Zhang tốt nghiệp đại học sư phạm Đông Bắc. Cậu sinh ra và lớn lên ở Tùng Nguyên, một huyện giàu tài nguyên của tỉnh Cát Lâm. Tùng Nguyên từng được mệnh danh là một trong "Tứ đại thiên long" về tăng trưởng kinh tế ở phía bắc Trung Quốc nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ, than đá và quặng sắt phong phú.
Ở Tùng Nguyên, màn đêm buông xuống nhanh hơn và không khí lạnh tới sớm hơn so với những thành phố khác tại Trung Quốc, đặc biệt vào mùa đông. Cuộc sống ở đây yên bình, nhưng không có việc làm thêm và thu nhập thấp khiến Zhang băn khoăn về tương lai. Dù một số bạn cùng lớp với Zhang lựa chọn ở lại "vùng đất vàng đen", cậu lại háo hức đi tìm một đô thị có nhịp sống hối hả như Thâm Quyến.
"Lối sống ở Tùng Nguyên rất chậm chạp, đặc biệt là những người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước", Zhang nói.
Cả vùng đông bắc Trung Quốc và Thâm Quyến đều là những biểu tượng cho các thời kỳ phát triển ở Trung Quốc. Khu đông bắc từng là trung tâm công nghiệp và thương mại những năm 1900, trong khi Thâm Quyến chuyển mình từ một làng chài nhỏ thành một trong những đô thị năng động nhất hiện nay.
Tuy nhiên, vùng đông bắc Trung Quốc đang được coi là "vành đai gỉ sét" vì suy giảm kinh tế. Nhiều thanh niên sinh trưởng ở đây đổ xô tới những đô thị năng động hơn để tìm kiếm cơ hội đổi đời, trong đó Thâm Quyến là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Từng là cái nôi của ngành công nghiệp nặng Trung Quốc năm 1950, vùng đông bắc ngày nay không còn nuôi dưỡng được tham vọng của thế hệ trẻ nữa. Ba tỉnh đông bắc gồm Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang đang chật vật vì giảm tăng trưởng, giảm đầu tư và môi trường kinh doanh kém phát triển. Chảy máu chất xám là vấn đề nổi cộm nhất.
"Bạn bè tôi đều ký hợp đồng với những công ty công nghệ trước khi tốt nghiệp", He, 25 tuổi, tốt nghiệp đại học kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, cho hay.
Những thanh niên như He và Zhang muốn rời khỏi quê hương đi tìm hướng phát triển mới. Trong bảng xếp hạng phát triển đô thị tiềm năng năm 2019, Thâm Quyến xếp thứ nhất, còn 80% các thành phố ở đông bắc Trung Quốc xếp thứ 200 trở xuống.
Thanh toán điện tử đã trở thành một phần thiết yếu trong lối sống của thanh niên Trung Quốc, nhưng ở vùng đông bắc, các lĩnh vực liên quan đến Internet mới chập chững những bước đầu tiên
Tại Cẩm Châu, một huyện thị nhỏ thuộc tỉnh Liêu Ninh, dịch vụ cho thuê và dùng chung xe đạp vừa mới ra mắt. Zhang vừa từ Thâm Quyến về quê thăm bạn và mất hơn 30 phút mới gọi được xe qua ứng dụng Didi.
"Khoảng cách quá lớn giữa hai vùng khiến chúng tôi muốn đi tìm cuộc sống khác", Zhang nói.
Ba cô gái sử dụng dịch vụ thuê xe đạp trong một công viên ở Thâm Quyến. Ảnh: Báo Thanh niên Trung Quốc.
Thâm Quyến là thành phố không bao giờ có tuyết. Không khí ẩm ướt và mưa phùn là đặc trưng của mùa đông nơi đây. Với Liu, 23 tuổi, tuyết trắng xóa, không khí khô và lạnh cùng lò sưởi đã trở thành nỗi nhớ suốt ba năm nay. Để bớt nhớ nhà, Liu mua nhiều ảnh tuyết từ một phòng trưng bày nghệ thuật ở Thâm Quyến về treo trong nhà.
Thâm Quyến còn là thành phố không ngủ. Theo bảng xếp hạng cuộc sống về đêm của Mạng lưới Kinh doanh Trung Quốc 2017, chỉ ba thành phố ở phía bắc Trung Quốc là Bắc Kinh, Thanh Đảo và Tây An lọt vào danh sách 20 đô thị không ngủ. Thủ đô Trung Quốc xếp thứ tư, sau Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu.
Ngành công nghiệp Internet tăng trưởng mạnh cùng nền kinh tế về đêm đã tạo nên sức sống cho thành phố không ngủ này. "Làm việc 24/7 suốt 365 ngày là lối sống cho mọi thanh niên muốn thành công ở Thâm Quyến", Liu nói.
Thành phố không chỉ hấp dẫn vì phúc lợi xã hội như đăng ký hộ khẩu dễ hơn, trợ cấp nhà ở nhiều hơn, mà quan trọng nhất là sự sinh động của nó.
"Thâm Quyến thuộc về thế hệ trẻ, những người muốn đi tìm cái mới", Guo, 27 tuổi, quê ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, cho hay. Guo vừa đăng ký hộ khẩu thành công tại Thâm Quyến.
"Bạn cố hết sức để theo kịp tốc độ ở Thâm Quyến nhưng nó có thể thay đổi sau một đêm", Guo nói.
Chính phủ Trung Quốc hôm 18/8 ban hành bộ hướng dẫn mới nhằm xây dựng Thâm Quyến thành khu vực thí điểm chủ nghĩa xã hội đặc sắc kiểu Trung Quốc, hứa hẹn mang lại cải cách sâu rộng và toàn diện ở đô thị ven biển này. Kế hoạch này được coi là một phần tham vọng nhằm đưa Thâm Quyến vượt mặt Hong Kong của Trung Quốc.
Năm 2018, kinh tế Thâm Quyến lần đầu tiên vượt Hong Kong. Trong khi tăng trưởng kinh tế của Hong Kong chỉ đi lên 3%, đạt mức 363 tỷ USD, GDP của Thâm Quyến năm ngoái tăng 7,6%, đạt mức 366 tỷ USD.
Bình luận viên Peter Kammerer của SCMP dự đoán rằng Thâm Quyến sẽ trở thành "hình mẫu" cho Hong Kong vào năm 2037, khi thành phố đại lục này phát triển mạnh mẽ, trong khi đặc khu hành chính ngày một đi vào khuôn khổ hơn trong các chính sách của Bắc Kinh.