Nghị định 63 thay thế Nghị định 15 có nhiều sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục thực hiện dự án PPP cả về phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
Theo đó, một trong những điểm mới được các doanh nghiệp đánh giá cao là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động đề xuất bãi bỏ thủ tục cấp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án PPP trên tinh thần phải đơn giản hóa thủ tục, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại diện Cục quản lý Đấu thầu cho biết, đối với các vấn đề phát sinh từ việc bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng cường sự giám sát của cộng đồng, xã hội, Nghị định 63 đã bổ sung quy định trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ký kết hợp đồng dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm công khai thông tin hợp đồng dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
“Điều này sẽ giúp khắc phục triệt để các lo ngại về vấn đề phát sinh mà một số ý kiến gần đây đã nêu ra khi bãi bỏ thủ tục này khi cho rằng, các thông tin về dự án và hợp đồng dự án có thể không được công khai cho bên thứ ba dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý nhà nước về PPP không thực hiện được trách nhiệm quản lý nhà nước của mình”, đại diện Cục quản lý đấu thầu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng theo Cục quản lý Đấu thầu, để lấp khoảng trống pháp lý trong giai đoạn chuyển tiếp, Nghị định 63 cũng quy định trong giai đoạn chuyển tiếp, dự án đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Hoặc thỏa thuận đầu tư được ký trước ngày nghị định này có hiệu lực, nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì không phải thực hiện thủ tục này. Các bên sẽ tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng theo quy định của nghị định này.
Đối với Dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Nghị định 63 có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo nội dung quy định tại cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trường hợp cần điều chỉnh dự án, các bên thực hiện điều chỉnh hợp đồng dự án phù hợp với quy định tại nghị định và pháp luật có liên quan mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trường hợp hợp đồng dự án sau khi điều chỉnh có nội dung khác biệt với cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp trước ngày nghị định có hiệu lực, thì các bên thực hiện theo hợp đồng dự án được điều chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các điều chỉnh đó.
Bên cạnh đó, ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng Cục quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định 63 cũng có một số điểm mới quan trọng như tăng cường tính phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, loại bớt những nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính; gia tăng hình thức tham gia của Nhà nước vào các dự án PPP và ngược lại, gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư vào các dự án đầu tư công chuyển đổi sang dự án PPP, giúp giảm gánh nặng chi lên ngân sách…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Đại Thắng cho biết, mô hình đầu tư theo hình thức PPP không còn mới ở Việt Nam. Hình thức hợp tác công tư đã được phát triển khá đa dạng với các mức độ tham gia khác nhau của khu vực tư nhân cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Thông qua đó, các dự án, công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực giao thông, năng lượng cũng đã được triển khai.
Cũng thông qua mô hình này, vốn đầu tư từ các khu vực tư nhân trong thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo của các địa phương, cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước.
Đối với lĩnh vực giao thông, đã đưa vào sử dụng hàng nghìn kilomet Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các cầu quy mô lớn (như cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu, cầu Việt Trì, cầu Yên Lệnh...).
Đối với ngành điện, lượng vốn đầu tư thu hút khá lớn và chủ yếu là vốn của doanh nghiệp theo hình thức IPP (điện độc lập) bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài; bên cạnh đó, đã có nhiều dự án điện được đầu tư theo hình thức BOT, đáng chú ý có thể kể đến dự án điện khí Phú Mỹ 2.2; Phú Mỹ 3; dự án nhiệt điện than Mông Dương; Vĩnh Tân...
Ngoài 2 lĩnh vực nổi bật nêu trên, trong thời gian tới, các lĩnh vực về xử lý nước thải, rác thải, công trình y tế, giáo dục, nông nghiệp và thương mại dịch vụ cũng được đánh giá rất tiềm năng để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.
“Với một số nội dung sửa đổi khá quan trọng và cụ thể, Nghị định 63 đã đưa ra các quy định, trình tự thủ tục trong việc quyết định các dự án PPP mạch lạc, rõ ràng hơn. Thẩm quyền đối với việc quyết định các dự án PPP cũng đã được chi tiết. Điều này làm minh bạch, công khai rõ ràng trong các dự án đầu tư PPP.
Việc bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án PPP được đưa ra trong Nghị định 63 cũng góp phần rút gọn các thủ tục hành chính cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Ông cũng bày tỏ kỳ vọng, với những điểm đổi mới được đưa ra trong Nghị định 63, sẽ có những đổi mới thiết thực trong việc triển khai áp dụng mô hình PPP đối với các Bộ, Ban, ngành, các địa phương, các chủ đầu tư trong thời gian tới, từ đó góp phần tạo niềm tin cho cộng đồng các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư công khai, minh bạch, các dự án khi đưa ra đấu thầu được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản.
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), từ năm 2015 – 2025, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trung bình của Việt Nam khoảng 16,7 tỷ USD; và theo Ngân hàng HSBC, con số này vào khoảng 17,2 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ còn rất hạn hẹp.
Trong bối cảnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP là một trong các hình thức vừa thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, vừa tận dụng được kinh nghiệm quản lý, chất lượng thực hiện của nhà đầu tư.