Căn cứ khoản 8 điều 10 Thông tư số 220/2010 của Bộ Tài chính, việc công ty bảo hiểm từ chối thanh toán toàn bộ thiệt hại là có căn cứ.
Do đó, tòa tuyên buộc MIC phải bồi thường tổn thất hơn 1 tỷ đồng cộng tiền lãi phát sinh từ ngày 12/8/2017-30/9/2018 là 98 triệu đồng là 1,1 tỷ đồng.
Trước đó, tòa sơ thẩm tuyên buộc MIC phải bồi thường cho Công ty Julie hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên hai bên tiếp tục kháng cáo.
Theo nội dung vụ việc, năm 2016, Công ty Julie và MIC ký hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. MIC bảo hiểm tài sản cho Công ty Julie theo quy tắc bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ban hành kèm theo Thông tư 220 của Bộ tài chính. Giá trị tài sản được bảo hiểm là 17,1 tỷ đồng. Tỷ lệ phí bảo hiểm là 0,55%. Thời hạn bảo hiểm từ ngày 20/4/2016 đến 20/4/2017. Công ty Julie đã đóng phí bảo hiểm đầy đủ.
Tuy nhiên, vào chiều 26/3/2017, tại phòng xi mạ của Công ty Julie xảy ra cháy. MIC đã chỉ định CTCP Giám định Smart giám định, tính toán thiệt hại và xác định phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Trong khi đó, cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân cháy do chập mạch điện.
Khi xảy ra vụ việc, MIC có rất nhiều công văn yêu cầu Công ty Julie cung cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy. Công ty không cung cấp nên ngày 14/11/2017, MIC có công văn thông báo chỉ chấp nhận bồi thường số tiền 723 triệu đồng (20% giá trị bảo hiểm). Công ty Julie không đồng ý, yêu cầu bồi thường bảo hiểm hơn 3 tỷ đồng. Do xảy ra tranh chấp, Công ty Julie khởi kiện ra tòa án.
Bản án sơ thẩm tuyên buộc MIC phải thanh toán số tiền hơn 1 tỷ đồng. Không đồng ý quyết định trên, hai bên tiếp tục kháng cáo lên TAND TP Hà Nội.
Cấp sơ thẩm cho rằng, theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ thì Công ty Julie không buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn PCCC hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện về PCCC. Công ty thuộc đối tượng kiểm tra định kỳ của cơ quan quản lý công tác an toàn PCCC.
Từ ngày 15/1/2016-13/1/2017, Phòng Cảnh sát PCCC số 13 đã có 4 lần lập biên bản, yêu cầu công ty quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện.
Cơ quan chuyên môn đã phát hiện thấy quy định sản xuất của công ty tiềm ẩn việc sử dụng điện không an toàn trong thời gian hết giờ làm việc và yêu cầu thực hiện việc ngắt điện khi hết giờ làm nhưng công ty không thực hiện. Công ty để hệ thống điện hoạt động trong phòng xi mạ khi hết giờ làm để không mất thời gian chờ khi bắt đầu giờ làm việc mới. Đây là nguyên nhân dẫn điện vụ cháy. Lỗi của công ty là vô ý quá tự tin.
Tuy nhiên, công ty bảo hiểm có lỗi là không chủ động phát hiện quy trình sản xuất của Công ty Julie có chứa đựng vi phạm rủi ro cháy nổ để tìm cách hỗ trợ khắc phục. Tòa án xác định lỗi của Công ty Julie là 70%, công ty bảo hiểm 30%.