Mệnh lệnh từ thị trường

(ĐTCK) Việc sửa đổi chính sách theo hướng cắt giảm, chứ không thêm thủ tục chính là một “mệnh lệnh” cấp thiết từ thị trường.

Mệnh lệnh từ thị trường

Một trong những cuộc họp đầu tiên năm 2014 của lãnh đạo Chính phủ với một số thành viên được dành cho chuyên đề cải cách hành chính. Đó là cuộc thảo luận ngày 2/1 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, bàn việc giảm thủ tục trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng.

Sở dĩ có sự “ưu tiên” này bởi lẽ, năm 2014 là một năm đặc biệt. Với hàng loạt bộ luật quan trọng như Hiến pháp, Luật Đất đai… đã được thông qua tại kỳ họp Quốc hội cuối năm qua, yêu cầu cấp bách đặt ra là hoàn thiện càng nhanh càng tốt các văn bản hướng dẫn để có thể nhanh đưa những điểm tiến bộ của sắc luật sửa đổi vào cuộc sống.

Thông điệp này cũng được Thủ tướng Chính phủ hơn một lần nhắc lại trước thềm năm mới.

Đến dự hội nghị cuối năm của ngành Tài chính, Thủ tướng nhắc ngành này “không được để tái diễn tình trạng nợ đọng văn bản chính sách”. Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng đề nghị, “năm 2014 phải tập trung sức cao nhất xây dựng, sửa đổi các luật để hoàn thiện Hiến pháp”.

Tuy nhiên, tại cuộc thảo luận đầu năm mới đã nói ở trên, dường như nhiều ngành, nhiều địa phương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, theo nhận định của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, chỉ riêng ở cấp Trung ương, để nhận một giấy phép đầu tư dự án, nhà đầu tư phải trải qua 18 thủ tục hành chính. Còn ở các địa phương, theo ông Đông, “vẫn đa số là một cửa nhiều ngách”.

Từ việc cấp giấy phép đầu tư dự án, đến thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giữ cảnh quan đô thị…, mỗi ngành, mỗi địa phương đều có cái lý của mình.

Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM Ung Thị Xuân Hương than thở, có những dự án, Thành phố mãi không cấp phép được vì chờ thẩm tra của các bộ ngành cả 5 tháng không có câu trả lời.

Và điều quan trọng nhất, thị trường không dừng lại để chờ sự thay đổi ấy. Điển hình là câu chuyện cải cách thủ tục trên thị trường bất động sản.

Có lẽ câu chuyện được chờ đợi nhiều nhất, nhưng lại gây thất vọng lớn nhất năm qua là lộ trình đi vào cuộc sống của gói 30.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ ách tắc không phải bởi không có tiền, vì ngân hàng nào cũng khẳng định sẽ sẵn sàng giải ngân. Ách tắc lại càng không phải bởi không ai muốn vay, khi hàng dài cá nhân và tổ chức xếp hàng chờ đợi để rồi được nhận những cái lắc đầu.
Cái lắc đầu của thủ tục hành chính!

Từ câu chuyện chưa có sản phẩm đủ tiêu chuẩn cho vay, đến thủ tục thế chấp tài sản hình thành trong tương lai và cả chục con dấu liên quan đến xác nhận, chứng thực… Thủ tục hành chính như cái “đầu Phạm Nhan”, dứt đầu này lại mọc ra đầu khác.

Hay một câu chuyện chính sách khác, Thông tư 16 về cách tính diện tích chung cư - vốn được quy là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện nhất trong năm qua.

Dù rằng, không chỉ có người dân mà các chuyên gia, luật sư đều cho rằng, Thông tư 16 có những quy định không rõ ràng, có thể khiến mỗi bên dẫn giải theo cách có lợi cho mình. Nhưng cơ quan soạn thảo và ban hành Thông tư là Bộ Xây dựng lại kiên quyết bảo lưu quan điểm cho rằng, nó đã rõ ràng và minh bạch (?).

Chỉ là, thi thoảng thị trường lại thấy xuất hiện những văn bản hướng dẫn xử lý các vụ tranh chấp cụ thể. Các văn bản này, thông thường, vẫn bảo lưu quan điểm của cơ quan quản lý và khi đó, cái lý thường nghiêng về các chủ đầu tư.

Có thể, nhiều bên sẽ hài lòng với những văn bản hướng dẫn cụ thể ấy, nhưng chắc chắn tranh chấp sở hữu chung - riêng trong khu chung cư không vì thế mà được tháo ngòi nổ!

Diễn biến mới nhất của quy định gây nhiều tranh cãi này là vào ngày áp chót của năm 2013 vừa qua, Cục Kiểm tra văn bản pháp luật đã có văn bản chỉ ra hàng loạt điểm không thống nhất của Thông tư 16 với các quy định pháp luật khác và đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại.

Trên thực tế, cơ quan quản lý thị trường bất động sản cũng vừa có văn bản gửi chủ đầu tư hướng dẫn việc xác định sở hữu chung riêng, phí bảo trì, diện tích… trong nhà chung cư. Dù chậm còn hơn không, nhưng những phức tạp của tranh chấp chung cư cần được giải tỏa bằng việc sửa đổi những quy định pháp lý cao hơn tầm… văn bản hướng dẫn!

Từ những bất cập chính sách chờ được sửa đổi ấy, có thể thấy, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp đầu năm, yêu cầu các bộ, ngành “cùng nhau rà soát, thống nhất một đầu mối, với tinh thần cắt bỏ chứ không thêm thủ tục” cũng chính là một “mệnh lệnh” cấp thiết từ thị trường.

Tin bài liên quan