Thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều sàn vàng hoạt động trái phép đã bị triệt phá. Từ những kết quả điều tra, xác minh ban đầu cho thấy, các sàn vàng này thu hút hàng nghìn người bỏ cả nghìn tỷ đồng mong kiếm siêu lợi nhuận từ cơn sóng vàng.
Chẳng hạn, trường hợp sàn vàng IMMS do Công ty IMMS Holdings lập ra và điều hành. IMMS đã mua phần mềm MT4 của nước ngoài và tổ chức kinh doanh vàng tài khoản trên mạng. Các môi giới của IMMS đã kêu gọi khách hàng đầu tư vốn để cùng kinh doanh. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền họ gửi vào tài khoản đều bị IMMS sử dụng riêng.
Điều tra ban đầu cho thấy, có hơn 5.800 tài khoản với tổng số vốn bỏ vào lên tới cả nghìn tỷ đồng trên sàn vàng IMMS. Khi tham gia giao dịch, nhà đầu tư cứ ngỡ đang mua bán trên thị trường quốc tế, nhưng thực chất sàn vàng IMMS không kết nối với thị trường quốc tế, không liên hệ với bất kỳ quốc gia nào.
Trường hợp khác là sàn vàng BBG, số tiền nhà đầu tư chuyển vào sàn vàng này lên đến hơn 500 tỷ đồng. Hay sàn vàng Khải Thái, số tiền nhà đầu tư bỏ vào là 200 tỷ đồng qua 2.000 tài khoản. Số tiền này được đưa vào dưới dạng góp vốn để Khải Thái thay mặt nhà đầu tư kinh doanh vàng ảo trên tài khoản nước ngoài. Khải Thái hứa hẹn trả lãi suất 36 - 42%/năm.
Với sàn vàng HGI, năm 2015, sàn vàng trái phép này bị cơ quan công an triệt phá và bắt khẩn cấp dàn lãnh đạo CTCP Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng. Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, có hơn 3.000 nhà đầu tư tham gia kinh doanh vàng ảo và nhiều người khác ủy thác đầu tư.
Vừa qua, vụ án này đã được đưa ra xét xử, số tiền liên quan trong vụ án là hơn 200 tỷ đồng, các bị cáo lĩnh mức án cao nhất là 22 tháng tù giam và thấp nhất là 12 tháng án treo. Các cơ quan tiến hành tố tụng xác định, các bị cáo, nguyên là lãnh đạo, nhân viên HGI phạm tội kinh doanh trái phép, kinh doanh vàng ảo. Kết quả điều tra xác định, tổng số tài khoản mở trên phần mềm MT4 từ tháng 10/2013 đến tháng 1/2015 có 2.745 tài khoản, trong đó 1.056 tài khoản giao dịch vàng tài khoản online bằng tiền VND, 604 tài khoản giao dịch bằng tiền USD. Tổng số lệnh giao dịch vàng tài khoản là 60.653 lệnh. Các bị cáo đã thu lời bất chính từ hoạt động kinh doanh vàng trái phép hơn 10,7 tỷ đồng.
Về số tiền gần 170 tỷ đồng do 482 khách hàng gửi tiền ủy thác đầu tư, tại cơ quan điều tra, các bị cáo khai số tiền này đã được sử dụng để trả tiền thuê văn phòng, trả lương nhân viên, chi trả cho hoạt động tìm kiếm khách hàng tham gia giao dịch vàng tài khoản, tổ chức hội thảo và trả các chi phí khác. Cơ quan điều tra cho rằng, giao dịch ủy thác đầu tư này là giao dịch tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc, mục đích gửi là để lấy lãi hàng tháng và HGI cũng không hứa hẹn dùng tiền đầu tư vào lĩnh vực gì. Do đó, chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự và tách rút phần tài liệu này để điều tra xử lý sau.
Tương tự, ở các sàn vàng khác, ngoài hoạt động kinh doanh vàng ảo còn có hoạt động kêu gọi ủy thác đầu tư hưởng lãi suất. Bản thân việc ủy thác đầu tư là giao dịch hợp pháp, nhưng với trường hợp sàn vàng, đa phần nhà đầu tư đều biết việc ủy thác là để bỏ tiền vào kinh doanh vàng ảo - một hoạt động kinh doanh bị cấm. Việc tham gia vào các giao dịch mang tính chất lách luật này để lại nhiều rủi ro cho khách hàng bởi việc giải quyết các tranh chấp giao dịch dân sự với các công ty mà dàn lãnh đạo, vốn là cổ đông chính, đã bị bắt gần như không đem lại hy vọng gì. Hơn nữa, nếu có tài sản kê biên thì đã được sử dụng để giải quyết quyền lợi cho các bị hại trong vụ án.
Theo thông tin từ cơ quan công an, có khoảng 30 sàn vàng trên cả nước hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận cao để thu hút người dân tham gia. Nguy cơ mất hết tiền rất cao và cơ quan điều tra đã cảnh báo nhiều, nhưng vẫn có đông người tham gia, nguyên nhân chủ yếu là do lòng tham.