Từ khởi đầu minh bạch
Năm 2008, Cuộc bình chọn BCTN đã vinh danh 13 doanh nghiệp có BCTN tốt nhất, gồm Công ty cổ phần Dược Hậu giang (DHG), Công ty cổ phần FPT (FPT), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Công ty cổ phần Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (hiện đã đổi tên thành Công ty cổ phần Vicostone - mã chứng khoán VCS)…
Các BCTN này đạt giải cao chính nhờ sự minh bạch trong thông tin, như lời đánh giá của ông Lê Nhị Năng, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, Chủ tịch Hội đồng bình chọn, “các BCTN của doanh nghiệp đạt giải đều có báo cáo chất lượng, thông tin tổng quát đầy đủ, chính xác và có giá trị, đồng thời là tài liệu quan trọng trong quan hệ với nhà đầu tư, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp tới lợi ích của nhà đầu tư”.
Theo ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, trong khó khăn, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến giá trị của công ty mà mình đầu tư và doanh nghiệp quan tâm nhiều đến quản trị, minh bạch thông tin. Năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam, TTCK đi xuống, nhiều nhà đầu tư lo lắng không biết giá trị cổ phiếu mà họ đầu tư sẽ đi đâu về đâu, nhất là khi nhiều công ty tài chính, bất động sản có tài sản giảm giá lớn.
“Lúc thị trường càng khó khăn, thông tin minh bạch càng giá trị”, ông Dominic Scriven nói và nhấn mạnh, quản trị tốt và minh bạch sẽ là công cụ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đến trái ngọt thành công
DHG là quán quân của mùa giải BCTN đầu tiên, báo cáo của doanh nghiệp này hoàn hảo từ nội dung đến thiết kế, in ấn. Theo dõi sự phát triển của doanh nghiệp này suốt thời gian dài, có thể thấy DHG lấy yếu tố minh bạch làm nền tảng cho mọi hoạt động.
DHG niêm yết trên HOSE vào cuối năm 2006, với vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Tính đến ngày 7/7/2017, vốn điều lệ của DHG tăng lên 1.307 tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt hơn 15.937 tỷ đồng.
Hơn 10 năm qua, DHG liên tục vươn lên mạnh mẽ. Năm 2016, DHG đạt doanh thu 3.783 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 757 tỷ đồng, cổ tức 35%. Trên đà đi lên, năm 2017, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu 4.369 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và sau trích lập quỹ khoa học công nghệ lần lượt là 820 tỷ đồng và 800 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị DHG Phan Thị Việt Nga chia sẻ, một trong những yếu tố làm nên thành công của DHG là ý thức cung cấp, công bố thông tin tới cổ đông một cách kịp thời và chính xác.
“Minh bạch thông tin là vấn đề được quán triệt hàng đầu và luôn nhận được sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Hội đồng quản trị”, bà Nga cho hay.
Cổ phiếu DHG luôn giữ được giá tốt và nằm trong Top những mã cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn HOSE. Luôn lấy kim chỉ nam “hợp tác cùng thịnh vượng”, bà Việt Nga cho rằng, chỉ có cởi mở và minh bạch mới đưa doanh nghiệp và cổ đông đến gần nhau và vươn tới đích thành công.
TDH cũng là một trong những doanh nghiệp giữ vững sự phát triển nhờ minh bạch. Năm 2008, cuốn BCTN của Công ty gây ấn tượng mạnh với Hội đồng bình chọn với hình ảnh đôi chim đang làm tổ và slogan “Hạnh phúc từ nơi tổ ấm của bạn”. Với lối thiết kế bình dị, TDH chọn điểm nhấn là giá trị nhân văn, chứ không phải những tòa nhà chọc trời, đó là cách mà doanh nghiệp bất động sản này luôn tạo ra sự khác biệt.
Năm 2008, khủng hoảng kinh tế khiến hàng loạt doanh nghiệp chao đảo thì TDH vẫn có vốn đề đầu tư dài hạn. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc TDH, ông Lê Chí Hiếu cho biết: “TDH có chiến lược kinh doanh hợp lý, thái độ thực sự cởi mở trong quan hệ với nhà đầu tư, hai yếu tố ấy giúp doanh nghiệp gặt hái được kết quả”.
Chiến lược hợp lý ở đây mà lãnh đạo TDH nói đến là tận dụng cơ hội khủng hoảng để tích lũy quỹ đất giá rẻ, mua cổ phần của doanh nghiệp có quỹ đất lớn.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, TDH lớn mạnh hơn nhiều. Niêm yết ngày 14/12/2006 với vốn điều lệ 170 tỷ đồng, đến nay TDH có vốn điều lệ 816 tỷ đồng, vốn hóa thị trường 1.330 tỷ đồng (tính đến 7/7/2017). Hiện TDH có 12 công ty con, công ty liên doanh, liên kết trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, tài chính, kinh doanh nông sản, nước đá tinh khiết…
Theo ông Lê Chí Hiếu, quản trị công ty tốt, quan hệ cổ đông cởi mở cùng thông tin minh bạch là những yếu tố thúc bẩy TDH phát triển bền vững như ngày hôm nay.
Với ACB, ngân hàng này liên tục khẳng định tên tuổi và xác lập vị thế trong ngành. Từ vốn điều lệ năm 2006 là 1.100 tỷ đồng, đến nay ACB đã nâng mức vốn này lên hơn gần 10.000 tỷ đồng. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2017, ACB lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2016. Được biết, quý I/2016, ACB đạt lợi nhuận trước thuế 595 tỷ đồng.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB chia sẻ, ACB đặc biệt chú trọng đến quan hệ cổ đông và cung cấp thông tin chính xác về tình hình hoạt động kinh doanh, quản trị doanh nghiệp tới cổ đông. Nền tảng phát triển lâu dài cho ACB có được từ sự hài lòng liên tục của khách hàng, từ sự tin tưởng của cổ đông, cùng tinh thần vươn lên, không tự mãn của tập thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng.
Rất nhiều doanh nghiệp khác như VNM, FPT, VCS… là những điển hình trong việc lấy minh bạch thông tin làm chìa khóa để phát triển bền vững. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng khẳng định, chỉ có minh bạch mới thúc đẩy thị trường, thu hút được nhà đầu tư và là nền tảng cho doanh nghiệp bứt phá. Ông nhấn mạnh, nâng cao chất lượng công bố thông tin, quản trị công ty và quan hệ nhà đầu tư của các doanh nghiệp là một trong các trụ cột chiến lược giúp cải thiện chất lượng môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Trong 10 năm qua, Cuộc bình chọn BCTN tốt nhất đã góp phần thúc đẩy tính minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết, tạo nền móng cho thành công của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Lao dốc vì thiếu minh bạch - Bài học từ TTF
Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) được vinh danh có BCTN tốt nhất năm 2007 nhờ quản trị tốt, minh bạch thông tin. TTF từng phát triển mạnh mẽ với nền tảng ấy. Nhưng năm 2016, TTF có dấu hiệu không minh bạch, kết quả kinh doanh suy giảm, giá cổ phiếu lao dốc.
Trong năm 2016, cổ phiếu TTF từng đạt “đỉnh” với giá chạm ngưỡng 44.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó mất hơn 80% giá trị chỉ trong vòng 1 tháng, dao động quanh mốc 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu.
Nguyên nhân khiến giá cổ phiếu TTF lao dốc đến từ báo cáo tài chính quý II/2016 của Công ty bị phát hiện thiếu gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho và trích lập dự phòng đối với khoản phải thu.
Tháng 7/2016, Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát đã công bố việc tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.200 tỷ đồng với 69,7 triệu cổ phiếu TTF vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa số liệu mà TTF đã công bố cho nhà đầu tư và tình hình thực tế mà Tân Liên Phát nắm được.
TTF dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư khi có sự thay đổi một loạt nhân sự chủ chốt và nỗ lực minh bạch thông tin. Trong đó, đầu tháng 5/2017, ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phầ Đầu tư U&I, đơn vị nắm giữ 20% cổ phiếu TTF, được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc TTF.