Minh bạch giá điện: Đòi hỏi và mong ước

Minh bạch giá điện: Đòi hỏi và mong ước

Từ 1/7, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được vận hành.

Một trong những mục đích của thị trường phát điện cạnh tranh nhằm tạo ra cơ chế kinh doanh cạnh tranh, xoá độc quyền của EVN và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường điện.

Tuy nhiên, với thực trạng của ngành điện Việt Nam hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra băn khoăn. Đặc biệt, cách điều chỉnh giá điện tăng 5% như vừa qua khiến nhiều người nghi ngại tính thuyết phục của thị trường điện cạnh tranh và sự minh bạch giá điện.

 

Lâu nay, yêu cầu "công khai, minh bạch" được nhiều chuyên gia và người dân đặt ra cho các ngành phân phối các mặt hàng quan trọng như than, điện, xăng dầu. Nó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một đòi hỏi cấp thiết nhưng cũng vì nhắc đi nhắc lại nhiều mà tính minh bạch và công khai chưa được như mong đợi nên điều đó vẫn như là một ước mơ.

 

Lần điều chỉnh tăng giá điện 5% từ 1/7 nói là bất ngờ nhưng xem ra lại không hề bất ngờ chút nào bởi trước đó một tháng, nhưng thông tin về khả năng tăng giá điện, chi phí đầu vào của điện tăng... vô tình được đẩy ra như để báo trước về việc tăng giá. Dù sau đó đã có những khẳng định chưa có phương án tăng giá điện nhưng với kinh nghiệm của những lần điều chỉnh điện và xăng dầu trước đó, người tiêu dùng hiểu rằng, việc tăng giá đã đến rất gần và vấn đề tăng vào lúc nào vào bao nhiêu mà thôi.

 

Theo quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng, chu kì 3 tháng nếu giá các thông số cấu thành giá điện tăng 5% thì EVN chủ động đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ. Tính từ thời điểm tăng giá gần nhất vào ngày 20/12/2011, cho đến nay đã tròn hai chu kì được phép tính toán thông số đầu vào.

 

Bộ Công Thương cho rằng, lần tăng giá điện này dựa trên các thông số đầu vào đều tăng. Cụ thể, giá than cho sản xuất điện đều tăng từ 10-11,5% tùy loại như giá than cám 4b là 750.000 đ/tấn, giá than cám 5a là 620.000 đ/tấn. Giá khí trung bình cho nhà máy điện Cà Mau là 9,338 USD/triệu BTU được tính trên cơ sở giá dầu HFO là 720,96 USD/tấn. Giá dầu DO là 20.897 đ/lít, giá dầu FO là 18.116 đ/lít. Tỷ giá hối đoái giữa VND và đô la Mỹ 20.927 đồng/USD.

 

Tuy nhiên, xét thực tế thì lại khác, theo thông tin từ Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin), tính từ đầu năm đến ngày 1/7, đơn vị này chưa hề tăng giá bán than cho điện. Dự kiến giữa tháng 7 này, Vinacomin mới lên phương án điều chỉnh giá than cho điện; nếu có tăng thì khoản chênh thêm cũng chỉ trên dưới 300 tỷ đồng, so với khoản thu hơn 3.700 tỷ đồng từ lần tăng giá điện 5%. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới thời gian qua liên tiếp giảm, giá dầu trong nước cũng liên tục hạ nhiệt. Mặt khác tỷ giá USD/VND không biến động lớn.

 

 Minh bạch giá điện: Đòi hỏi và mong ước ảnh 1

 

Ngoài ra, theo báo cáo của EVN, tình hình sản lượng điện 6 tháng đầu năm không xảy ra tình trạng thiếu điện, nguồn điện từ thuỷ điện dồi dào, đưa vào vận hành 4 tổ máy với 746,5MW, gồm TM1 và TM2 - Thuỷ điện Đồng Nai 4 (2x170 MW), TM1 - Thuỷ điện Kanak (6,5 MW) và TM5 - Thuỷ điện Sơn La (400MW)...

 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 58,032 tỷ kWh, tăng 10,88% so với cùng kỳ năm 2011. Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 56,475 tỷ kWh (tăng 10,98% so với cùng kỳ), trong đó điện sản xuất đạt 24,777 tỷ kWh, chiếm 43,9%. Điện thương phẩm ước đạt 50,36 tỷ kWh, tăng 11,82% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy 6 tháng đầu năm không còn tình trạng thiếu nguồn thuỷ điện, tăng cường chạy dầu cho các nhà máy nhiệt điện như năm ngoái.

 

Vậy những con số mà Bộ Công Thương và EVN đưa ra liệu đả đủ thuyết phục về việc gia tăng giá đầu vào đến mức phải tăng giá?.Đó là chưa kể so với các lần tăng giá trước đây, Bộ Công Thương và EVN thường chủ động tổ chức họp báo công khai để giải đáp các thắc mắc của dư luận liên quan đến quyết định điều chỉnh giá. Thế nhưng lần tăng giá có hiệu lực từ 1/7 (thứ hai) lại được EVN gửi một bản thông báo ngay trong đêm vào ngày cuối tuần (thứ 6, ngày 29/6), khiến người dân bất ngờ.

 

Về cách tăng giá, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam "nhắc khéo" Bộ Công Thương tại họp báo chính phủ chiều 3/7 về công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận từ người dân trong quyết định tăng giá điện. Đồng thời đề nghị EVN "rút kinh nghiệm"!

 

Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay tốc độ xây dựng các nhà máy điện của Việt Nam chưa đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa. Dù tình hình suy thoái kinh tế hiện nay khiến nhu cầu trên tăng chậm lại đôi chút nhưng trong vòng 10 năm tới, mức cung điện sẽ phải tăng lên rất nhiều. Để hỗ trợ cho ngành điện, Chính phủ tính đến phương án tăng giá điện, thế nhưng tăng giá điện đối với người tiêu dùng là một việc khó trong thời buổi lạm phát và khó khăn kinh tế hiện nay.

 

Cũng theo WB nếu việc tăng giá điện không được kiểm soát chi phí thì dễ nảy sinh hai vấn đề. Thứ nhất là EVN dĩ nhiên sẽ ưu tiên những cơ sở phát điện có chi phí thấp so với những cơ sở có chi phí cao, và đây sẽ là điều khiến các nhà đầu tư tiềm năng vào ngành điện không hài lòng. Thứ hai, EVN sẽ phải chịu những chi phí của việc tăng giá điện không cần thiết, từ đó làm tăng áp lực tài chính cho mình.

 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, quyết định tăng giá điện vào thời điểm kinh tế khó khăn, sản xuất đình trệ, hàng tồn kho nhiều là không hợp lý. Mặt khác, Bộ Công Thương và EVN lấy lí do giá nguyên liệu đầu vào tăng là không thoả đáng, trong khi thực tế giá xăng dầu đang giảm, nguồn nước cho thủy điện năm nay cũng chưa xảy ra khan hiếm nên không phải chạy dầu phục vụ nhiệt điện nhiều. Đặc biệt EVN chưa công khai rõ con số cụ thể để đối chứng thực tế.

 

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh rằng, điện là yếu tố đầu vào của hàng loạt ngành sản xuất nên tác động từ việc tăng giá sẽ lớn hơn nhiều mức công bố của EVN và Bộ Công Thương. Thêm vào đó, DN đang phải xoay xở với hàng loạt khó khăn trước mắt, nay điện tăng giá chẳng khác nào tăng thêm đòn cho DN. Trong khi sức mua yếu, các DN phải tăng chi phí, đẩy giá thành sản phẩm tăng lên nhưng giá bán lại rất khó tăng theo.