Những cánh rừng cao su tại tỉnh Quảng Nam đang dần trở nên trơ trọi và hiu hắt.

Những cánh rừng cao su tại tỉnh Quảng Nam đang dần trở nên trơ trọi và hiu hắt.

Miền Trung, Tây Nguyên: Hắt hiu “vàng trắng”

Nếu hơn 10 năm trước, nhiều người được chứng kiến khí thế hừng hực trồng cao su dọc dải miền Trung và Tây Nguyên thì nay, loại cây công nghiệp này đang rơi vào cảnh hắt hiu.

Diện tích teo tóp dần

Không khó để cảm nhận được sự hiu hắt trên những cánh rừng cao su nếu có dịp đi trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua các địa phương có cây cao su hiện diện như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và ngược lên các tỉnh Kon Tum, Gia Lai…

Cánh rừng cao su ở xã Trà Nú (Bắc Trà My, Quảng Nam) hơn 5 năm tuổi đang giai đoạn kiến thiết cơ bản, nhưng không khí buồn hiu hắt, vắng lao động. Chẳng một bóng người, chỉ thấy cây gỗ chắn ngang con đường dẫn vào rừng cao su.

Từng là công nhân của Nông trường Cao su Bắc Trà My, nhưng đã bỏ việc, ông Nguyễn Văn, đồng bào dân tộc Co tại thôn 2 (xã Trà Nú) cho biết, năm 2013 - 2014, khi cao su bắt đầu bén rễ, không khí làm đất, tưới cây, dọn cỏ luôn rộn rã cả một góc rừng.

Nhiều nhóm hộ tranh nhau nhận khoán, chăm sóc cây bởi được trả tiền công kha khá. Thế nhưng, vài năm nay, khi giá “vàng trắng” tụt dốc không phanh, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí đầu tư, kéo theo giá nhân công thua xa các việc làm phổ thông khác, nên đồng bào Co lần lượt rời nông trường.

Ông Hồ Văn Tùng (thôn 5, xã Trà Tân, Bắc Trà My) bộc bạch: “Thực hiện chủ trương chung của địa phương, từ năm 2012, người dân đã thỏa thuận với doanh nghiệp về quyền lợi ăn chia khi khai thác mủ cao su thiên nhiên. Phần lớn diện tích đất trồng cao su trước đây là nương rẫy, đất đồi trồng rừng của người dân. Sở dĩ, đồng bào mạnh dạn góp đất vì tin vào những lời hứa của doanh nghiệp là sẽ sử dụng lao động thường xuyên, với chi phí chăm sóc vườn cây hợp lý, song thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Tại huyện Bắc Trà My, người trồng từng đề xuất chặt bỏ cây cao su để trồng các loại cây khác, cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích trồng cao su ở Quảng Nam lên đến hơn 30.428 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, các doanh nghiệp toàn tỉnh mới trồng chưa đầy 10.000 ha cao su.

Tại Quảng Ngãi, năm 1999, cây cao su được “du nhập” về một số xã ở huyện Bình Sơn, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Thanh Quang (xã Bình Khương, huyện Bình Sơn) cho biết: “Cách đây 15 năm, nghe nói cao su là cây công nghiệp hiệu quả kinh tế cao, nên người dân tham gia trồng. Cứ nghĩ 14 sào cao su sẽ giúp mình có thu nhập khá hơn, nhưng không ngờ sau thiệt hại do cơn bão năm 2009 gây ra, cao su lại rớt giá. Đến nay, nhiều hộ vẫn còn nợ ngân hàng vì vay tiền trồng cao su. Ở xã Bình Khương có khoảng 40 hộ trồng cao su tiểu điền, với trên 50 ha, thì hiện có khoảng 10 hộ đã phá cao su để chuyển sang trồng keo và sắn”.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi chia sẻ: “Giá cao su liên tục tụt giảm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, giải pháp duy nhất trong thời gian này là tiết giảm chi phí hoạt động, đầu tư”.

Ngược lên Tây Nguyên, từ năm 2008 đến năm 2011, Gia Lai giao hơn 32.000 ha rừng nghèo cho 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án trồng cao su. Đến nay, trên diện tích hơn 25.000 ha cao su đã được trồng, có hơn 12.000 ha bị chết, sinh trưởng kém.

Thực trạng các dự án cao su không hiệu quả này đã được ghi nhận tại Báo cáo giám sát số 87/BC-HĐND ngày 2/7/2015 của HĐND tỉnh Gia Lai về “Tình hình triển khai thực hiện và chất lượng phát triển cây cao su trên đất rừng nghèo theo Dự án phát triển 50.000 ha cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ năm 2008 đến nay”.

Thu hồi, chuyển đổi cây trồng

Nhiều diện tích quy hoạch, giao cho các doanh nghiệp trồng cao su, nhưng bị bỏ hoang hóa hoặc canh tác cầm chừng, trong khi người dân thiếu đất sản xuất, gây bức xúc tại địa phương và lãng phí đất.

“Tinh thần chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam là thu hồi đối với những diện tích để lãng phí kéo dài. Việc này sẽ làm rất rõ ràng, theo quy định của Luật Đất đai. Theo đó, nếu doanh nghiệp chậm tiến độ quá 12 tháng, hoặc không sử dụng đất trong vòng 24 tháng, thì đều có thể xem xét thu hồi, chuyển sang trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn theo hướng trồng tập trung quy mô lớn để phục vụ liên kết chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp”.

- Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam 

Trước thực trạng đó, tỉnh Quảng Nam đang có động thái giảm diện tích quy hoạch để giao đất cho dân sản xuất, đồng thời rà soát và sẽ thu hồi những diện tích mà doanh nghiệp cao su để lãng phí.

Theo ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã có điều chỉnh quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng theo hướng đưa khoảng 43.000 ha ra khỏi quy hoạch đất rừng sản xuất để trồng cao su. Trong 43.000 ha này, diện tích đã trồng cao su chiếm khoảng 9.500 ha. Tại Quyết định số 120 năm 2017 về điều chỉnh Quyết định 2462 năm 2013 của UBND tỉnh, diện tích quy hoạch trồng cao su đã giảm theo hướng thu hồi những diện tích mà doanh nghiệp triển khai chậm tiến độ, loại khỏi quy hoạch đối với những khu vực khe, suối, địa hình hiểm trở, xa xôi mà doanh nghiệp không có điều kiện, khả năng để trồng cao su, đồng thời với những khu vực có điều kiện thuận lợi để phát triển rừng sản xuất thì giao cho dân trồng.

Đối với tỉnh Gia Lai, giữa tháng 6/2018, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý chủ trương cho các doanh nghiệp chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp, nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 5683/VPCP.

Theo đó, nếu muốn chuyển đổi 1 ha cao su sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp khác, doanh nghiệp phải trồng 3 ha rừng thay thế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn và chưa thể có kinh phí chuyển đổi theo yêu cầu của Chính phủ.

Được biết, diện tích mà UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ cho chuyển đổi là 7.500 ha rừng nghèo và khoảng 10.000 ha cao su kém hiệu quả sang các dự án nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo.

Còn tại Quảng Ngãi, không thể “đánh đu” mãi với cây cao su, người dân ở các xã Bình Khương, Bình Minh, Bình Nguyên, Bình An (huyện Bình Sơn) đã lần lượt chặt bỏ cao su, quay trở lại trồng sắn và trồng keo. “Đến nay, diện tích trồng cao su tiểu điền chỉ còn khoảng 260 ha, với 120 hộ canh tác, giảm 160 ha và 50 hộ so với năm 2008.

Trước thực trạng trên, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo, đối với diện tích 360 ha ở 2 xã Bình Khương và Bình Nguyên mà Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi không còn nhu cầu sử dụng thì tiến hành khai thác để tận thu số cây cao su trên diện tích còn vướng mắc và giao lại đất cho chính quyền địa phương.

Tin bài liên quan