Mới đây, EuroCham Việt Nam gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực (visa) du lịch cho 27 quốc gia thành viên EU. Tại sao EuroCham lại đưa ra đề xuất vào thời điểm này, thưa ông?
EuroCham hoan nghênh những cải cách về chính sách visa gần đây của Việt Nam, cụ thể là gia hạn thời hạn hiệu lực của thị thực điện tử và kéo dài thời hạn tạm trú cho công dân các nước được Việt Nam miễn visa. Tuy nhiên, tới thời điểm này, chỉ có 7 trong số 27 quốc gia thành viên EU được miễn visa, khiến nhiều doanh nghiệp và du khách châu Âu gặp khó khăn khi tới Việt Nam.
Nhằm tận dụng sức bật kinh tế từ du lịch quốc tế trong thời kỳ “hậu Covid-19”, EuroCham tin rằng, đây là thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam mở rộng miễn visa cho tất cả quốc gia thành viên EU. Bước tiến quan trọng này sẽ nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu, mở ra những lợi ích lớn thông qua du lịch, thương mại, đầu tư và trao đổi văn hóa.
Theo đó, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để phát huy tiềm năng và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế bằng cách xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với thị trường châu Âu rộng lớn với hơn 500 triệu người tiêu dùng.
Mở rộng việc tiếp cận của EU sẽ cho phép các nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam bằng cách dành nhiều thời gian để phát triển kết nối. Điều này có khả năng tạo ra các dòng vốn mới, các giao dịch thương mại và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế cho Việt Nam.
Việc miễn visa mở rộng có thể sẽ đưa thêm hàng triệu du khách châu Âu đến với những danh lam, thắng cảnh và nền văn hóa phong phú của Việt Nam, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam trong nhiều năm tới, củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến hàng đầu châu Á.
Trong đánh giá của ông, ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ hưởng lợi như thế nào từ việc miễn visa mở rộng?
Tính đến năm 2019 (trước đại dịch Covid-19), hơn 50% khách du lịch quốc tế của Việt Nam đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga. Việc mở rộng thị trường sẽ mang lại sự ổn định, giúp du lịch Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu so sánh với khách du lịch từ các thị trường khác, khách du lịch châu Âu ở Việt Nam lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn cho mỗi lần đến. Bằng cách mở cửa cho khách du lịch châu Âu, Việt Nam có cơ hội thu hút ngày càng nhiều những du khách châu Âu đã về hưu, những người sẽ chọn cư trú tại Việt Nam trong nhiều tháng để tận hưởng khí hậu nhiệt đới vào mùa đông.
Việc giảm bớt rào cản đối với hoạt động kinh doanh và du lịch giải trí cũng sẽ giúp tăng cường dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Âu. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Khi quy trình nhập cảnh được đơn giản hóa, các doanh nghiệp châu Âu có thể mở rộng hơn nữa mối quan hệ kinh doanh với đối tác Việt Nam.
Ngoài ra, việc miễn visa mở rộng cũng tạo điều kiện chuyển giao kiến thức và kỹ năng từ EU cho Việt Nam, mở đường cho nhiều hội nghị, chuyến công tác, chương trình đào tạo và dự án hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và châu Âu…
Theo ông, cần có thêm những biện pháp gì để phát huy hơn nữa tiềm năng to lớn trong quan hệ kinh tế EU - Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn?
Những nỗ lực nhằm đơn giản hóa quy trình cấp visa cho du khách của Chính phủ Việt Nam được đánh giá rất cao, nhưng theo tôi, vẫn còn nhiều dư địa cho những cải cách chiến lược nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của mối quan hệ kinh tế EU - Việt Nam.
Về thúc đẩy du lịch, việc triển khai cổng kiểm soát tự động (autogate) tại các sân bay lớn là bước khởi đầu tốt để tiến tới xử lý thủ tục nhập cảnh nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa để nâng cao hiệu quả, như: mở cổng kiểm soát tự động cho tất cả các điểm nhập cảnh, mở cửa cho cư dân tạm trú, khách doanh nhân, khách thường xuyên và người dân sẽ tối ưu hóa các quy trình. Việc bố trí đầy đủ nhân viên hải quan cũng rất quan trọng để tránh tình trạng phải xếp hàng dài chờ thủ tục, có thể làm khách du lịch nản lòng.
Truyền thông là cũng là một lĩnh vực ưu tiên quan trọng. Một chiến lược chuyên sâu mang tầm quốc tế là cần thiết để tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các thị trường chính của EU. Nên thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch tại một số quốc gia ưu tiên tại châu Âu để kịp thời cung cấp thông tin và trực tiếp thu hút khách du lịch dựa trên sở thích và mối quan tâm của họ...
Đối với môi trường kinh doanh, visa và giấy phép lao động luôn là vấn đề khó khăn đối với người lao động nước ngoài. Một số quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP đã gây khó khăn cho việc tuyển dụng và chuyển giao nhân lực lành nghề, làm suy yếu đầu tư quốc tế và khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Việc dỡ bỏ các rào cản này là rất quan trọng để tận dụng tối đa Hiệp định EVFTA và thu hút đầu tư của EU. Vì vậy, cần sửa đổi Nghị định số 152/2020/NĐ-CP để giảm bớt các rào cản và thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tiếp cận các kỹ năng và chuyên môn toàn cầu.
Hạ tầng cũng là một lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh các dự án đường cao tốc được triển khai trong thời gian qua, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện với hạ tầng đường sắt, cảng, hậu cần và điện.
Đáng chú ý, theo Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của EuroCham, các quy định không rõ ràng, thủ tục rườm rà vẫn là rào cản đối với việc thu hút FDI của Việt Nam. Việt Nam cần cải thiện những điều này, đáp ứng mong muốn của các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, phù hợp với các thông lệ quốc tế.