Microsoft dự kiến hoàn tất thương vụ mua lại Activisionvào trong năm tài chính 2023. Ảnh: AFP
Nếu việc mua lại Activision trót lọt, đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất của Microsoft đến nay, theo sau là thương vụ mua lại LinkedIn vào năm 2016 với giá 26,2 tỷ USD.
Giá trị mua lại 68,7 tỷ USD đồng nghĩa rằng Microsoft sẽ trả 95 USD cho mỗi cổ phiếu Activision. Cổ phiếu Activision kết thúc ngày giao dịch 18/1 với mức tăng 25% lên 82,31 USD, trong khi cổ phiếu Microsoft đóng cửa rớt giá hơn 2%.
Activision được đính danh nhà phát triển game hàng đầu Mỹ với các sản phẩm nổi tiếng như trò bắn súng Call of Duty và trò trượt ván Tony Hawk. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây nhà phát triển game này đã bị sa lầy vào các cáo buộc về hành vi sai trái và quấy rối tình dục giữa các giám đốc điều hành cấp cao. Đầu tuần này, Activision thông báo họ đã sa thải hàng chục giám đốc điều hành sau khi tiến hành một cuộc điều tra.
Theo thỏa thuận với Microsoft, Giám đốc điều hành Activision, ông Bobby Kotick, người đã bị kêu gọi từ chức vì các scandal văn hóa trong công ty, sẽ vẫn giữ "ghế" Giám đốc điều hành trong quá trình chuyển đổi. Microsoft cho biết Activision sẽ phải báo cáo tình hình với Giám đốc phát triển game Xbox của Microsoft, ông Phil Spencer cho đến khi thương vụ mua lại được hoàn tất. Điều này ngụ ý rằng ông Kotick có thể rời Activision sau công ty này hoàn tất quá trình về chung nhà với Microsoft.
Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal) đưa tin chiều 18/1 rằng ông Kotick dự kiến sẽ từ chức sau khi hoàn tất thỏa thuận với Microsoft.
Microsoft dự kiến hoàn tất thỏa thuận mua lại Activision trong năm tài chính 2023. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã cảnh báo rằng họ sẽ quyết liệt hơn trong việc đánh giá các thương vụ mua lại có giá trị lớn, đặc biệt là trong ngành công nghệ. Cho nên, không loại trừ khả năng thương vụ Microsoft - Activision sẽ "chết yểu" khi chính phủ Mỹ vào cuộc.
Microsoft đã tích cực phát triển mảng game trong vài năm qua. Hãng công nghệ này đã mua lại nhà sản xuất game Minecraft Mojang với giá 2,5 tỷ USD vào năm 2014. Năm ngoái, Microsoft cũng đã hoàn tất thương vụ mua lại Bethesda trị giá 7,5 tỷ USD.
Thỏa thuận mua lại Activision cho thấy tầm nhìn dài hạn của Microsoft khi họ quyết định cạnh tranh với Meta (tên gọi mới của Facebook) để phát triển công nghệ "metaverse" (thế giới ảo). Thật vậy, ông Satya Nadella của Microsoft là giám đốc điều hành đầu tiên trong nhóm các "ông lớn công nghệ" (Big Tech) công khai thừa nhận giá trị của metaverse, trước Giám đốc điều hành Meta, ông Mark Zuckerberg vài tháng.
Công nghệ thế giới ảo mới đang được vận dụng phổ biến vào phát triển game, nhưng nó được kỳ vọng sẽ nhân rộng để phục vụ các tệp khách hàng khác và thay thế rất nhiều hoạt động mạng xã hội hiện nay.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên đài CNBC, Giám đốc điều hành Activision cho biết thỏa thuận với Microsoft được thực hiện sau khi ông nhận ra rằng Microsoft có tiềm lực công nghệ để đưa Activision đi lên trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các công ty công nghệ.
Với thỏa thuận mua lại, Activision sẽ dồn sức cùng Microsoft tiến sâu vào thị trường game toàn cầu với cộng đồng 3 tỷ người chơi. Hai bên cũng muốn tận dụng cơ hội quảng bá chéo các thương hiệu game nổi tiếng của nhau. Activision trước đó chi 5,9 tỷ USD mua lại nhà phát triển game Candy Crush vào năm 2016 và hiện Candy Crush là một trong những game di động ăn khách và sinh lợi nhất. Trong khi đó, Microsoft nắm trong tay game "bom tấn" khoa học viễn tưởng quân sự Halo.