Doanh thu, lợi nhuận giảm năm thứ 3 liên tiếp
Báo cáo tài chính kiểm toán 2019 của CTCP Dược Trung ương Mediplantex (MED) cho biết, năm qua, Công ty đạt 728,5 tỷ đồng doanh thu, giảm 5,99% so với năm 2018, ghi nhận năm giảm thứ 3 liên tiếp kể từ 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 35,9 tỷ đồng, giảm 9,6% so với năm 2018, không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Doanh thu, lợi nhuận của med đang có xu hướng giảm trong nhũng năm gần đây.
Mảng sản xuất thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, vốn chiếm trên 50% doanh thu và gần 80% lợi nhuận gộp của Công ty, doanh thu có xu hướng giảm trong năm qua.
Tình trạng này một mặt là do sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm tương tự, nhất là với hàng giá rẻ từ nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Ðộ…, mặt khác là sự siết chặt của cơ quan quản lý với việc bán hàng của các công ty dược qua cả kênh nhà thuốc (OTC) và kênh đấu thầu (ETC).
Khó khăn trong công tác tiêu thụ phần nào thể hiện qua sản lượng sản xuất của Nhà máy số 2 trong năm 2019 chỉ đạt 586,3 triệu đơn vị sản phẩm, giảm 0,7% so với năm 2018 và chỉ hoàn thành 94,8% kế hoạch.
Áp lực cạnh tranh và thay đổi trong cơ chế chính sách của cơ quan quản lý cũng là nguyên nhân khiến doanh thu kinh doanh thuốc dược liệu và dược liệu sơ chế giảm từ mức 213,6 tỷ đồng năm 2017 (chiếm 22,66% doanh thu) xuống còn 145,9 tỷ đồng năm 2018 (chiếm 19,04%) và 127,43 tỷ đồng trong năm 2019 (chiếm 17,6%).
Báo cáo của Mediplantex cũng cho biết, do ảnh hưởng của thay đổi trong các chính sách bảo hiểm y tế, tỷ trọng bán hàng qua kênh đấu thầu thuốc đã giảm từ khoảng 70% năm 2017 xuống 60% trong 2018 và chỉ còn 50% trong 2019.
Ðối với hoạt động xuất - nhập khẩu thuốc, trong khi biên lợi nhuận của hoạt động thương mại thuốc nhập khẩu thấp, chỉ chiếm 3 - 5% doanh thu, khiến Công ty có xu hướng giảm kinh doanh, thì hoạt động xuất khẩu thuốc đang được tập trung đẩy mạnh với doanh thu năm 2019 đạt 24,78 tỷ đồng, tăng 191,26% so với năm 2018.
Dù vậy, hoạt động xuất khẩu vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu và chưa đủ bù đắp sự sụt giảm do ảnh hưởng của sự thu hẹp hoạt động nhập khẩu.
Lợi nhuận giảm trong bối cảnh cơ cấu tài sản, nguồn vốn có xu hướng gia tăng khiến các chỉ số hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản, nguồn vốn của Công ty có xu hướng giảm mạnh trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Cụ thể, hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 28,5% trong 2017 xuống 27,3% trong 2018 và 21,26% trong năm 2019. Trong khi đó, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cũng giảm từ 7,6% trong 2017 xuống 7,5% trong 2018 và đến năm 2019 còn 6,3%.
Sự chênh lệch lớn giữa ROA và ROE phản ánh cấu trúc vốn của Công ty phụ thuộc nhiều vào các khoản nợ.
Tính đến cuối năm 2019, Công ty đang có 400 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm 70% cơ cấu nguồn vốn. Trong số này, khoản mục phải trả ngắn hạn khác đã tăng gấp 6,5 lần trong năm 2019, từ 18 tỷ đồng lên 117,8 tỷ đồng, chủ yếu do tăng khoản phải trả cho CTCP Công nghiệp Thương mại Tân Phú Cường (110 tỷ đồng) theo hợp đồng hợp tác đầu tư dự án bất động sản tại khu đất 356 - 358 đường Giải Phóng, Hà Nội.
Mặc dù khoản phải trả người bán cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu nguồn vốn, với 141,2 tỷ đồng đến cuối năm 2019, nhưng giá trị đã giảm hơn 50 tỷ đồng so với đầu năm và hiện thấp hơn đáng kể so với giá trị các khoản phải thu của khách hàng và hàng tồn kho (lần lượt là 258,3 tỷ đồng và 132,5 tỷ đồng).
Ðây được xem là nguyên nhân chính khiến Công ty phải phụ thuộc nhiều vào nợ vay để bổ sung vốn lưu động. Dư nợ vay đến cuối năm 2019 của Công ty là 95,6 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn.
Dấu hỏi bài toán vốn khi lấn sân bất động sản
Mediplantex hiện là doanh nghiệp sản xuất và phân phối trên 200 mặt hàng từ dược phẩm; dược liệu, nguyên liệu chiết xuất bán tổng hợp đến thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, tinh dầu, hương liệu…
Công ty đang sở hữu 2 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, đều đặt tại Hà Nội.
Là một trong những doanh nghiệp GMP đầu tiên của Việt Nam, điểm hạn chế của Mediplantex là các nhà máy đã đầu tư từ lâu nên công nghệ được đánh giá đã lạc hậu, ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động.
Không đủ điều kiện nâng cấp lên tiêu chuẩn GMP-EU khiến hàng hóa của Công ty bán ra chỉ được định vị ở mức trung bình, tỷ suất lợi nhuận thấp.
Ðáng chú ý, các khu đất đặt nhà máy của Mediplantex đều không được cấp phép tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm.
Cụ thể, tại khu vực nhà máy số 1 tại số 356 - 358 Giải Phóng có diện tích 10.464 m2, là khu đất nằm trong nội đô, đã được quy hoạch chức năng cây xanh, trường học và nhà ở.
Tại khu đất thuộc nhà máy số 2 tại Mê Linh, Hà Nội có diện tích 19.500 m2, theo quy hoạch phía Ðông khu đất được xác định chức năng là đất cây xanh, còn phía Tây được xác định là chức năng đất hỗn hợp.
Trước tình hình này, Mediplantex đã lên kế hoạch xây dựng “Trung tâm Khoa học công nghệ dược và nhà máy ứng dụng sản xuất dược phẩm” đạt tiêu chuẩn EU-GMP, với diện tích 30.300 m2 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Dự kiến khởi công trong năm 2020 để đưa vào hoạt động từ năm 2022, dự án này có chi phí đầu tư ước tính lên đến hơn 1.125 tỷ đồng, bao gồm 700 tỷ đồng đầu tư tài sản cố định và 400 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Ngoài dự án ngốn tiền này, Mediplantex còn lấn sân đầu tư vào một loạt dự án bất động sản. Cụ thể, Mediplantex đã ký hợp đồng hợp tác với CTCP Tân Phú Cường đầu tư dự án tại khu đất Nhà máy số 1.
Tại ÐHCÐ 2019, Công ty đã thông qua chủ trương tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, xây dựng, khai thác kinh doanh khu đất Nhà máy số 2 trong tương lai.
Bản cáo bạch của Mediplantex cho biết, Công ty đang hợp tác với CTCP Sông Châu để xây dựng Tổ hợp công trình, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán Central Residence (pháp nhân là Công ty TNHH Ðầu tư bất động sản Smart City) tại khu đất số 190, tổ 14, Nam Từ Liêm, Hà Nội với mức đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng.
Ðược biết, đây vốn là xưởng hoá dược Mediplantex, có diện tích gần 35.000 m2. Công ty cũng góp 5% vốn vào Dự án Tòa nhà Bình An - Cowaclmic tại Khu đất 118 Nguyễn Văn Trỗi, Thanh Xuân, Hà Nội (hợp tác cùng CTCP Lắp máy điện nước và xây dựng).
Việc đẩy mạnh đầu tư ngoài ngành vào hàng loạt dự án bất động sản trong bối cảnh nguồn lực dự trữ mỏng, dòng tiền yếu và nhu cầu vốn đầu tư cho nhà máy mới rất lớn so với quy mô tài sản, nguồn vốn hiện hữu khiến nhà đầu tư không khỏi đặt câu hỏi về định hướng hoạt động cũng như phương án giải quyết bài toán dòng tiền của Công ty trong thời gian tới.
Ðiều đáng nói nữa là, khi các dự án của Mediplantex đang trong quá trình triển khai thì thị trường bất động sản cả nước lại có tín hiệu hạ nhiệt, còn dòng vốn tín dụng cũng bị siết chặt hơn. Nhiều doanh nghiệp phát triển dự án phải phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao, vừa tăng gánh nặng chi phí, vừa tiềm ẩn rủi ro lớn.
Băn khoăn triển vọng khi trở lại sàn
Ngày 18/3/2020, cổ phiếu MED của Mediplantex đã có phiên giao dịch đầu tiên tại sàn HNX với giá khởi điểm 45.000 đồng/cổ phiếu.
Thực tế, kế hoạch niêm yết của Mediplantex đã có từ năm 2012 và đã được HNX chấp thuận niêm yết vào tháng 6/2012.
Nhưng sau đó, với lý do thị trường thiếu tích cực và Công ty mới thay Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị Công ty đã ra quyết định hoãn niêm yết.
Tháng 8/2012, Mediplantex bị HNX ra quyết định hủy niêm yết dù chưa có một ngày giao dịch do không hoàn tất thủ tục niêm yết trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày được chấp thuận.
Sau 8 năm, quy mô vốn điều lệ của Công ty vẫn không thay đổi so với thời điểm cuối năm 2012. Với vốn điều lệ 62,8 tỷ đồng (6,28 triệu cổ phiếu), Medilantex đang có quy mô khá nhỏ so với các doanh nghiệp dược phẩm trên sàn.
Trong 8 năm qua, Mediplantex đã nhiều lần lên kế hoạch tăng vốn nhưng chưa thực hiện được. Tại ÐHCÐ 2016, Công ty đã trình phương án chào bán gần 307.000 cổ phiếu theo chương trình ESOP và chào bán 7,19 triệu cổ phần cho cổ đông nhưng bị cổ đông đại diện 69,31% cổ phần tham dự phủ quyết. Sau đó, Công ty tiếp tục trình phương án chào bán 3,14 triệu cổ phần tăng vốn nhưng vẫn bị phủ quyết.
Ðến ÐHCÐ 2019, Mediplantex đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50% và phát hành cổ phiếu ESOP tỷ lệ không quá 5%, nhưng đến nay, phương án này chưa được thực hiện.
Hiện trong cơ cấu cổ đông của Công ty, gia đình ông Trần Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc đang là đại diện nhóm cổ đông lớn nhất, với tổng sở hữu 47,62%; đứng thứ 2 là Tổng công ty Dược Việt Nam với 11,37%.
Việc một nhóm cổ đông là Ban lãnh đạo và người có liên quan sở hữu với tỷ lệ gần mức chi phối, thiếu sự tham gia của các cổ đông tổ chức, nhất là các quỹ đầu tư có thể xem là điểm trừ với sức hấp dẫn của Mediplantex khi Công ty không có đối trọng đủ lớn để kiểm soát.