Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

MHC: Doanh nghiệp logistic dành vài trăm tỷ đầu tư chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) MHC có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải và kho bãi, nhưng sau khi tái cơ cấu, MHC có định hướng tăng dần tỷ trọng từ đầu tư tài chính.

Tại thời điểm 31/1/2020, Công ty cổ phần MHC có gần 383 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, nhưng do diễn biến thị trường tại thời điểm cuối quý I biến động giảm mạnh khiến MHC phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 106 tỷ đồng.

Điều này dẫn đến tổng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của MHC còn 278 tỷ đồng, chiếm hơn 51% tài sản ngắn hạn. Đáng nói, MHC có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải và kho bãi, nhưng sau khi tái cơ cấu, MHC có định hướng tăng dần tỷ trọng từ đầu tư tài chính.

Khoản đầu tư lớn nhất là vào Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (GEX), với hơn 16,44 triệu cổ phiếu, giá gốc 311,5 tỷ đồng và MHC đã phải trích lập dự phòng 84,6 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.

Theo thông tin trên, có thể tính giá trung bình cổ phiếu GEX mà MHC mua vào là 19.500 đồng/cổ phiếu. Hiện giá cổ phiếu GEX đang được giao dịch ở mức 17.250 đồng/cổ phiếu.

Chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 là khoản đầu tư 5,8 triệu cổ phiếu VIX của CTCP Chứng khoán IB, giá gốc 39 tỷ đồng và MHC đã phải trích lập 11 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.

Đứng thứ ba là khoản 15 tỷ đồng để đầu tư 1,7 triệu cổ phiếu MAC của CTCP Cung ứng và dịch vụ kỹ thuật hàng hải và phải trích lập 6,5 tỷ đồng cho khoản đầu tư này. Hiện MAC đang được giao dịch với mức giá 4.400 đồng/cổ phiếu.

Với khoản mục đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản, nên khi chứng khoán giảm giá đã khiến MHC chịu chi phí dự phòng không nhỏ.

Trong quý I/2020, theo ghi nhận, MHC đang hạch toán dự phòng giảm giá, mua bán chứng khoán kinh doanh, đầu tư 122,6 tỷ đồng, tăng vọt so với con số cùng kỳ chỉ chưa đến 4 tỷ đồng.

Quý I năm trước, doanh thu tài chính đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của Công ty với gần 6 tỷ đồng/9,8 tỷ đồng tổng doanh thu. Quý I năm nay, doanh thu tài chính chỉ còn 3,1 tỷ đồng, còn tổng doanh thu cũng chỉ 8,2 tỷ đồng.

MHC được thành lập năm 1999. Trong suốt giai đoạn 2009 - 2018, Công ty tăng trưởng khá ổn định.

Năm 2005, Công ty đã trở thành công ty đại chúng, vốn cổ đông của Công ty từ 67,5 tỷ đồng (khi thành lập) tăng lên trên 135 tỷ đồng vào năm 2009 từ lợi nhuận tích lũy trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và từ phát hành tăng vốn trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, theo MHC, do bị ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 2009 - 2011, hoạt động kinh doanh khai thác tàu không hiệu quả dẫn đến thua lỗ (năm 2009 lỗ 32,6 tỷ đồng, 2010 lỗ 43,6 tỷ đồng), Công ty bị mất cân đối nghiêm trọng về tài chính và có nguy cơ phá sản.

Đứng trước tình hình đó, Công ty buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động sản xuất - kinh doanh, cắt bỏ những dịch vụ không hiệu quả, chỉ duy trì những dịch vụ có lãi, đồng thời tiến hành thanh lý và chuyển nhượng  những tài sản có giá trị nhằm cân đối lại tài chính doanh nghiệp.

Trong năm 2009, MHC hoàn thành việc chuyển nhượng phần vốn góp (19,7%) tại Tòa nhà Ocean Park cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam với tổng trị giá chuyển nhượng là 4,65 triệu USD; đồng thời, góp vốn thành lập Công ty TNHH Vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH) với tỷ lệ vốn góp là 31%; hoàn thành thủ tục phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ từ 117,9 tỷ đồng lên 135,55 tỷ đồng.

Sau khi tiến hành thanh lý tài sản, chuyển nhượng vốn góp tại một số công ty, năm 2014, MHC xoá lỗ luỹ kế. Đây là cơ sở quan trọng cho MHC trong việc huy động thêm 140 tỷ đồng trong năm 2015.

MHC: Doanh nghiệp logistic dành vài trăm tỷ đầu tư chứng khoán ảnh 1

Lợi nhuận tài chính đóng góp phần lớn trong tổng lợi nhuận MHC qua các năm, có sự tăng vọt từ năm 2015.

Dường như đầu tư chứng khoán đã giúp MHC khởi sắc không ít trong giai đoạn này. Đặc biệt, MHC đã tiến hành thoái vốn, thu lãi lớn tại HAH trong giai đoạn 2015 - 2016, khi HAH đưa cổ phiếu lên niêm yết.

Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn của MHC cho thấy, Công ty vốn có lịch sử ít vay nợ, nhưng con số vay nợ ngắn hạn đang tăng dần lên kể từ khi Công ty đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính, đặc biệt từ năm 2018 đến nay.

MHC: Doanh nghiệp logistic dành vài trăm tỷ đầu tư chứng khoán ảnh 2

cơ cấu nguồn vốn của MHC từ năm 2009 đến nay.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, MHC có khoản vay ngắn hạn gần 221 tỷ đồng tại các công ty chứng khoán Everest, IB, SHS, VCI, BVSC, Mirae Asset, Chứng khoán Hoà Bình, KIS Việt Nam - là các khoản vay ký quỹ giao dịch chứng khoán. Tại thời điểm cuối quý I/2020, khoản mục vay ngắn hạn giảm xuống còn 146 tỷ đồng.

Trong định hướng của MHC, Công ty tiếp tục duy trì định hướng công ty kinh doanh và đầu tư tài chính, tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào những công ty có triển vọng phát triển, ưu tiên những công ty cùng ngành nghề.

Dĩ nhiên, việc đầu tư tài chính có thể mang lại những nguồn thu cho doanh nghiệp từ chênh lệch giá, từ cổ tức, nhưng cũng cho thấy MHC đang giảm sự tập trung đối với hoạt động cốt lõi của mình là logistic.

Tin bài liên quan