Cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng đều khó nhận diện hàng hóa ngành nhôm

Cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng đều khó nhận diện hàng hóa ngành nhôm

Mịt mờ nhận diện hàng nhôm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Để hoàn thiện căn nhà của mình, anh Chử Văn Huy (Vạn Phúc, Thanh Trì) quyết định dùng nhôm để làm cửa sổ, cửa ra vào…, nhưng chưa biết chọn chủng loại nào bởi có nhiều mẫu mã, lại không biết rõ chất lượng của sản phẩm.

“Chỉ riêng nhôm thanh định hình kích cỡ 6x12 cm, độ dày 1,4 mm cũng đã có cả chục loại với xuất xứ ở cả trong và ngoài nước, giá thành cũng khá chênh lệch khiến tôi bối rối”, anh Huy nói.

Cùng cảnh “mò đường” này, anh Nguyễn Văn Quý (phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) cho hay, là đơn vị sản xuất thiết bị xây dựng, anh cũng phân vân về chất lượng mặt hàng nhôm nhôm tấm khi dùng làm bàn xoa, bay xây dựng thường không đạt yêu cầu.

“Chúng tôi khi mua nguyên liệu nhôm chỉ mua qua nhà phân phối, đại lý nên chỉ tin họ, chứ nói về chất lượng, chủng loại hay xuất xứ nhôm thì chịu’, anh Quý bộc bạch.

Đáng chú ý, tình trạng mù mờ về thông tin hàng hóa, sản phẩm nhôm không chỉ diễn ra đối với người tiêu dùng hay đại lý bán hàng. Tại cuộc thảo luận “Nâng cao năng lực nhận diện hàng hóa trong nhành nhôm” tổ chức tuần qua, đại diện Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, hiện nổi lên tình trạng doanh nghiệp khai báo nhôm thanh định hình nhập khẩu sản xuất từ phế liệu nhằm mục đích giảm thuế.

“Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị kiểm định, phân tích chất lượng xem đó có phải là loại nhôm sản xuất từ phế liệu hay không, nhưng không có cơ sở để đánh giá”, vị này nói.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết, thực tế, cơ quan chức năng rất khó để phát hiện đâu là loại nhôm thanh định hình được sản xuất từ phế liệu. Vì khi tái chế, các đơn vị đã bổ sung các hợp chất để đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng nhôm thanh định hình, cho nên việc kiểm tra chất lượng gần như bất khả thi, có chăng chỉ giám sát được về mặt thủ tục hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Theo ông Kế, doanh nghiệp nhập khẩu thường lợi dụng kẽ hở này để giảm thuế khi nhập khẩu về Việt Nam. Việc khó nhận diện các sản phẩm, hàng hóa ngành nhôm tạo điều kiện cho nguồn nhôm không minh bạch từ nước ngoài tràn vào.

Ông Dương Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Ausdoor cũng cho hay, hiện nay, ngành nhôm trong nước phải nhập khẩu nguyên liệu lên đến 80%, chỉ số ít phế nhôm có xuất sứ trong nước do được các doanh nghiệp có lò nấu tái chế lại. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn.

“Do nguồn nhôm thanh định hình nội địa dư thừa nên Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ 13,5% thuế cho các đơn vị xuất khẩu của nước này để thúc đẩy xuất khẩu. Đây là trở ngại lớn với ngành nhôm Việt Nam, vì sản phẩm của Trung Quốc tràn vào thấp hơn giá thành trong nước”, ông Tuấn nói.

Một thông tin đáng chú ý được ông Đoàn Văn Cường, Chủ tịch Công ty Nhôm Namsung chia sẻ tại hội thảo là vừa qua, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam (Trung Quốc) đã nhập 1,8 triệu tấn nhôm (tương đương 4 tỷ USD) theo diện tạm nhập tái xuất, nhưng cũng tham gia bán ở Việt Nam.

Theo tính toán của ông Cường, thị trường Việt Nam cần khoảng 10 năm mới tiêu thụ hết lượng hàng khổng lồ này. Hơn nữa, nếu được bán ra với giá rẻ thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh.

Vừa qua, Bộ Công thương đã điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu với một số mặt hàng nhôm, trong đó có hạng mục tăng hơn 32%. Động thái này phần nào hạn chế được tình trạng bán phá giá, nhưng trên thực tế việc “lách luật” vẫn diễn ra.

Nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn cho thị trường nhôm, ông Kế cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị tới Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương, Bộ Tài Chính tăng cường các biện pháp chống bán phá giá mặt hàng này.

“Trong năm tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với tham tán thương mại các nước, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức trong nước để tham gia triển lãm, hội chợ trưng bày và giới thiệu về các sản phẩm, nhận diện hàng hóa cũng như thành tựu của ngành công nghiệp nhôm Việt Nam nhằm tiếp cận và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn”, ông Kế nói.

Tin bài liên quan