Minh định dần cơ chế đặc thù về chỉ định thầu

0:00 / 0:00
0:00
Cơ chế đặc thù về chỉ định thầu sẽ rút ngắn tiến độ của các gói thầu thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Thi công Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Nha Trang. Ảnh: Đức Thanh

Thi công Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Nha Trang. Ảnh: Đức Thanh

Trao quyền cho bộ, ngành

Có khá nhiều đề xuất đáng chú ý trong Công văn số 4934/BKHĐT-QLĐT vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ cuối tuần trước liên quan đến việc thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Cần phải nói thêm rằng, cùng với phân cấp mạnh cho các địa phương thực hiện vai trò là cơ quan chủ quản, cơ chế đặc thù trong chỉ định thầu được kỳ vọng là “bộ đôi sức mạnh” để đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu xây lắp thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) và Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Tại Công văn số 4934/BKHĐT-QLĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về nguyên tắc việc áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án về hạ tầng giao thông và y tế trong Chương trình và Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Thủ tục chỉ định thầu phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023 theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu.

Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cũng kiến nghị người đứng đầu Chính phủ xác định Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT); Bộ trưởng Bộ Y tế; thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với vai trò người quyết định đầu tư sẽ là người có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, tiêu cực và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả của việc chỉ định thầu.

Các đơn vị chủ đầu tư này có trách nhiệm thực hiện việc chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.

Được biết, Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ GTVT và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Nghị quyết trên cũng quyết nghị việc Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, sau khi xem xét các quy định của pháp luật về đấu thầu và đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, Thủ tướng chỉ quyết định đối với dự án quan trọng quốc gia. Việc giao người đứng đầu Chính phủ quyết định việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp đối với các dự án thành phần (tương tự nhóm A) là chưa phù hợp về thẩm quyền.

“Trách nhiệm quyết định chỉ định thầu trong trường hợp này thuộc Bộ trưởng Bộ GTVT và chủ tịch UBND các tỉnh có liên quan”, Công văn số 4934/BKHĐT-QLĐT nêu rõ.

Theo ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nếu đề xuất trên được thông qua, thì thẩm quyền áp dụng hình thức chỉ định thầu hay tổ chức đấu thầu các gói thầu xây lắp tại Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thuộc về Bộ trưởng Bộ GTVT và các trưởng ngành hoặc chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối với các dự án khác nằm trong Chương trình.

“Điều này không chỉ đúng quy định của pháp luật, mà còn tạo sự chủ động lớn cho các cơ quan chủ quản đầu tư. Chủ đầu tư sẽ khó có thể xử lý các đơn vị thi công vi phạm các quy định về tiến độ, chất lượng nếu các nhà thầu này nằm trong danh sách do cấp cao hơn phê duyệt”, ông Trần Chủng đánh giá.

Giảm gánh nặng cho nhà thầu

Tại Công văn số 4934/BKHĐT-QLĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã xác định rõ, trường hợp chỉ định thầu và trình tự, thủ tục chỉ định thầu đã được quy định rõ tại Điều 55, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Bên cạnh đó, tại Thông báo số 193/TB-VPCP ngày 1/7/2022 thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp hôm 13/6/2022, hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình và Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Phó thủ tướng Lê Văn Thành kết luận, việc ban hành thêm các quy định để áp dụng cho các gói thầu thuộc Chương trình có thể phát sinh quy định chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc cho công tác thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.

Vì vậy, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu là không cần thiết. “Trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành, địa phương”, Công văn số 4934/BKHĐT-QLĐT nêu rõ.

Được biết, trong Thông báo số 193/TB-VPCP, Phó thủ tướng Lê Văn Thành kết luận, căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Chính phủ có thể ban hành Nghị định hướng dẫn, nhưng về cơ bản, các bộ, cơ quan đề nghị xem xét sự cần thiết ban hành Nghị định.

Lý do được đưa ra là Nghị quyết số 43/2022/QH15 là một đạo luật trong đó cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu trong thời gian 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp… và quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Trong khi đó, quy định về trình tự, thủ tục pháp luật về đấu thầu cơ bản đầy đủ và pháp luật xây dựng đối với điều kiện về năng lực hoạt động xây dựng không cần có quy định riêng.

Liên quan đến yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) đối với các gói thầu xây lắp các dự án thành phần, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội không yêu cầu đối với nội dung này. Yêu cầu này chỉ được quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện một số nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư chính cho việc thi công công trình giao thông (xăng dầu, sắt thép, xi măng...) tăng giá đột biến, dẫn đến tình trạng các nhà thầu thi công cầm chừng, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng các gói thầu, dự án, trong đó có Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2022.

Trong khi đó, việc xây dựng dự toán công trình được căn cứ trên chỉ số giá do các địa phương công bố chưa sát với thực tế thị trường, đặc biệt đối với các yêu cầu chất lượng cao về nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào để xây dựng công trình đường cao tốc. Vì vậy, việc yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu là khó khả thi tại thời điểm hiện nay, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của các Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị rà soát, sửa đổi Nghị quyết số 18/NQ-CP về thẩm quyền của Thủ tướng và yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% để đảm bảo tính đồng bộ giữa các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, nếu theo đơn giá bình thường, làm hết sức chặt chẽ, quản lý tốt, thì doanh nghiệp xây dựng có biên lợi nhuận khoảng 4%. Nhưng hiện nay, do tình hình nợ đọng, giá vật liệu xây dựng tăng, không được bù giá, doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ.

“Chúng tôi không rõ Bộ GTVT dựa trên thực tế và cơ sở khoa học nào để đề xuất với Chính phủ về tỷ lệ tiết kiệm 5% với các gói thầu xây lắp thuộc Chương trình, trong khi phần lớn các gói thầu xây lắp tại Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2022 đều đấu thầu vượt giá dự toán”, Chủ tịch VACC bình luận.

Nhà thầu lao đao vì thi công cao tốc Bắc – Nam

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ (VARSI), tại các gói thầu thuộc các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I được đầu tư theo hình thức đầu tư công, mặc dù hợp đồng giữa nhà thầu với Bộ GTVT quy định việc điều chỉnh giá, nhưng việc công bố chỉ số giá của các địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thực tế giá thị trường, chưa có chỉ số giá phù hợp với đặc tính của đường cao tốc và các công trình đặc thù như hầm đường bộ. Điều này gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công, thậm chí nhiều nhà thầu thua lỗ nhưng vẫn phải làm do tuân thủ hợp đồng đã ký.

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đang triển khai các dự án lớn, chủ đầu tư và nhà thầu thi công ký hợp đồng theo đơn giá cố định, theo quy định thì không được điều chỉnh giá. Như vậy sẽ gây ra tình trạng nếu nhà thầu tiếp tục thi công thì lỗ nặng, còn không thì thi công cầm chừng, làm chậm tiến độ, ảnh hưởng tới việc đưa công trình vào khai thác sử dụng, giảm hiệu quả đầu tư dự án…

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cho các bộ, ngành giải quyết vướng mắc trên, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể. Các doanh nghiệp kỳ vọng thông qua các dự án trọng điểm, sẽ nâng tầm phát triển của các doanh nghiệp trong nước, nhưng với bối cảnh này, các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn.

Tin bài liên quan