Để hiểu được xu hướng tăng chậm của các căn hộ dành cho hộ gia đình nhỏ hiện tại, hãy nhìn một ví dụ điển hình tại thị trường dầu mỏ: cần nhiều năm giá dầu ở mức quanh 100 USD/thùng để kích thích hoạt động đầu tư khai thác, sản xuất và cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm hơn, dẫn tới tình trạng dư cung và kéo giá dầu về mức 50 USD/thùng. Cung và cầu có tác động tới thị trường, nhưng tác động của nó cần có thời gian để biểu hiện và hiện tại, thị trường nhà ở cần sớm nhận ra sự tương tác này.
Mỗi năm qua kể từ năm 2009, chúng ta chứng kiến tình trạng thâm hụt trên thị trường nhà ở: số nhà được bán ra luôn nhiều hơn so với số được xây dựng. Tất nhiên, sau bong bóng bất động sản và khủng hoảng kinh tế năm 2008, việc xây dựng thêm các ngôi nhà mới bị chững lại trong vài năm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tình trạng này đã làm nới rộng thêm khoảng cách giữa nguồn cung nhà và nhu cầu thực. Vậy tại sao các nhà phát triển bất động sản không xây dựng nhiều hơn nữa?
Thực tế, tốc độ tăng trưởng xây dựng nhà ở luôn thấp hơn so với tốc độ mà các gia đình được thành lập.
Một phần nguyên nhân được cho là bởi sự thiếu hụt nhân lực ngành xây dựng. Sau khi bong bóng bất động sản vỡ, rất nhiều công nhân ngành xây dựng đã bỏ cuộc, chuyển sang các lĩnh vực “nóng” hơn như năng lượng hay nghỉ hưu. Lượng nhân lực này quay trở lại với tốc độ chậm và các chính sách nhập cư hiện tại càng gây thêm khó khăn trong việc thu hút nguồn lao động từ các quốc gia khác.
Do đó, lượng lao động thất nghiệp trong lĩnh vực xây dựng tại Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000. Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, tới mùa hè năm tới, sự thiết hụt lực lượng lao động trong ngành xây dựng có thể tiến gần tới mức ngang bằng khi Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc.
Thông thường, sau một thời gian dài trầm lắng và sự thiếu hụt nhân lực ngành xây dựng ngày càng trầm trọng, thị trường sẽ nhận thấy mức lương dành cho công nhân xây dựng tăng mạnh, thu hút thêm nguồn lao động từ các lĩnh vực công nghiệp khác. Tuy nhiên hiện tại, chưa thấy dấu hiệu của việc tăng lương này. Mức lương trung bình hàng năm đối với công nhân xây dựng hiện vào khoảng 2,7%, dần ở mức thấp nhấp kể từ năm 2000.
Như vậy, bất chấp nhu cầu cần có thêm nhiều nhà ở dành cho các hộ gia đình nhỏ hiện đại, hay cho thế hệ millennials, công nhân ngành xây dựng đã giảm xuống còn 16.000 người trong tháng 5 và chưa có dấu hiệu tăng trưởng nào trong tháng 6. Đây là lần đầu tiên trong hơn 5 năm qua, công nhân ngành xây dựng không hề tăng lên trong 3 tháng liên tiếp.
Tình huống phức tạp này đang khiến các thành viên thị trường bối rối, bởi thị trường bất động sản thực sự đang có các điều kiện tốt để tăng trưởng. Theo đó, lượng nhà còn trống sẵn sàng để bán xuống mức thấp, nhu cầu nhà ở gia tăng khi thế hệ millennials đã sẵn sàng để mua nhà, nền kinh tế có sự hồi phục, mức lương trung bình tăng lên trong bối cảnh lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Trong khi các tín hiệu từ số liệu kinh tế rất mạnh, các dấu hiệu từ thị trường bất động sản lại rất mờ nhạt. Giá nhà tại Mỹ chỉ tăng 5-6% và không tăng đồng đều tại nhiều nơi đủ để tạo nên sức hấp dẫn, thúc đẩy các nhà phát triển bất động sản xây dựng nhiều hơn nữa.
Vậy điều gì sẽ giải quyết vấn đề này đối với thị trường bất động sản? Liệu giá nhà có tăng thêm 30 – 50%, tương tự như khi giá dầu tăng lên 100 USD/thùng, và mức lương dành cho nhân lực ngành xây dựng có tăng thêm 6-8% trong thời gian tới hay không? Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là món quà tuyệt vời dành cho những đứa bé sắp chào đời: các ngôi nhà được xây dựng với giá trị không bị thổi phồng đúng vào thời điểm chúng bắt đầu xây dựng gia đình của riêng mình.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com