Minh bạch từ bên trong doanh nghiệp

Minh bạch từ bên trong doanh nghiệp

(ĐTCK) Từ 1/4/2019, hơn 700 doanh nghiệp (DN) niêm yết cùng hàng trăm DN mà Nhà nước có sở hữu trên 50% vốn và các DN Nhà nước là công ty mẹ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ con, sẽ phải thực hiện việc xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ, theo quy định tại Nghị định 05/2019/NÐ-CP mà Thủ tướng Chính phủ mới ban hành.

Nghị định ra đời nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các rủi ro trong nội bộ doanh nghiệp, thúc đẩy tính hiệu quả của công tác quản trị, quản lý rủi ro, đồng thời giám sát độc lập việc thực hiện các mục tiêu chiến lược tại DN. Ðây là những khoảng hở lớn tại nhiều DN, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhìn thấy qua các con số đánh giá chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết những năm vừa qua.

Trong năm 2018, sàn niêm yết có 48% công ty công bố cách thức quản lý các rủi ro quan trọng (như tài chính, vận hành bao gồm công nghệ thông tin, môi trường, xã hội và kinh tế), nhưng chỉ có 2% DN có Ban kiểm soát hoặc Tiểu ban kiểm toán thực hiện đánh giá về công ty kiểm toán độc lập và báo cáo tài chính.

Chỉ có 13% DN niêm yết có thành lập các tiểu ban như Tiểu ban chính sách phát triển, Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban lương thưởng. Thực tế này đặt trong bối cảnh mới chỉ có 10% DN niêm yết đảm bảo tính độc lập trong Hội đồng quản trị (tối thiểu 1/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập) cho thấy, tính minh bạch trong nội bộ DN niêm yết còn rất thấp, trong khi đây là cái gốc để tạo nên niềm tin và uy tín lâu dài trên thị trường.

Từ khoảng trống minh bạch, TTCK Việt Nam nhiều năm qua đã chứng kiến không ít trường hợp DN có báo cáo tài chính đẹp, nhưng đến một ngày đột ngột vỡ lở những sai phạm về tài chính, về quản trị, về những giao dịch ngầm nhằm trục lợi trong hệ thống mẹ - con, hoặc với các DN vệ tinh.

Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đã chỉ ra rằng, điểm thiếu nhất trên TTCK Việt Nam không phải là hàng hóa, sản phẩm mới hay dòng tiền đầu tư, mà là thiếu niềm tin dài hạn. Khi không có niềm tin dài hạn thì tình trạng đầu tư lướt sóng, “đánh nhanh, thắng nhanh” vẫn sẽ là xu thế chủ đạo dù mỗi phiên giao dịch có đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng vốn luân chuyển qua TTCK như hiện nay.

Về pháp lý, cho đến thời điểm trước khi Nghị định 05 ra đời, các doanh nghiệp niêm yết không bắt buộc phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ, ngoại trừ nếu doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Nghị định 05 tạo ra một cơ chế để thông qua đó các hoạt động quản trị công ty được tăng cường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi thực hiện quy định mới.

Chính phủ mở thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định 05 có hiệu lực, các đơn vị thuộc đối tượng phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ phải hoàn thành các công việc cần thiết để thực hiện công tác này. Chính phủ cũng để mở khả năng cho phép các DN có thể đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán theo quy định của pháp luật, để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ.

Thực thi kiểm toán nội bộ là một cách thúc đẩy tính minh bạch từ gốc DN (hiện tại, minh bạch được đánh giá qua các báo cáo). Tuy nhiên, để DN thực thi được, nhà quản lý cần có chế tài, còn cổ đông, nhà đầu tư cần hiểu và chất vấn DN tại các đại hội đồng cổ đông.

Tin bài liên quan