Minh bạch trong hỗ trợ để không xuất hiện "doanh nghiệp zombie"

0:00 / 0:00
0:00
Nỗi lo tồn tại, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đang lấn át nhiều kế hoạch phát triển dài hạn, các nỗ lực tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Minh bạch trong hỗ trợ để không xuất hiện "doanh nghiệp zombie"

Nhiều doanh nghiệp đang gửi đi những kiến nghị, giải pháp trực tiếp liên quan đến ngành, lĩnh vực và cả dự án cụ thể, như đề xuất giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp bất động sản; đề nghị giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận tín dụng; hỗ trợ để doanh nghiệp tồn tại nhằm trấn an nhà đầu tư trái phiếu…

Điều này là dễ hiểu, vì một khi doanh nghiệp không tồn tại được, buộc phải rút lui, thì việc quay trở lại sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể. Đó là chưa kể những tác động rất lớn tới đời sống kinh tế - xã hội khi số lượng doanh nghiệp khó khăn, đóng cửa, giải thể gia tăng.

Nhưng đang có vấn đề phát sinh nếu các doanh nghiệp quá trông đợi các giải pháp hỗ trợ, can thiệp hành chính của Chính phủ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đó là dễ xuất hiện thêm những doanh nghiệp “zombie” (doanh nghiệp xác sống, hoạt động không hiệu quả), sống nhờ các chính sách hỗ trợ, phụ thuộc vào tín dụng giá rẻ, dễ dãi…

Thậm chí, đang xuất hiện lo ngại về tình trạng doanh nghiệp tìm cách “duy trì khó khăn” để hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ, thay vì đối mặt với sức ép cạnh tranh của thị trường, chấp nhận sự sàng lọc, đào thải, chấp nhận “cắt lỗ”… nếu như các nguyên tắc về hỗ trợ doanh nghiệp, quy trình xử lý các khó khăn của doanh nghiệp như vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, các vướng mắc pháp lý trong kinh doanh bất động sản… không thực sự rõ ràng, minh bạch, có tính khả thi.

Sự tồn tại của những “doanh nghiệp zombie”, doanh nghiệp sống nhờ vào hỗ trợ không chỉ không công bằng với các doanh nghiệp chọn đầu tư làm mới, thay đổi phương thức kinh doanh và quản trị doanh nghiệp để cải thiện năng lực cạnh tranh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khi nền kinh tế đang phải “thắt lưng buộc bụng”, tập trung tối đa nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh.

Chưa kể, những “doanh nghiệp zombie” sẽ khiến nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp, ngành hàng, lĩnh vực; các kế hoạch phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế bị chậm lại, bị các đòi hỏi trước mắt che khuất. Khi đó, rất có thể 5 - 10 năm nữa, doanh nghiệp Việt Nam sẽ vẫn loay hoay ngồi đợi những đơn hàng gia công đơn giản, đợi đón những dòng khách du lịch giá rẻ… thay vì có mặt ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.

Đáng lo ngại hơn, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tiếp tục bị thử thách.

Có thể nhìn thêm ở số vốn đăng ký mới vào nền kinh tế trong tháng 1/2023, với khoảng 99.104 tỷ đồng, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức vốn đăng ký mới thấp nhất trong tháng 1 kể từ năm 2019 đến nay. Tương tự, số vốn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn và số vốn tăng thêm cũng giảm khoảng 18% so với cùng kỳ.

Cũng phải nói thêm, các số liệu của tháng có khoảng thời gian nghỉ dài do Tết sẽ không phản ánh đầy đủ xu hướng và vốn đăng ký cũng là do doanh nghiệp tự kê khai, chịu trách nhiệm, song con số này phần nào thể hiện kế hoạch, thậm chí là tham vọng của doanh nghiệp trong tương lai. Khi niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư với thị trường bấp bênh, thì nguồn lực và sức lực đổ vào đầu tư - kinh doanh sẽ bị hạn chế.

Thời điểm này, sự minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tháo gỡ rào cản thể chế - thay vì cứu doanh nghiệp tồn tại - cần phải được xác định rất rõ.

Tin bài liên quan