nhiều năm làm việc ở New York, một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới của Mỹ, nên đã xây dựng được các mối quan hệ cá nhân và làm ăn với nhiều tổ chức tín dụng, tài chính quốc tế lớn của Mỹ. Ông là đạo diễn chính của vụ Mizuho đầu tư 1,2 tỷ USD vào Merrill Lynch & Co. (nay thuộc về Bank of America Corp.). Trong lĩnh vực quản lý tài sản của các khách hàng cá nhân giàu có, ông cũng tư vấn cho Mizuho đầu tư 500 triệu USD mua 2% cổ phần của BlackRock, ngay sau khi đối thủ mạnh hơn là Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) đạt được thoả thuận hợp tác chiến lược với Barclays Plc (Anh) trong lĩnh vực này. 

Ngày 29/12/2011, giá cổ phiếu của Mizuho tại Sở GDCK Tokyo dao động ở mức 103 yên/cổ phiếu. Tính chung, trong năm 2001, giá cổ phiếu của Mizuho giảm hơn 30%. Vì thế, nhiệm vụ vực dậy cổ phiếu Mizuho trong năm nay của ông là hết sức nạng nề.

Mizuho ra đời năm 2000 trên cơ sở sáp nhập 3 tổ chức tín dụng lớn của Nhật Bản là Industrial Bank of Japan Ltd., Kangyo Bank Ltd. và Fuji Bank Ltd.