Thị trường chứng khoán là thị trường đặc biệt nhạy cảm với thông tin.

Thị trường chứng khoán là thị trường đặc biệt nhạy cảm với thông tin.

Minh bạch thông tin để bảo vệ và thu hút nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững, việc tạo lập “sân chơi” công bằng, bình đẳng, tạo được niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư là yêu cầu quan trọng.

Nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động công bố thông tin

Thị trường chứng khoán là thị trường đặc biệt nhạy cảm với thông tin. Người có lợi thế về thông tin sẽ có cơ hội giành chiến thắng trong đầu tư. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định của thị trường chứng khoán, hoạt động công bố thông tin cần được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản như: tính đầy đủ và chính xác; kịp thời và liên tục; công bằng với đối tượng nhận thông tin.

Các yêu cầu này đòi hỏi được tuân thủ ở tất cả các đối tượng thuộc diện công bố thông tin, từ các cơ quan quản lý nhà nước, sở giao dịch chứng khoán đến các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và cá nhân có liên quan.

Tại Việt Nam, công bố thông tin được quy định trong các văn bản pháp luật và ngày càng tiệm cận với chuẩn mực và xu hướng thế giới. Các nội dung về công bố thông tin được quy định tương đối đầy đủ trong Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, các quy định về xử lý vi phạm cũng đã được đưa ra trong Nghị định 156/2020/NĐ-CP và Nghị định 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi một số điều của Nghị định 156.

Ông Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Ông Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, việc ban hành các quy định cụ thể đã làm gia tăng đáng kể chất lượng công bố thông tin, số lượng các tổ chức thực hiện nghĩa vụ và chất lượng của thông tin công bố ở cả 3 khía cạnh: đầy đủ, chính xác, kịp thời tăng lên, trong khi các tổ chức vi phạm công bố thông tin giảm đi.

Việc tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đã phát hiện và xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, đây được xem là những cảnh báo cần thiết. Năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 568 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, với tổng số tiền phạt 29,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các vi phạm về công bố thông tin.

Mặc dù có nhiều cải thiện nhưng chất lượng của hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, gây thiệt hại đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Trên thị trường vẫn xuất hiện tình trạng các công ty đại chúng không công bố hoặc công bố không đầy đủ thông tin theo quy định khiến các nhà đầu tư không có thông tin, thậm chí là tiếp nhận thông tin sai sự thật, từ đó mất phương hướng trong đầu tư.

Trong khi đó, tận dụng các kẽ hở pháp lý, một số công ty đã thực hiện các biện pháp “xử lý” các số liệu quá khứ làm thay đổi kết quả tài chính của doanh nghiệp từ “lãi khủng” thành “lãi mỏng”, hay “lỗ to” thành “lỗ ít”. Việc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG), Công ty cổ phần Xây dựng số 9 (mã chứng khoán VC9) thực hiện hồi tố báo cáo tài chính làm thay đổi lớn kết quả kinh doanh đã gây nhiều ý kiến trái chiều, ảnh hưởng đến niềm tin của không chỉ nhà đầu tư trong nước, mà còn với nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh hạn chế về tính đầy đủ, chính xác, kịp thời, yêu cầu công bằng trong tiếp nhận thông tin vẫn còn hạn chế và thiệt thòi dường như đang nghiêng về phía các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo Hiệp hội Thị trường tài chính và ngành chứng khoán châu Á (ASIFMA, 2/2022), thông tin minh bạch thị trường là một trong những hạn chế để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cho rằng, công khai, minh bạch dữ liệu là yếu tố cần cải thiện để Việt Nam có được thứ hạng cao hơn trong thời gian tới.

Lấp các “lỗ hổng” và tăng cường kiểm tra, giám sát

Ngày 26/5/2022, S&P Global Ratings - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên BB+ với triển vọng “Ổn định”.

Đây là sự ghi nhận đối với những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có đóng góp của hoạt động công bố thông tin. Việc này sẽ góp phần nâng cao uy tín quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Tuy nhiên, để lấp đầy các “lỗ hổng” cũng như tạo niềm tin cho thị trường, vẫn còn một số việc phải làm, tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về công bố thông tin. Các quy định về công bố thông tin cần rõ ràng, cụ thể, các kẽ hở pháp lý cần được lấp đầy. Theo đó, việc hồi tố báo cáo tài chính nên xem xét quy định về số lần hồi tố, cũng nhưng số năm hồi tố trong một thời gian nhất định.

Theo ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc và là người sáng lập của WiGroup, cần sửa quy định doanh nghiệp nào hồi tố báo cáo tài chính quá 2 năm hoặc quá 2 lần trong vòng 10 năm thì huỷ niêm yết bắt buộc.

Để đảm bảo công bằng trong tiếp cận thông tin, cần đưa quy định về công bố thông tin giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán là yêu cầu bắt buộc với các sở giao dịch, các thông tin này được cập nhật như đối với giao dịch của khối ngoại. Việc sửa đổi Thông tư 96 trong thời gian tới cần bổ sung nội dung này.

Theo lý thuyết “Cửa sổ vỡ”, khi các lỗi nhỏ được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ không xảy ra hiện tượng đổ vỡ trên diện rộng.

Thứ hai, tăng cường giám sát của các cơ quan chức năng cũng như nâng cao các mức xử phạt. Đây là hoạt động quan trọng nhằm phát hiện các sai phạm trên thị trường, điều quan trọng là sự tích cực và hiệu quả của hoạt động thanh tra như một lời cảnh báo cứng rắn làm giảm tâm lý “bất chấp”, cố tình sai phạm của lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo lý thuyết “Cửa sổ vỡ” (The Broken Window Theory), khi các lỗi nhỏ được phát hiện, xử lý kịp thời, sẽ không xảy ra hiện tượng đổ vỡ trên diện rộng, tâm lý vi phạm bị cảnh báo ngay từ đầu, các vi phạm sẽ xảy ra ít hơn.

Để đảm bảo tính răn đe, cần nâng trần mức xử phạt, hoặc đưa ra mức xử phạt gấp nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm, cộng thêm các hình thức xử phạt bổ sung như cấm giao dịch, cấm hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán.

Thứ ba, gắn chặt hơn trách nhiệm của các công ty kiểm toán với kết quả kiểm toán. Chất lượng công bố thông tin phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Khi các sai phạm được phát hiện chính xác, kịp thời bởi hoạt động kiểm toán sẽ là những thông tin quan trọng, hữu ích với các nhà đầu tư. Việc các công ty kiểm toán không làm hết trách nhiệm, thậm chí cấu kết với các doanh nghiệp khiến các thông tin sai lệch được bỏ qua, không thông báo cho công chúng nhà đầu tư, do vậy cần có các quy định cụ thể về mức xử lý khi các công ty kiểm toán, các kiểm toán viên không làm đúng trách nhiệm của mình.

Tin bài liên quan