Hôm qua, báo giới quốc tế đồng loạt đăng tải thông tin Microsoft mua lại startup GitHub với mức giá kỷ lục, lên tới 7,5 tỷ USD.
Tuy nhiên dưới góc độ người dùng, ít ai thực sự quan tâm cũng như đánh giá chính xác thương vụ này. Cuối năm 2016, Microsoft cũng làm điều tương tự khi bỏ 26 tỷ USD mua LinkedIn - một mạng xã hội chẳng hề cạnh tranh với Facebook.
Vậy rốt cuộc Microsoft đang toan tính điều gì, và liệu họ có ném tiền đi một cách vô ích, đặc biệt là trong bối cảnh công ty dường nhưng có dấu hiệu hụt hơi trước những đối thủ lão làng như Apple hay Google tại thung lũng Silicon?
Microsoft cần tình yêu của các lập trình viên
Trên thực tế, cần hiểu rằng Microsoft giờ đây đã không còn hướng đến đối tượng người dùng cuối, hoặc đã "vẫy cờ trắng" trong lĩnh vực này khi mà những sản phẩm của công ty như Windows, Windows Phone, Offices, Xbox hay smartphone không có dấu hiệu tăng trưởng rõ rệt trong những năm qua, thậm chí suy giảm mạnh.
Mặc dù vậy, trong con mắt của những lập trình viên, Microsoft vẫn là "gã khổng lồ" đáng gờm trong lĩnh vực nền tảng - hay những công cụ được cho là bước đệm để tạo ra các sản phẩm cho người dùng cuối.
Một trong những thế mạnh và cũng là mục tiêu của Microsoft đó là nền tảng đám mây Azure, AI, IoT,... Tuy nhiên ở hạng mục này, Microsoft đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ "ông lớn" Amazon - người cũng đang ôm "mộng bá vương" với các sản phẩm, dịch vụ của hãng.
Hơn bao giờ hết, Microsoft cần những người giúp họ cụ thể hóa giấc mơ xây dựng nền tảng, dịch vụ để chiếm lĩnh thị trường, và điều này cũng khiến nguyên nhân mua GitHub trở nên logic và dễ hiểu hơn rất nhiều: Các lập trình viên yêu GitHub, và Microsoft cần tình yêu của các lập trình viên.
Cơ hội lớn trong thị trường đám mây
Nền tảng đám mây Azure là ưu tiên số 1 của Microsoft.
GitHub được biết đến là một dịch vụ trực tuyến cho phép các nhà phát triển lưu trữ các dự án phần mềm của họ. Qua đó, bất kỳ ai cũng có thể tải xuống các dự án và đưa ra cập nhật, rồi lại tải chúng lên.
Chức năng tưởng như đơn giản nhưng rất hiệu quả này đã giúp GitHub trở thành trung tâm của thế giới phát triển phần mềm mã nguồn mở trong nhiều năm trở lại đây.
Sẽ là vô cùng đơn giản nếu chỉ có một vài công cụ cơ bản, được chạy cố định trên một máy tính PC.
Nhưng trên thực tế, rất nhiều dịch vụ, phần mềm, hay thậm chí là một cơ sở hạ tầng mã nguồn mở trên GitHub hiện nay cần một nền tảng đám mây khổng lồ như của Amazon, Microsoft hoặc Google để có thể chạy ổn định.
Vì vậy, cơ hội cho Microsoft là vô cùng lớn. Chỉ cần họ có thể tích hợp nền tảng sẵn có mang tên Azure một cách chặt chẽ với GitHub, là đã có thể "một mũi tên trúng hai đích" khi không chỉ tăng về mức độ phổ rộng của dịch vụ theo cấp số nhân, mà còn làm hạn chế tối đa tầm ảnh hưởng của các đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, việc bắt tay cùng dịch vụ được lập trình viên yêu thích hiện nay cũng giúp Microsoft mở ra nhiều cơ hội đào tạo, tuyển dụng các lập trình viên tài ba.
Trước đây khi Microsoft chi 26 tỷ USD cho thương vụ LinkedIn, CEO Satya Nadella cũng cho biết công ty đang đầu tư rất nhiều vào mảng đào tạo, nhằm giúp đội ngũ kỹ sư của họ nắm bắt được những xu thế và chuyển dịch của công nghệ, từ đây sẽ lĩnh ấn tiên phong trong các cuộc đua trong tương lai.