Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Liều thuốc tăng lực đúng lúc

0:00 / 0:00
0:00
Việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp KH&CN Việt Nam.
Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Liều thuốc tăng lực đúng lúc

Chính sách này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường, nguồn lực của các doanh nghiệp trong ngành còn hạn chế…

Hơn cả ưu đãi thuế…

Hiện có 4 công ty thuộc Tập đoàn NextTech được Bộ KH&CN công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Từ ngày 1/3/2021, theo Thông tư số 03/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp KH&CN, 4 doanh nghiệp này sẽ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ông Đào Minh Phú, Tổng giám đốc Tập đoàn NextTech chia sẻ: “Đây thực sự là một tin vui cho doanh nghiệp công nghệ và ngành công nghệ thông tin. Thông tư số 03/2021/TT-BTC sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp khác lựa chọn lĩnh vực KH&CN để đầu tư, góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển KH&CN, sáng tạo đổi mới cho Việt Nam. Nếu nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư KH&CN, thì thị trường sẽ phát triển mạnh và các lĩnh vực khác cũng được hưởng thành quả, lợi ích”.

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Vĩnh, Chủ tịch Fiin Credit nhận định, Thông tư số 03/2021/TT-BTC tạo bước đột phá mới, có tác động tích cực cho không chỉ riêng doanh nghiệp KH&CN, mà còn cho cả sự phát triển chung của ngành. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khi được miễn giảm thuế, các doanh nghiệp KH&CN có thể dùng nguồn lực đó để tái đầu tư phát triển.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, từ năm 2020, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã bắt đầu được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm thuế theo quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN. TS. Lưu Hải Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải cho biết, Thông tư số 03/2021/TT-BTC là văn bản hướng dẫn chi tiết của Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết, cụ thể, đầy đủ các điều kiện để doanh nghiệp KH&CN có thể nhận được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như tạo ra động lực để các doanh nghiệp khác phấn đấu trở thành doanh nghiệp KH&CN.

Cần phải nói thêm rằng, Thông tư số 03/2021/TT-BTC ra đời ngay sau Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, mà trong đó, có yêu cầu “phát triển mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ có tính chiến lược”. Việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp KH&CN càng có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường, doanh nghiệp cần trợ lực để phát triển. Đặc biệt trong đó, nhóm doanh nghiệp KH&CN có khả năng tạo đột phá, tác động lan tỏa tích cực tới các ngành nghề khác.

Kiểm soát chặt, tránh trục lợi chính sách

Thông tư số 03/2021/TT-BTC quy định 4 điều kiện để doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi. Theo ông Trần Việt Vĩnh, việc quy định rõ điều kiện chi tiết, cụ thể như vậy là rất cần thiết để ngăn chặn sự trục lợi của các doanh nghiệp “núp bóng” công nghệ. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần hướng dẫn các thủ tục rõ ràng, thuận tiện, nhanh chóng, tránh việc “xin - cho”, kéo dài thời gian với các doanh nghiệp đủ điều kiện.

Đây cũng chính là quan điểm của ông Đào Minh Phú. Tổng giám đốc Tập đoàn NextTech cho rằng, việc đưa ra 4 điều kiện cơ bản để được hưởng ưu đãi là hợp lý, chính xác, tránh việc các doanh nghiệp xin chứng nhận 1 lĩnh vực, nhưng hoạt động đa lĩnh vực và muốn được miễn thuế toàn bộ cho doanh nghiệp, thì không công bằng đối với các doanh nghiệp KH&CN thực sự, gây thất thu thuế cho Nhà nước.

Dẫn thực tế hiện nay, có tình trạng đánh đồng các doanh nghiệp thương mại làm về công nghệ với doanh nghiệp KH&CN, TS. Lưu Hải Minh nhấn mạnh: “Điều này cần phải ngăn chặn vì sẽ làm thất thu lớn về thuế, dễ xảy ra trục lợi ưu đãi. Để doanh nghiệp KH&CN thực sự mang lại nền tảng phát triển cho đất nước, thì cần chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận KH&CN ở các địa phương theo trào lưu”.

Theo TS. Minh, để phát triển doanh nghiệp KH&CN, ngoài ưu đãi thuế, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp này vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà không cần tài sản thế chấp, bởi đa số doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam hiện nay còn rất yếu. Nếu tiếp tục yêu cầu thế chấp mới cho doanh nghiệp KH&CN vay, thì vốn sẽ lại chảy vào các doanh nghiệp bất động sản.

Để được ưu đãi thuế, doanh nghiệp KH&CN phải đáp ứng 4 điều kiện:

1. Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

2. Doanh thu hằng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu hằng năm của doanh nghiệp. Doanh thu hằng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN là doanh thu của toàn bộ các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN. Tổng doanh thu hằng năm của doanh nghiệp là toàn bộ doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác của doanh nghiệp.

3. Doanh thu được tạo ra từ dịch vụ có ứng dụng kết quả KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin là doanh thu từ dịch vụ mới, không bao gồm các dịch vụ đã có trên thị trường. Tiêu chí, cơ sở xác định dịch vụ có ứng dụng kết quả KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin là dịch vụ mới thực hiện theo quy định của Bộ KH&CN.

4. Doanh nghiệp KH&CN phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN trong kỳ để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được, thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện phân bổ theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12.

Tin bài liên quan