Giá mía nguyên liệu gần đây tăng cao, trong khi chiếm tới 70 - 80% giá thành sản xuất đường.

Giá mía nguyên liệu gần đây tăng cao, trong khi chiếm tới 70 - 80% giá thành sản xuất đường.

Mía đường "mừng gần, lo xa"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá đường thế giới liên tục tăng kể từ đầu năm 2023 đến nay trong bối cảnh nhu cầu gia tăng, còn nguồn cung sụt giảm, kéo giá đường trong nước tăng theo.

Hưởng lợi từ đà tăng của giá đường thế giới

Ngày 29/9, giá đường thế giới chạm đỉnh cao nhất 12 năm qua khi mức giá tại thị trường Mỹ đạt trên 27 USD/lbs. Giá đường liên tục tăng cao kể từ đầu năm đến nay do lo ngại nguồn cung sụt giảm vì điều kiện thời tiết bất lợi từ một số nước xuất khẩu đường lớn như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan.

Đáng lưu ý, Ấn Độ đang xem xét hạn chế xuất khẩu đường nhằm bảo đảm nhu cầu nội địa, trong khi hạn ngạch xuất khẩu 6 triệu tấn đường niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023) đã được các nhà máy sử dụng hết.

Giá đường tăng mang lại kết quả kinh doanh tích cực cho các doanh nghiệp mía đường, nhưng thời tiết được dự báo có diễn biến bất lợi, ảnh hưởng đến sản lượng và năng suất mía.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm ngoái, thế giới dư thừa 500.000 tấn đường, nhưng năm nay ước tính thâm hụt 2,2 triệu tấn. Giá đường thế giới tăng mạnh giúp giá đường trong nước tăng theo, đạt trên 22.000 đồng/kg, dù sản lượng tăng trở lại. Đây là đợt giá tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua. Nhiều nhà máy đường trong nước đã tăng công suất. Bên cạnh đó, thời gian tới, một số nhà máy ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung dự kiến mở cửa hoạt động trở lại, sau thời gian tạm đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.

SSI Research cho biết, tháng 9/2023, giá đường trong nước tăng lên mức 22.300 đồng/kg, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 23% so với đầu năm. Hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp mía đường ghi nhận kết quả tích cực.

Niên độ tài chính 2022 - 2023 (từ ngày 1/7/2022 đến 30/6/2023), Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS) đạt doanh thu 1.715 tỷ đồng, vượt 54,5% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế 523,1 tỷ đồng, vượt 594,7% kế hoạch năm. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của Mía đường Sơn La trong 5 năm trở lại đây.

Lãnh đạo Mía đường Sơn La cho hay, sản lượng, nguồn cung đường trên thế giới giảm, giá bán đường trong và ngoài nước đều tăng, giúp hoạt động tiêu thụ của Công ty thuận lợi, cùng với chính sách quản trị điều hành linh hoạt đã mang lại kết quả lợi nhuận cao.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức ngày 26/9, Mía đường Sơn La đã điều chỉnh kế hoạch chi trả cổ tức từ 100% vốn điều lệ lên 150% vốn điều lệ, tương ứng số tiền chi trả cổ tức là hơn 146,8 tỷ đồng.

Tương tự, trong 8 tháng đầu năm 2023, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) đạt doanh thu 7.200 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ; lần lượt hoàn thành 87% và 125% kế hoạch năm 2023.

Mảng đường là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của Đường Quảng Ngãi, với sản lượng tiêu thụ ước đạt 160.000 tấn, gấp đôi cùng kỳ; doanh thu đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 118%; lợi nhuận trước thuế đạt 670 tỷ đồng, tăng 335% so với cùng kỳ.

Thận trọng lên kế hoạch niên độ 2023 - 2024

Ngành đường trong nước đang hưởng lợi từ đà tăng của giá đường thế giới, nhưng nhiều doanh nghiệp thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh cho niên độ mới, do lo ngại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản lượng và năng suất mía.

Cụ thể, Mía đường Sơn La dự kiến niên độ 2023 - 2024 đạt doanh thu 1.045 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 136,9 tỷ đồng, lần lượt giảm 39% và 73,8% so với niên vụ 2022 - 2023.

Công ty cổ phần Đường Kon Tum (mã chứng khoán KTS) lên kế hoạch kinh doanh niên độ 2023-2024 đạt 518 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% và 28 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 27% so với niên độ trước.

Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng (mã chứng khoán CBS) đặt kế hoạch đạt doanh thu sản xuất đường hơn 252 tỷ đồng trong niên độ 2023 - 2024, giảm 15%; lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng, giảm 49% so với niên độ trước.

Theo Mía đường Sơn La, năm 2023, giá đường tăng, nhưng ngành mía đường gặp nhiều khó khăn bởi biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, tình trạng khô hạn, nắng nóng của tỉnh Sơn La nói riêng, các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung diễn ra nghiêm trọng, khiến Thủy điện Sơn La phải vận hành dưới mực nước chết lần đầu tiên sau 13 năm đi vào hoạt động. Tình trạng này ảnh hưởng nặng nề đến vùng nguyên liệu mía.

Nhiều diện tích mía bị chết hoặc ảnh hưởng do khô hạn nên nguy cơ năng suất, sản lượng niên vụ mới có thể sụt giảm.

Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao, làm giảm thu nhập của người trồng mía và vùng nguyên liệu của Công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác.

Đường Kon Tum có chung nỗi lo với Mía đường Sơn La về vấn đề biến đổi khí hậu tác động đến năng suất của ngành mía đường, chất lượng nhiều vùng trồng mía bị ảnh hưởng.

Công ty Mía đường Cao Bằng thì lo ngại vùng nguyên liệu của Công ty bị tư thương tranh mua, làm thiếu hụt nguồn cung, quy mô dây chuyền bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Các doanh nghiệp còn lo ngại về đường nhập lậu, nếu cơ quan chức năng không kiểm soát chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù vậy, nhóm doanh nghiệp mía đường được đánh giá vẫn có động lực tăng trưởng.

Chẳng hạn, mảng đường của Đường Quảng Ngãi được SSI Research nhận định sẽ tiêu thụ mạnh trong năm 2023 và 2024. Sản lượng đường RS (đường kính trắng) năm 2023 ước đạt 180.000 tấn, tăng 64% so với năm 2022 và năm 2024 tăng lên 230.000 tấn (tăng 28%).

Sản lượng đường RE (đường tinh luyện) ước đạt 40.000 tấn trong năm 2023 và 2024. Giá bán trung bình của đường RS và RE năm 2024 ước tính tăng 11% so với năm 2023. Dự báo, năm 2024, Đường Quảng Ngãi đạt doanh thu 11.100 tỷ đồng, tăng 9%; lợi nhuận sau thuế 2.200 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng đánh giá, nguồn cung đường trên thế giới hiện phụ thuộc nhiều vào tình trạng thời tiết tại Brazil. Nếu hình thái thời tiết cực đoan El Nino tác động tiêu cực đến vụ mùa 2023 - 2024 sẽ tiếp tục tạo áp lực tăng giá đường, bởi nguồn cung bị thắt chặt.

Tại thị trường trong nước, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mía đường không chỉ phụ thuộc vào diễn biến giá mía đường trên thế giới hay yếu tố thời tiết (liên quan đến sản lượng), mà còn là khả năng kiểm soát đường nhập lậu, sự hồi phục của nhu cầu nội địa.

Niên vụ 2022 - 2023, diện tích trồng mía của Việt Nam đạt 141.906 ha, tăng 13,75%; năng suất thu hoạch bình quân 69,3 tấn/ha, tăng 2,5%; vụ ép mía kết thúc trong tháng 6/2023 đạt sản lượng 9,645 tấn, sản xuất được 935.104 tấn đường các loại, lần lượt tăng 28% và 25% so với niên vụ trước.

Ngành mía đường Việt Nam được đánh giá tiếp tục hồi phục sau giai đoạn khó khăn kéo dài 2011 - 2019 vì đường nhập lậu, cũng như đường nhập khẩu từ một số nước trong khu vực có chính sách trợ cấp, trợ giá, khiến đường nội khó cạnh tranh, dẫn tới giá giảm, người dân bỏ trồng mía và không ít nhà máy sản xuất phải đóng cửa.

Sự hồi phục của ngành mía đường chủ yếu nhờ tác dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, bên cạnh đó là yếu tố hỗ trợ từ thị trường mía đường thế giới.

Tin bài liên quan