Miễn giảm thuế đủ “liều”, nhưng còn ngắn

0:00 / 0:00
0:00
Gói hỗ trợ miễn, giảm thuế trị giá 21.300 tỷ đồng sẽ được Tổng cục Thuế triển khai ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn, nhưng doanh nghiệp còn mong nhiều hơn thế.
Miễn giảm thuế đủ “liều”, nhưng còn ngắn

Miễn, giảm một đồng tiền thuế cũng quý

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 đã được Bộ Tài chính hoàn tất.

Theo đó, sẽ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với 2019, trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng. Miễn tất cả các loại thuế đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2021 trị giá 8.800 tỷ đồng. Giảm thuế giá trị gia tăng cho một số loại dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, kinh doanh và các hoạt động liên quan đến du lịch… 6.600 tỷ đồng. Và cuối cùng là miễn tiền chậm nộp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc, tính đến cuối tháng 6/2021, tổng số tiền nợ thuế nội địa là 115.983 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng số dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021. Số nợ thuế năm 2021 có xu hướng tăng so với các năm trước, chủ yếu do từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra nhiều đợt bùng phát dịch Covid-19, người nộp thuế gặp khó khăn, nên không có khả năng nộp kịp thời tiền thuế.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được ban hành từ năm 2020 đến nay là rất kịp thời, đặc biệt là Nghị định 41/2020 và Nghị định 52/2021 về giảm tiền thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp.

“Gói gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020 thực tế là 97.500 tỷ đồng, nhưng đây là tiền thuế gia hạn, hết năm 2020 doanh nghiệp đã nộp đủ vào ngân sách, chỉ không phải trả tiền chậm nộp, nên thực tế, số tiền ngân sách giảm thu do gia hạn tiền thuế không nhiều. Còn gói gia hạn tiền thuế theo Nghị định 52/2021 lên tới 115.000 tỷ đồng, nhưng đây là số tiền ngân sách cho doanh nghiệp nợ không tính lãi, cuối cùng doanh nghiệp vẫn phải trả, nên tính ra, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ tiền lãi tối đa là 1.917 tỷ đồng. Trong lúc khó khăn, một đồng hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp cũng quý, nhưng số tiền hỗ trợ quá nhỏ so với sự kỳ vọng của doanh nghiệp và so với sự hỗ trợ của các nước trên thế giới cho doanh nghiệp của họ. Vì vậy, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh rất mong chờ gói miễn, giảm thuế”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thời gian miễn, giảm thuế quá ngắn

Ông Tuấn đánh giá, nhìn chung, các nhóm giải pháp về giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; miễn thuế, giảm hơn 30 loại phí, lệ phí; gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay đã góp phần giảm bớt khó khăn về tài chính doanh nghiệp. “Doanh nghiệp đánh giá gói miễn, giảm thuế rất hữu ích và mong muốn Chính phủ triển khai ngay gói miễn, giảm thuế này trong tháng 10 vì đây là thời điểm doanh nghiệp phải tạm nộp thuế TNDN quý III/2021”, ông Tuấn đề xuất.

Dịch bệnh đã được kiểm soát, hàng loạt doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trước mắt, đặc biệt là tình trạng thiếu lao động do hàng chục vạn lao động đã rời bỏ doanh nghiệp khi dịch mới bắt đầu và khi dịch đã được kiểm soát.

“Với tình hình này, khó khăn của doanh nghiệp ít nhất cũng kéo dài đến hết quý II/2022. Gói giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021 sẽ kết thúc vào cuối năm nay, tức là quả bom nợ thuế vẫn treo lơ lửng trên đầu. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong muốn Quốc hội, Chính phủ kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết tháng 6/2022”, ông Tuấn phát biểu.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là nguồn lực tài chính bị suy kiệt, nên nhận được đồng giảm thuế, giảm tiền lãi vay nào tốt đồng ấy. Tất cả chính sách tài khóa, tiền tệ đều đã, đang và sẽ được thực thi là phao cứu sinh cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữa thực tế khó khăn và mong đợi của doanh nghiệp với giá trị gói hỗ trợ còn có khoảng cách rất lớn. Vì thế, theo bà Thủy, bên cạnh miễn, giảm các loại thuế, cần phải có gói hỗ trợ phi truyền thống khác nữa, như mở cửa cho doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại.

“Một ông chủ tịch cấp xã phường cũng có thể yêu cầu hàng loạt doanh nghiệp dừng hoạt động, một quyết định của trưởng ban khu công nghiệp cũng có thể yêu cầu khu công nghiệp đang sử dụng hàng vạn công nhân phải dừng hoạt động chỉ vì có vài ca F0, thì hiệu quả của giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19 sẽ kém hiệu quả. Vì vậy, kỳ vọng nhất của doanh nghiệp lúc này là vừa thực hiện chính sách tài khóa, tín dụng, vừa chống dịch trong bối cảnh mới”, ông Đậu Anh Tuấn nói thêm.

Tin bài liên quan