Doanh nghiệp càng minh bạch, nhà đầu tư càng có sức chống chịu tốt trước tin đồn thất thiệt.

Doanh nghiệp càng minh bạch, nhà đầu tư càng có sức chống chịu tốt trước tin đồn thất thiệt.

Minh bạch thông tin “cứu giá” cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, không ít lần, vì những tin đồn thất thiệt, thông tin không chuẩn xác mà thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp lao dốc. Trong tình huống đó, minh bạch thông tin từ doanh nghiệp sẽ là cách ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực.

Cổ phiếu lao dốc vì tin thất thiệt

Đầu tháng 4 vừa qua, trang facebook cá nhân mang tên “Thang Dang” loan tin về việc ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank (mã chứng khoán STB) bị cấm xuất cảnh cùng một số thông tin khác liên quan đến doanh nhân này. Ngay lập tức, Sacombank đã có thông báo khẳng định thông tin nêu trên hoàn toàn bịa đặt, vu khống, bôi nhọ lãnh đạo Ngân hàng.

Chiều ngày 2/4, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an thời điểm đó cũng khẳng định: “Cho đến thời điểm hiện nay, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Ngân hàng Sacombank, không nằm trong danh sách chú ý xuất nhập cảnh hoặc cấm xuất cảnh”.

Tuy nhiên, thông tin thất thiệt này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị giá cổ phiếu STB. Phiên giao dịch ngày 2/4, cổ phiếu STB có lúc giảm rất sâu, sau đó có hồi phục nhưng chốt phiên vẫn ghi nhận mức giảm 3,8%.

Đáng chú ý, khối lượng khớp lệnh trong phiên tăng đột biến, lên tới 105 triệu đơn vị, tương đương hơn 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Sacombank. Khối ngoại đã xả mạnh cổ phiếu STB trong phiên này, khi bán ra 14,9 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch 450 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông thường niên của Sacombank diễn ra vào ngày 26/4 vừa qua, ông Dương Công Minh tái khẳng định: “Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan và các vụ việc của bà Trương Mỹ Lan. Vụ việc của bà Lan đã có kết luận điều tra, có cáo trạng truy tố, Tòa án đã xử. Tôi không có liên quan một câu, một chữ, một dấu chấm, dấu phẩy nào trong đó cả”.

Việc chủ động thông tin của Sacombank đã trấn an nhà đầu tư, chặn đà giảm giá của cổ phiếu. Đến ngày 9/4, cổ phiếu STB bắt đầu tăng trở lại và đóng cửa phiên 11/6 ở mức 31.200 đồng/cổ phiếu, tương đương vùng giá trước khi xảy ra sự cố trên.

Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, không ít lần, vì những tin đồn thất thiệt, thông tin không chuẩn xác mà thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp lao dốc. Trong tình huống đó, minh bạch thông tin từ doanh nghiệp sẽ là cách ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực.

Một trường hợp xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC). Ngày 31/5/2024, một bài báo đưa tin, Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại Hóa chất Đức Giang; trong đó có nội dung: “số lượng cổ phần sở hữu của Vinachem tại Hóa chất Đức Giang là 15.144.090 cổ phần, tương ứng 8,85% tổng lượng cổ phần đang lưu hành của Hoá chất Đức Giang tại thời điểm 30/9/2021.

Tháng 10/2021, Vinachem thông báo chuyển nhượng toàn bộ cổ phần này cho bên nhận chuyển nhượng là Hoá chất Đức Giang”. Hóa chất Đức Giang ngay sau đó có khẳng định, việc ghi “Vinachem thông báo chuyển nhượng toàn bộ cổ phần này cho bên nhận chuyển nhượng là Hóa chất Đức Giang” là sai sự thật.

Hóa chất Đức Giang không nhận chuyển nhượng cổ phần từ việc thoái vốn của Vinachem. Vinachem thực hiện thoái vốn thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Hóa chất Đức Giang thông tin, trong hai ngày 1/6 và 2/6/2024, nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đã gọi điện và nhắn tin hỏi Công ty về các nội dung trong bài viết trên và lo lắng các thông tin này sẽ ảnh hưởng đến DGC.

Do ảnh hưởng của thông tin này, Hóa chất Đức Giang cho biết trong sáng 3/6, cổ phiếu DGC đã giảm về mức 121.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 4.500 đồng/cổ phiếu so với mức giá đóng cửa ngày 31/5/2024. Việc này làm cho giá trị vốn hoá của Tập đoàn Đức Giang giảm 1.709 tỷ đồng.

Hóa chất Đức Giang đã có công văn yêu cầu cơ quan báo chí đính chính thông tin, kịp thời giảm ảnh hưởng và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cổ đông. Sau chuỗi ngày giảm giá vì ảnh hưởng thông tin chưa đúng sự thật, ngày 7/6 khi có thông tin đính chính, cổ phiếu DGC đã ghi nhận sắc xanh.

Các doanh nghiệp đại chúng có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán thường cẩn trọng trong công bố thông tin, bởi mỗi thông tin đưa ra đều có ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu trên thị trường. Đối với những tin đồn bất lợi lan truyền có tác động tới biến động giá cổ phiếu, việc chủ động thông tin sẽ giúp doanh nghiệp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Để tăng sức kháng cho nhà đầu tư trước tin đồn

Trên nhiều room chứng khoán, diễn đàn, mỗi ngày có nhiều thông tin được đưa ra trao đổi, thảo luận. Có thông tin chính xác và rất nhiều thông tin không chính xác.

Ông Nguyễn Thanh Hà, nhà đầu tư tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhìn nhận: “Đôi khi các đội lái hay còn gọi cá mập tung tin lợi dụng tâm lý yếu của nhà đầu tư, FOMO theo đám đông để đánh lái cổ phiếu đi lên, hoặc kéo xuống để mua vào. Nhà đầu tư thông thái cần tỉnh táo không để bị lợi dụng như một công cụ để thao túng cổ phiếu”.

“Chạy theo tin đồn” vốn là đặc tính của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng trên 90%. Trong một chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, các tin đồn có tốc độ lan truyền trên mạng xã hội rất nhanh, tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư.

Hiện nay, lượng người dựa vào thông tin trên mạng xã hội để đầu tư chứng khoán rất nhiều. Bên cạnh đó, hiện tượng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) rất phổ biến, khiến tin đồn được không ít nhà đầu tư tin là thật. Các công ty chứng khoán và cả doanh nghiệp bị tin đồn ảnh hưởng trực tiếp đã đưa ra khuyến cáo, nhà đầu tư cần bình tĩnh, cẩn trọng trước các thông tin chưa được kiểm chứng.

Ứng xử với tin đồn, ông Minh khuyến nghị với nhà đầu tư ngắn hạn, thường đầu tư theo xu hướng, khi cổ phiếu giảm mạnh nên kiểm soát rủi ro, bán ra và chờ đợi quay lại vị thế mua mới ở mức giá thấp.

Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, cần nhìn lại và đánh giá khoản đầu tư, vì khi đầu tư vào doanh nghiệp là dựa vào bản chất nội tại sức khoẻ của doanh nghiệp đó. Nếu doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt, triển vọng tăng trưởng khả quan, nhà đầu tư có thể tự tin nắm giữ cổ phiếu chờ hái quả ngọt.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam cho rằng, đầu tư chứng khoán là kênh sinh lời tốt nhưng nhà đầu tư cần có kiến thức và chọn lọc thông tin tiếp cận.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho nhà đầu tư thông qua website của doanh nghiệp, hội nghị nhà đầu tư; cung cấp thông tin cho báo chí, đơn vị truyền thông.

Càng minh bạch thông tin với cổ đông, với thị trường, doanh nghiệp càng gia tăng sức “đề kháng” cho cổ đông, nhà đầu tư trước những tin đồn thất thiệt liên quan đến doanh nghiệp.

Tin bài liên quan