Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 4 đầy biến động với xu hướng đi ngang giảm điểm (sideways - downward). Cụ thể, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng (cũng là phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài) ở mức 1.049,12 điểm, tương đương giảm 1,46% so với tháng trước.
Nhìn chung, mức biến động giá của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 4 tương đối kém hơn so với các thị trường phát triển và mới nổi.
Tâm lý thị trường vẫn khá thận trọng trong bối cảnh thị trường diễn biến khó lường với thanh khoản bình quân ngày xấp xỉ 9,8 nghìn tỷ đồng (trên HOSE). Về cơ bản, nhà đầu tư không mặn mà mua cổ phiếu trong khi áp lực bán không lớn trong bối cảnh lợi nhuận quý 1/2023 khá yếu.
Điểm sáng của thị trường tháng 4 là nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất. Ngành dịch vụ tài chính (chứng khoán), các ngành liên quan đến bất động sản và các công ty xây dựng (đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ) thu hút được sự chú ý của thị trường; và một số trong số đó đã mang lại lợi nhuận đáng kể từ 15 − 25% trong tháng 4.
Cùng với đà tăng của nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất là nhóm cổ phiếu Bán lẻ. Thị trường đang cho rằng ngành Bán lẻ sẽ được hưởng lợi chính từ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% của Bộ Tài chính bắt đầu từ quý III/2023.
Ở khía cạnh tiêu cực, khối ngoại bán ròng gây áp lực lên thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trong tháng 4 với giá trị 2.772 tỷ đồng trên sàn HOSE, từ mức mua ròng 2.760 tỷ đồng trong tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá trị mua ròng lũy kế của khối ngoại tại HOSE đã thu hẹp xuống còn 3.137 tỷ đồng.
Theo kế hoạch ĐHĐCĐ 2023 của 261 trong tổng số 400 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE (chiếm khoảng 80% tổng vốn hóa), kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm sâu tập trung ở nhóm Phi tài chính, trong khi nhóm Ngân hàng, Dịch vụ tài chính, và Bảo hiểm đặt kế hoạch 2023 tiếp tục tăng trưởng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2023 suy yếu ở hầu hết các ngành, đặc biệt là Tiện ích, Năng lượng, Nguyên Vật liệu, Vận tải, và Bán lẻ.
Các ngành bước vào chu kỳ suy giảm chủ yếu liên quan đến xuất khẩu như Logistics, Hóa chất, Phân bón, Dệt may, Thủy sản. Trở ngại chính là triển vọng xuất khẩu ảm đạm trước nguy cơ suy thoái ở Mỹ, EU và sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc sau khi nước này mở cửa lại nền kinh tế.
Theo nhóm chuyên gia quan sát, giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam đã qua, nhưng nền kinh tế vẫn thiếu động lực tăng trưởng mạnh.
Trước đó, đợt điều chỉnh hồi tháng 2 đã đưa thị trường về nền giá khá thấp, giúp thu hút dòng tiền từ khối ngoại. Tuy nhiên, mùa báo cáo quý IV/2022 và quý I/2023, cũng như kế hoạch kinh doanh 2023, cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục sụt giảm.
EPS giảm liên tiếp 2 quý so với cùng kỳ sẽ khiến chỉ số định giá P/E (tính trên EPS 12 tháng gần nhất) của VN-Index tiệm cận với mức trung bình 5 năm trừ 1 độ lệch chuẩn (-1SD). Như vậy, định giá thị trường không còn được coi là rẻ, và điều này đã trở thành rào cản thu hút cả dòng vốn nội và khối ngoại trong ngắn hạn.
Hơn nữa, những cơn gió ngược đang xảy ra trên toàn cầu có thể làm ảnh hưởng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam. Với tâm lý e ngại rủi ro chiếm ưu thế, Mirae Asset kỳ vọng VN-Index sẽ tìm được ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1000 - 1020 điểm, tương ứng với P/E dự phóng cuối năm 2023 là 13,x lần.
“Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để tích lũy những cổ phiếu tốt cho mục đích đầu tư trung và dài hạn. Nhìn chung, các nhà đầu tư nên chú ý đến giá trị nội tại, triển vọng tăng trưởng và chất lượng tài sản của từng cổ phiếu riêng lẻ”, các chuyên gia khuyến nghị.