Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico chia sẻ quan điểm với ĐTCK.
Thời gian gần đây, tại ĐHCĐ các ngân hàng, vấn đề nóng được các cổ đông đề cập tới đó là việc chia cổ tức không như kỳ vọng, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu... Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Vấn đề này không mới, có thể lý giải như sau: Hậu quả kinh doanh nợ xấu dồn từ nhiều năm cần xử lý là một thực tiễn của ngành ngân hàng. Thực tế, tỷ lệ nợ xấu hiện nay ở các ngân hàng có thể rơi vào khoảng từ 10-30% tổng dư nợ. Cách duy nhất xử lý hậu quả thực chất là ngân hàng trích lập, sử dụng dự phòng nhiều hơn. Điều này là cần thiết và có thể nói là yếu tố “sống còn” đối với tương lai các ngân hàng. Việc trích lập dự phòng giúp ngân hàng có chiến lược phát triển bền vững, đồng thời tránh được các hậu quả phát sinh trước nguy cơ rủi ro trách nhiệm pháp lý luôn rình rập.
Ngoài ra, kế hoạch chi phí theo đà tăng trưởng và nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định về mức chi cổ tức của ngân hàng. Dù ít hay nhiều, điều này khó tránh khỏi dẫn tới tâm lý không thỏa mãn của các cổ đông, nhất là tại các nhóm cổ đông nhỏ lẻ. Thực tế, đối với các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài thì họ có cách nhìn khác. Họ thường quan tâm đến những giá trị cốt lõi và sự phát triển chiến lược, nên không đặt trọng tâm vào mức cổ tức của những năm tái phục hồi ngành ngân hàng.
Xét về mặt pháp lý, việc chia cổ tức của các ngân hàng thuộc quyền tự quyết của các cổ đông theo tỷ lệ phiếu bầu. Do vậy, không có gì trái pháp luật ở đây.
Luật sư Trần Minh Hải
Đúng như ông đã chia sẻ, không thể tránh một bộ phận cổ đông nhỏ lẻ không hài lòng với quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu hay giá cổ phiếu không như mong muốn... Tuy nhiên, các ngân hàng đều thông điệp rõ ràng, cổ đông nào không đồng ý với quyết định này hay bất cứ vấn đề gì khác rồi muốn lấy lại vốn, ngân hàng sẵn sàng mua lại số cổ phần đó. Vấn đề ở chỗ, trong khi ngân hàng đồng ý trả ngang giá thị trường, song cổ đông lại muốn giá cao hơn. Và khi bất đồng xảy ra, cổ đông có những động thái đe dọa nhất định với ngân hàng. Trên phương diện luật pháp, ông bình luận gì về những vấn đề này?
Theo quy định của pháp luật, việc ngân hàng mua lại cổ phần của cổ đông thường diễn ra trong hai trường hợp. Trường hợp mua cổ phiếu quỹ, ngân hàng có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán.
Trường hợp khác là cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại ngân hàng, hoặc phản đối sự thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ ngân hàng. Trường hợp này, cổ đông có quyền yêu cầu ngân hàng mua lại cổ phần của mình. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, giá cả mua bán được dẫn chiếu tới quy luật giá thị trường. Trường hợp các bên không thống nhất được có thể yêu cầu thẩm định giá. Tuy nhiên, pháp luật không cho phép bất kỳ bên nào có hành vi ép buộc thỏa thuận.
Là luật sư có thâm niên trong lĩnh vực ngân hàng, ông có lời khuyên gì đối với các ngân hàng và các cổ đông xung quanh các vấn đề trên?
Có thể thấy, gần đây, hoạt động của các ngân hàng gặp khó khăn, nợ xấu tăng cao, các ngân hàng phải tái cấu trúc, chỉ số lợi nhuận giảm, trích lập dự phòng lớn, cổ phiếu ngân hàng giảm giá, dẫn tới sự thất vọng của các cổ đông khi mức chia cổ tức thấp. Các cổ đông mâu thuẫn và có nhiều nhiều ý kiến trái chiều trong vấn đề quản trị, điều hành ngân hàng, hoặc đòi hỏi việc mua lại cổ phần của cổ đông.
Nguyên nhân của mọi chuyện đều do mất niềm tin. Các cổ đông nhỏ cho rằng, các cổ đông lớn mới là ông chủ thật sự của ngân hàng, còn họ chỉ là người “thấp cổ bé họng”, không có tiếng nói và cũng không quyết định được gì. Do đó, nên có sự dung hòa mối quan hệ lợi ích giữa đôi bên.
Minh bạch trong cung cấp các thông tin, dữ liệu hoạt động, minh bạch trong quản trị ngân hàng chính là điểm dung hòa được lợi ích giữa hai bên, tránh được những sự cố tương tự.