Dữ liệu lớn, chìa khóa cho minh bạch
Một trong những yếu tố quan trọng đến việc ứng dụng các công nghệ mới cho bất động sản chính là dữ liệu lớn (big data). Theo các chuyên gia, dữ liệu lớn và các nền tảng công nghệ mới hứa hẹn là bước nhảy vọt lớn cho ngành bất động sản.
Mặc dù việc thu thập dữ liệu trên diện rộng luôn đầy thử thách, nhưng nhờ đó mà chỉ số minh bạch được nâng cao, đặc biệt là tại những thị trường quản lý thông tin chặt chẽ.
“Bất động sản đang đứng giữa bước đột phá của công nghệ. Công nghệ mới giúp mọi người tiếp cận thông tin thị trường dễ dàng hơn, là chìa khóa cho minh bạch toàn ngành bất động sản”, ông Jeremy Kelly, Giám đốc Nghiên cứu Toàn cầu của JLL cho biết.
Đồng quan điểm, ông Daniel Mahoney, Trưởng phòng Nghiên cứu của LaSalle nhận định: “Những năm gần đây, dù chỉ số minh bạch đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.
Chúng tôi kỳ vọng công nghệ có thể đến gần hơn với bất động sản, như cách chúng ta sử dụng công nghệ trong việc theo dõi sức khỏe và xây dựng các mối quan hệ xã hội".
Lợi ích từ minh bạch thông tin
Lĩnh vực bất động sản đang ghi nhận một cuộc đua khác, ngoài thu hút vốn, các cuộc chạy đua về mua bán, sáp nhập (M&A), đó là chạy đua về mức độ minh bạch thị trường.
Quá trình thử nghiệm ở các nước đã bắt đầu. Dubai có kế hoạch ghi lại tất cả các giao dịch bất động sản trên blockchain vào năm 2020. Estonia cũng đang sử dụng công nghệ này để xác thực các tài sản được đăng ký.
Theo Báo cáo minh bạch năm 2018 của JLL, báo cáo được khảo sát 100 thị trường bất động sản trên toàn cầu và chia thành 5 nhóm: Siêu minh bạch, minh bạch, bán minh bạch, kém minh bạch và không minh bạch.
Hiện Việt Nam đang đứng thứ 61 về chỉ số minh bạch bất động sản, xếp hạng cao nhất trong nhóm “Kém minh bạch” và đang ở ngưỡng quá độ lên nhóm “Bán minh bạch”. Việt Nam xếp hạng trên Sri Lanka, Myanmar... trong nhóm.
Minh bạch thông tin đang là xu hướng toàn cầu, được nhiều nước triển khai áp dụng và có được những cải thiện đột phá. Giờ đây, minh bạch không chỉ là yếu tố để so sánh đơn thuần, trên thực tế, nó đã mang lại những hiệu quả cụ thể.
Chỉ tính riêng nhóm “siêu minh bạch” trong bảng xếp hạng của JLL (bao gồm 11 thị trường) đã thu hút 75% lượng đầu tư bất động sản thương mại toàn cầu trong năm năm qua.
“Minh bạch là yếu tố then chốt trong việc đánh giá hoạt động hiệu quả của các thị trường”, ông Richard Bloxam, Giám đốc Thị trường vốn Toàn cầu của JLL nhận xét.
Chìa khóa cho các thương vụ M&A
Đánh giá về vai trò của minh bạch thông tin với hoạt động M&A, ông Peter Sorensen, Giám đốc điều hành của ABB Merchant Banking cho rằng, minh bạch giữ vai trò rất quan trọng.
Nếu thương hiệu mạnh là một giá trị tài sản lớn; đội ngũ nhân sự tốt, gắn kết giúp bên mua giảm thiểu các rủi ro hoạt động; định hướng phát triển đúng đắn quyết định đến tương lai của doanh nghiệp thì minh bạch thông tin là yếu tố quyết định khiến cho người mua có tiến tới giao dịch nghiêm túc hay không.
Theo ông Glenn Andrew Hughes, Giám đốc, Lãnh đạo dịch vụ tư vấn ngành bất động sản, cơ sở hạ tầng và dự án đầu tư, PwC Việt Nam, để bảo vệ và gia tăng giá trị của mình, các doanh nghiệp cũng phải tập trung vào việc quản lý rủi ro để việc tạo ra các giá trị tốt không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Họ cần chứng minh là họ sở hữu các hệ thống và quy trình quản trị tốt và cho thấy được họ đang áp dụng quy trình ra quyết định minh bạch, các thông lệ quản trị tiên tiến - đây là những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực quản lý rủi ro của doanh nghiệp. Khi chứng minh được những điều này, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tốt nhất để bảo vệ và gia tăng giá trị của mình.
Các chuyên gia đang cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần công khai, minh bạch thông tin về kế hoạch và chỉ tiêu quy hoạch cũng như tính chất pháp lý phải rõ ràng đối với các dự án. Điều này nhằm giúp cho quá trình rà soát (due diligence) pháp lý, tài chính và thuế được thuận lợi, giúp thúc đẩy quá trình giao dịch thành công.
Rào cản và động lực?
Việc thiếu minh bạch đang được nhìn nhận là những rào cản đến các hoạt động thị trường. Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, hiện Việt Nam vẫn là thị trường có độ minh bạch kém.
Các nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu thông tin các dự án. Đặc biệt, các nhà đầu tư ngoại đang gặp khó khăn nhiều hơn so với các nhà đầu tư nội.
Con đường dẫn tới sự minh bạch còn nhiều chông gai. Để nắm được chính xác thông tin thị trường bất động sản cần có lượng thông tin chất lượng cao từ hệ thống dữ liệu chặt chẽ. Tuy nhiên, một trong những cái khó hiện nay là việc các đơn vị sở hữu dữ liệu chưa chủ động, nhiệt tình trong việc chia sẻ.
Trong một hội nghị về công nghệ 4.0 mới đây, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT cho rằng, dữ liệu lớn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp tiên phong như FPT còn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn dữ liệu để phục vụ cộng đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà phân tích thì những thị trường mới nổi còn đang quản lý thông tin theo phương thức truyền thống.
Đây vừa là thuận lợi, đồng thời cũng là rào cản. Rào cản là việc quản lý thông tin theo phương thức truyền thống sẽ không đạt hiệu quả cao về tính minh bạch.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để các thị trường này nhận được nhiều lợi ích về minh bạch với sự hỗ trợ của công nghệ, điển hình là blockchain.
Với các thị trường có tính minh bạch cao, công nghệ có thể dẫn đến tiêu chuẩn hóa toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến tài sản, từ quy hoạch thành phố đến báo cáo môi trường.
Trong khi đó, với các thị trường tính minh bạch thấp, công nghệ có thể sẽ mang lại những đổi thay to lớn.
“Công nghệ giúp các thị trường phát triển 'nhảy cóc' so với quá trình cải thiện minh bạch trước đây của các thị trường trưởng thành”, ông Kelly nhận định.