Hình ảnh công nhân ngày đêm tăng tốc thi công tại công trường đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan
Khẩn trương thi công các dự án trọng điểm
Để bảo đảm tiến độ thi công, đồng thời tiếp tục phòng, chống dịch và khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, từ giữa tháng 8 đến nay, Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các công trình động lực, trọng điểm.
Qua đó, yêu cầu địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công tăng cường máy móc, thiết bị, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh thi công, gấp rút hoàn thành các công trình, dự án theo đúng yêu cầu đề ra.
Ông Nguyễn Ngọc Anh Dũng, Chỉ huy phó thi công dự án Nhà máy nước Hòa Liên cho biết, hiện nay công trình đang thi công mương, bể lắng, hàng rào; làm phần móng nhà điều hành; triển khai san lấp mặt bằng, đào móng và san nền nhà tràn bơm nước thô… Hiện đơn vị đang đôn thúc đẩy nhanh tiến độ vừa xây dựng vừa đảm bảo tốt việc phòng chống dịch trên công trường.
“Với tiến độ hiện nay, dự kiến đến tháng 6/2021, Nhà máy nước Hòa Liên sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1, đẩy nhanh tiến độ về đích trong thời hạn 450 ngày”, ông Lương Thạch Vỹ, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết.
Trên công trình đường và cầu qua sông Cổ Cò (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), không khí lao động dần sôi động trở lại. Kỹ sư Nguyễn Văn Nhưỡng, Chỉ huy trưởng công trình cho biết: “Chúng tôi chấp hành nghiêm túc chỉ thị phòng, chống Covid-19 và quy định giãn cách xã hội của Thành phố, qua đó bố trí số lượng công nhân ở mỗi ca làm việc giảm đi một nửa so với trước đây, ưu tiên sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện thi công. Để bảo đảm tiến độ đề ra, bù lại thời gian sụt giảm do ảnh hưởng Covid-19, công trình cho thi công 3 ca, đến nay đạt trên 40% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30/4/2021 theo đúng tiến độ…”.
Tại Quảng Nam, cuộc họp mới đây của UBND tỉnh này cũng đôn đốc các chủ đầu tư, dự án trọng điểm của tỉnh đẩy nhanh tiến độ.
Theo báo cáo từ các chủ đầu tư, đến nay nhiều dự án, công trình đã và đang sắp hoàn thành, kịp tiến độ gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, gồm: cầu Trường Giang (Tam Kỳ), Trường THPT Nguyễn Huệ, Cảng cá Tam Quang (Núi Thành), đường Võ Chí Công, trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cầu Cẩm Kim, cầu Nông Sơn, công trình Đồn Biên phòng cửa khẩu Cù Lao Chàm. Hai dự án dự kiến khởi công trong dịp này gồm kho lưu trữ tỉnh và quốc lộ 40B từ cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất lên thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước).
Vượt qua thách thức của dịch Covid-19, nhiều công trình tại Quảng Nam đã rút ngắn thời gian thi công. Đơn cử, dự án Trường THPT Nguyễn Huệ, xã Tam Hiệp (Núi Thành). Theo kế hoạch, tiến độ thi công dự án này 500 ngày, nghĩa là đến ngày 24/12/2020 mới kết thúc thi công, nhưng chủ đầu tư quả quyết dự án sẽ vượt tiến độ hợp đồng hơn 2 tháng.
Các dự án đô thị tại Quảng Nam cũng được chủ đầu tư tăng tốc triển khai |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, ông Huỳnh Khánh Toàn đánh giá, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chật vật giải phóng mặt bằng nhưng các công trình được đề xuất công nhận hoàn thành vẫn duy trì được nhịp độ xây lắp, các hạng mục xây dựng nhanh.
Doanh nghiệp thay đổi chiến lược để “tự cứu mình”
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Ðà Nẵng, Quảng Nam là những địa phương tăng trưởng kinh tế âm do ảnh hưởng từ dịch bệnh hồi tháng 3. Ðà Nẵng, Quảng Nam kích cầu phát triển kinh tế, du lịch chưa được bao lâu thì từ cuối tháng 7, dịch bệnh bùng phát, hoạt động kinh tế trong tháng 8 của những địa phương này dường như đóng băng.
Tại Đà Nẵng, ông Trần Văn Tỵ, Phó Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng cho biết, qua công tác rà soát, đến nay có 144 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở các mức độ khác nhau, trong đó có 38 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, giãn tiến độ, 22 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do khó khăn về nguyên liệu, đầu ra sản phẩm, cho công nhân nghỉ để phòng chống dịch. Kể từ khi dịch Covid-19 đợt 2 xảy ra đến nay có 1.508 người lao động bị ảnh hưởng.
Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xây dựng đã mạnh dạn có những cam kết thực hiện nhiệm vụ kép để không bị “lùi lại” phía sau.
Các doanh nghiệp xây dựng cam kết thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa thi công |
Dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort (Tập đoàn Mikazuki Nhật Bản đầu tư) có 450 công nhân và khoảng 50 quản lý, cả người ngoại tỉnh và người Nhật là một trong những đơn vị mạnh dạn đề xuất với chính quyền sở tại được phép thi công trong điều kiện cả TP. Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội, với những cam kết về phòng tránh dịch bệnh cho công nhân.
Ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho hay, quận đã cho phép bốn công trình trọng điểm trên địa bàn được thi công trở lại. Trong đó có dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort. “Người Nhật làm rất nghiêm, công nhân tại đây luôn ở lại tại chỗ, không đi ra ngoài. Họ làm từng nhóm riêng 5-6 người, ăn riêng, ngủ riêng từng nhóm cho dễ quản lý” – ông Nhường cho hay.
Anh Nguyễn Văn Nguyên, công nhân làm việc tại đây cho biết: “Đi làm lại thấy rất vui. Anh em chia từng tổ và sắp xếp công việc để không chồng chéo nhau, có đi làm mới có thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho gia đình được”.
Trên công trình đường vành đai phía Tây (đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan), hàng trăm công nhân trở lại làm việc sau khi Thành phố cho phép các công trình trọng điểm được xây dựng trở lại.
Anh Phạm Đức Nhượng, Chỉ huy trưởng công trình cầu Lâm Viên thuộc Dự án đường vành đai phía Tây Thành phố cho biết: “100% công nhân thi công tại công trình bắt buộc phải ở lại lán trại. Mỗi bữa ăn chúng tôi đều chia ca để đảm bảo giãn cách. Khi trở lại công trường, tất cả phải đeo khẩu trang, rửa tay và đo thân nhiệt. Công việc này được tiến hành 2 lần/ngày vào đầu giờ sáng và chiều. Đa số công nhân phụ trách vận hành các thiết bị như xe ủi, xe xúc, xe lu... nên không xảy ra tình trạng tụ tập đông người”.