Miếng bánh chưa ngọt với nhà đầu tư hạ tầng hàng không

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà đầu tư tư nhân đang rất lúng túng, thậm chí bỏ cuộc do không biết bắt đầu từ đâu để có thể cụ thể hóa các dự án nâng cấp cảng hàng không hiện hữu.

Thủ tục chưa rõ

“Trong khi việc đầu tư sân bay mới theo hình thức PPP không gặp nhiều khó khăn, thì hiện các địa phương và nhà đầu tư đang rất lúng túng khi triển khai thủ tục thực hiện xã hội hóa đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không hiện hữu”, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho biết tại Tọa đàm Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuối tuần trước.

Theo ông Nam, khó khăn vướng mắc đang nằm ở 4 chữ “chưa có đường đi”, tức là, nhà đầu tư chưa biết đi thế nào về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết triển khai như thế nào, làm như thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa đầu tư các nhà ga hành khách, hàng hóa tại các sân bay đang khai thác.

Vị chuyên gia này chia sẻ, vừa tham vấn cho một số doanh nghiệp tư nhân quan tâm vào dự án xã hội hóa hạ tầng sân bay. Đây là những sân bay hiện hữu, cụ thể là sân bay Vinh ở Nghệ An, sân bay Phù Cát ở Bình Định, sân bay Thành Sơn ở Ninh Thuận. Điểm chung tại 3 sân bay nói trên là các địa phương đều rất quan tâm, muốn thúc đẩy xã hội hóa hạ tầng sân bay để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là du lịch, nhưng sau một thời gian theo đuổi, các nhà đầu tư đã bỏ cuộc do thủ tục quá rườm rà và chưa rõ ràng.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã phải quay lại phương án dùng vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để triển khai đầu tư Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 và các công trình đồng bộ tại Cảng hàng không Đồng Hới ngay trong giai đoạn 2023 - 2025, sau khi kế hoạch triển khai gọi vốn đầu tư tư nhân theo hình thức PPP gặp khó khăn. Tuy nhiên, phương án huy động gần 2.000 tỷ đồng cho dự án này vẫn đang là ẩn số, bởi trước đó, ACV từng khẳng định do khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp này chỉ có thể đầu tư nâng đời sân bay Đồng Hới trong giai đoạn sau năm 2030.

Đợi cơ chế đột phá

Cần phải nói thêm rằng, nhu cầu vốn đầu tư các công trình thiết yếu của cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lên tới 420.000 tỷ đồng.

“Ngân sách nhà nước và ACV có thể cân đối được khoảng 204.615 tỷ đồng, nên việc sớm cởi nút thắt về cơ chế xã hội hóa đầu tư, nâng cấp các sân bay, cảng hàng không hiện hữu đang là vấn đề cấp thiết để sớm cụ thể hóa các dự án ưu tiên được đề cập trong Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Đề án Định hướng huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Trong phương án mới nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị lựa chọn hình thức đầu tư PPP để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào kết cấu hạ tầng các cảng hàng không (trừ hình thức BOO để đảm bảo nguyên tắc Nhà nước có quyền định đoạt đối với kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia). Chính phủ chủ động quyết định mức vốn tham gia của Nhà nước tham gia từng dự án.

Để tăng tính chủ động, đồng bộ, liên tục trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong đó, giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế với công suất dưới 10 triệu lượt hành khách/năm; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất dưới 1 triệu tấn/năm; các công trình cung cấp dịch vụ hàng không gồm suất ăn, xăng dầu, bảo dưỡng và sửa chữa tàu bay, Đài kiểm soát không lưu.

“Đề án nếu được thông qua, sẽ vừa tạo hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định, vừa có tính đột phá cao để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng hàng không”, ông Nguyễn Anh Dũng đánh giá.

Tin bài liên quan