Miền Trung giữ vùng xanh cho khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Covid-19 xâm nhập vào khu công nghiệp khiến nhiều địa phương miền Trung chật vật đối phó. Làm sao để giữ vùng xanh cho khu công nghiệp là nỗi trăn trở của nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực.
KCN VSIP Quảng Ngãi

KCN VSIP Quảng Ngãi

Trung tuần tháng 9, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu dừng hoạt động của phân xưởng A và phân xưởng B tại Công ty Giày Rieker Việt Nam, thuộc Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), khi công ty này xuất hiện nhiều ca dương tính Covid-19. Rất nhanh chóng, ngành y tế Quảng Nam tiếp tục ghi nhận 50 ca mắc Covid-19 chủ yếu liên quan đến Công ty Giày Rieker và tại các công ty khác tại khu công nghiệp này.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, địa phương này cũng ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 liên quan đến 2 khu công nghiệp VSIP và Quảng Phú. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh, từ ngày 26/8, Quảng Ngãi phát hiện trường hợp đầu tiên tại KCN VSIP. Tính đến thời điểm ngày 10/9, ngành y tế địa phương ghi nhận tổng cộng 187 ca liên quan đến ổ dịch này, trong đó có 143 công nhân của Công ty Hoya Lens Việt Nam. Cuối tháng 8, một doanh nghiệp khác tại KCN VSIP Quảng Ngãi cũng bị phong tỏa tạm thời sau khi ghi nhận một trường hợp làm việc tại đây dương tính với SARS-CoV-2.

Khi ổ dịch tại KCN VSIP cơ bản được kiểm soát thì dịch bệnh Covid-19 tiếp tục xâm nhập vào KCN Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các doanh nghiệp trong khu kinh tế Dung Quất và các KCN tổ chức xét nghiệm 100% cho công nhân, người lao động.

Trước đó, TP. Đà Nẵng cũng rất chật vật đối phó với các chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại các khu công nghiệp Vân Đồn, Hòa Khánh... Thành phố phải áp dụng các biện pháp mạnh như yêu cầu các công ty thực hiện 3 tại chỗ, giảm số lượng lao động và yêu cầu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân…

Hầu hết các tỉnh miền Trung đều phát hiện các trường hợp Covid-19, nên nguy cơ dịch xâm nhập vào các khu công nghiệp là rất cao. Trong bối cảnh ngành du lịch đã chết lâm sàng, thì các khu công nghiệp được kỳ vọng là “mỏ vàng” cho tăng trưởng của nhiều địa phương miền Trung trong năm 2021. Một khi để dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp thì sẽ là kịch bản rất tệ.

Thực tế cho thấy, khi xuất hiện trường hợp có dịch, các công ty trong khu công nghiệp rất khó khăn để duy trì hoạt động, cũng như đảm bảo đơn hàng. Ông Võ Văn Phước, đại diện nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng cho biết, sản xuất “3 tại chỗ” có những khó khăn phát sinh, như việc đảm bảo nguyên vật liệu để sản xuất.

Ông Phước đề xuất, cần có giải pháp tạo “vùng xanh” cho các khu công nghiệp, bởi mỗi khi dịch xuất hiện thì lại thực hiện giãn cách, các công ty sẽ không được hoạt động hết công suất, không đảm bảo đơn hàng cung cấp theo cam kết thì sẽ vô cùng khó khăn.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, chi phí của doanh nghiệp tăng lên nhiều khi áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, cũng như đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, nhưng nỗi bận tâm lớn nhất của nhiều doanh nghiệp là làm sao sản xuất an toàn, giữ vùng xanh cho khu công nghiệp. “Vắc-xin là giải pháp căn cơ. Vì vậy, TP. Đà Nẵng ưu tiên vắc-xin cho người lao động trong các khu công nghiệp với số lượng tiêm đạt đến nay gần 85%. Thành phố sẽ tiếp tục dành vắc-xin cho các công ty, doanh nghiệp, lực lượng tuyến đầu trong phục hồi và tăng trưởng kinh tế”, ông Sơn cho biết.

Dẫu vậy, không phải địa phương nào cũng đủ vắc-xin tạo khiên chắn cho các khu công nghiệp. Tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, tính đến đầu tháng 9, lượng vắc-xin tiêm chủng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, nhà máy ước gần 6.300 liều, đạt tỷ lệ khoảng 28,5% trong tổng số 22.000 lao động đang làm việc tại đây. Các KCN khác tại Quảng Nam như Bắc Chu Lai, Tam Hiệp (Núi Thành), Tam Thăng (Tam Kỳ), Đông Quế Sơn (Quế Sơn)… đều có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp.

Ông Nguyễn Ngọ, Trưởng ban quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, từ đầu năm 2021, đơn vị đã đề xuất tỉnh bố trí vắc-xin tiêm cho tất cả lao động làm việc trong KCN Điện Nam - Điện Ngọc, tuy nhiên đến nay tỷ lệ tiêm chủng thực tế khá thấp. Trong khi, để thực hiện mục tiêu kép, tối thiểu phải 50 - 70% người lao động KCN phải được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho rằng, ngoài vắc-xin, điều quan trọng hơn là cần ban hành Bộ quy tắc ứng xử với từng cấp độ dịch. “Khi xuất hiện 1-2 ca F0 thì địa phương lại phong tỏa, giãn cách. Đây là điều doanh nghiệp rất sợ, bởi sẽ không yên tâm để sản xuất. Vì vậy, khi xác định sống chung với dịch thì cần ban hành Bộ quy tắc ứng xử, có giải pháp cụ thể để doanh nghiệp và người lao động biết định hướng để hoạt động, yên tâm sản xuất”, ông Bình kiến nghị.

Tin bài liên quan