Theo đó, các xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn của người dân địa phương gần trạm thu phí không kinh doanh vận tải sẽ được miễn phí đường bộ; phương tiện cơ quan, tổ chức có trụ sở chính gần trạm được giảm từ 45% đến 50% mức phí.
22 xã, phường tại tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng quanh khu vực đặt trạm được hưởng chính sách miễn, giảm phí này.
Tổng cục Đường bộ đề nghị các địa phương xác nhận, lập danh sách các phương tiện thuộc diện được miễn, giảm phí, gửi cho doanh nghiệp dự án, đồng thời có giải pháp đảm bảo an ninh khi thu phí.
Cuối năm 2017, một số tài xế đã trả tiền lẻ và liên tục quay đầu xe qua trạm BOT quốc lộ 5 Hưng Yên để phản ứng việc thu phí tại đây. Để hạ nhiệt "điểm nóng", UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi liên bộ Giao thông Vận tải và Tài chính đề xuất hàng loạt giải pháp, trong đó có kiến nghị miễn phí cho phương tiện của người dân trong bán kính 5 km quanh trạm.
Quốc lộ 5 là tuyến huyết mạch nối Hà Nội - Hải Phòng, có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng. Năm 2016, Chính phủ giao Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) quản lý và thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 5 theo hình thức BOT. Vidifi được đặt hai trạm thu để hoàn vốn dự án nâng cấp quốc lộ 5, đồng thời hoàn vốn cho tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng trước đó.
Lãnh đạo Vidifi cho hay, hiện nay nguồn thu hai trạm trên quốc lộ 5 chưa đủ để sửa chữa nâng cấp tuyến này, nên cũng chưa thể hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km do Vidifi đầu tư, thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015.
22 địa phương được miễn, giảm phí qua trạm BOT quốc lộ 5
Tỉnh Hưng Yên: xã Lạc Hồng, Trưng Trắc, Đình Dù, thị trấn Như Quỳnh, Minh Hải (huyện Văn Lâm); Thị trấn Bần Yên Nhân (huyện Mỹ Hào); Giai Phạm, Nghĩa Hiệp, Đồng Than (huyện Yên Mỹ); Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang).
TP Hải Phòng: xã Lê Thiện, An Hưng, Đại Bản, Tân Tiến, An Hồng, Hồng Phong, An Hòa, Nam Sơn, Bắc Sơn, Lê Lợi (huyện An Dương); phường Quán Toan (quận Hồng Bàng).