Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội

Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội

Mcredit: Hướng tới phục vụ hàng triệu khách hàng

(ĐTCK) Thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam chính thức chào đón Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) vào ngày 2/11/2017 (tiền thân là Công ty TNHH một thành viên MB). Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho biết, MB đặt mục tiêu đóng góp của Mcredit và các công ty thành viên khác vào lợi nhuận trong 5 năm tới khoảng 20%. Dự kiến, đến năm 2021, Mcredit sẽ có hàng triệu khách hàng.
 

Công ty TNHH một thành viên MB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chuyển đổi hình thức pháp lý theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT- NHTT về việc tổ chức lại tổ chức tín dụng, ông có thể cho biết hình thái doanh nghiệp mới có điểm gì khác hình thái cũ? Mục tiêu, khát vọng mà công ty mới đặt ra là gì, thưa ông?

Theo giấy phép được chấp thuận, Công ty TNHH một thành viên MB (Mcredit) được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei, giữ nguyên tên thương hiệu Mcredit, hoạt động theo mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Đây là doanh nghiệp liên doanh đầu tiên của loại hình công ty tài chính tại Việt Nam và nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ nhiệt thành của nhà quản lý cũng như nhiều đối tác.

Buổi lễ ký kết bàn giao thủ tục pháp lý giữa Công ty TNHH một thành viên MB và Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei sẽ diễn ra vào ngày 2/11/2017.

Tại pháp nhân mới, MB sở hữu 50% vốn điều lệ, Shinsei Bank sở hữu 49%, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành chiếm 1% vốn.

Với tiềm năng rất lớn của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, liên doanh mới ra đời mang sứ mệnh hiện thực hóa mục tiêu chuyên biệt hóa mảng tài chính tiêu dùng, mở rộng danh mục khách hàng ở nhiều phân khúc trong cấu trúc của MB - chủ thể định hình sự phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính đa năng vững mạnh và hiệu quả tại Việt Nam.

Vậy sự hỗ trợ của MB với Mcredit, doanh nghiệp mới hình thành này như thế nào, thưa ông?

Bên cạnh việc là cổ đông lớn nhất, MB sẽ có những hỗ trợ trực tiếp giúp Mcredit sớm khẳng định mình trên thương trường. Là ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn tại Việt Nam, MB có hệ thống các công ty thành viên rộng khắp trong lĩnh vực chứng khoán, quản lý quỹ, quản lý nợ và khai thác tài sản, bảo hiểm và bất động sản. Các chủ thể này sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác bán chéo sản phẩm với Mcredit, hỗ trợ Mcredit gia tăng thị phần, tăng lợi nhuận.

Với tầm nhìn trở thành công ty tài chính tiêu dùng được khách hàng tin cậy và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, chúng tôi dự kiến đến năm 2021, Mcredit phục vụ được quy mô hàng triệu khách hàng và tạo công ăn việc làm cho khoảng 10.000 người, đóng góp vào ngân sách nhà nước và sự phát triển của cộng đồng.

Quy mô thị trường tín dụng cá nhân tại Việt Nam rất lớn, năm 2016 đạt khoảng 600.000 tỷ đồng, dự báo đến năm 2019 đạt gần 1 triệu tỷ đồng. Theo đó, mảng tài chính tiêu dùng được nhận định sẽ tiếp tục là “con gà đẻ trứng vàng”. MB đặt kỳ vọng ở Mcredit như thế nào?

Quy mô thị trường tín dụng cá nhân tại Việt Nam rất lớn là một thực tế, nhưng sức ép cạnh tranh cũng rất lớn và bản thân khách hàng tiềm năng chưa quen với loại hình dịch vụ này.

Chiến lược mà Mcredit đề ra là phát triển danh mục sản phẩm đa dạng đối với phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình, trong đó, ưu tiên áp dụng công nghệ vào chuỗi cung cấp dịch vụ; nâng cao chất lượng dịch vụ và thuận tiện cho khách hàng khi tiếp cận các sản phẩm của Mcredit, cũng như đơn giản hoá thủ tục, để thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng được nhanh chóng.

Để giúp hoạt động của Mcredit mở rộng thị phần và tăng trưởng bền vững, Công ty đặc biệt chú trọng đào tạo nhân sự chuyên nghiệp để cung cấp và tư vấn đầy đủ các thông tin cho khách hàng. Ngoài ra, Công ty hướng tới đa dạng kênh bán hàng, gồm có kênh bán truyền thống, kênh online và các kênh liên kết đối tác để gia tăng lượng khách hàng tốt.

Vậy khách hàng mục tiêu của Mcredit có khác biệt gì so với tệp khách hàng của Ngân hàng mẹ MB, thưa ông?

Theo chiến lược phát triển của Tập đoàn, Mcredit sẽ có mô hình kinh doanh tương đối độc lập với Ngân hàng mẹ khi hướng tới khách hàng nhỏ, khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Tệp khách hàng này có sự khác biệt lớn so với Ngân hàng mẹ, khi Ngân hàng mẹ đã xây dựng được tệp khách hàng chủ yếu là khối doanh nghiệp mạnh. Tuy vậy, điểm chung của Mcredit và Ngân hàng mẹ MB là sẽ đều nỗ lực giảm chi phí hoạt động, từ đó giúp khách hàng có chi phí vay thấp hơn.

Mcredit: Hướng tới phục vụ hàng triệu khách hàng ảnh 1

 Sự "trẻ hóa" thông qua hình ảnh, sản phẩm tài chính gắn liền với công nghệ số đang giúp MB mở rộng tệp khách hàng

Chúng tôi nhận thấy rằng, hiện tại trên thị trường nói chung các chi phí cho vay tiêu dùng ở mức cao vì rủi ro cao. Chúng tôi tin tưởng và sẽ nỗ lực hợp sức với đối tác Nhật để quản lý tốt chi phí, rủi ro, từ đó giúp khách hàng được tiếp cận được lãi suất thấp hơn.

Theo góc nhìn của chúng tôi, lãi suất cho vay nhóm khách hàng tiêu dùng sẽ dần dần giảm xuống và lợi thế chỉ dành cho công ty có công nghệ, mô hình kinh doanh tốt, quản trị rủi ro chặt chẽ. Trên nền tảng này, bước đầu chúng tôi đặt mục tiêu đóng góp của Mcredit và các công ty thành viên khác vào lợi nhuận của Tập đoàn trong 5 năm tới khoảng 20%, trong đó Mcredit khoảng 5 - 10%.

Liên quan đến câu chuyện về lãi suất trong cho vay tài chính tiêu dùng, hiện thị trường có nhiều quan điểm khác nhau về việc có nên khống chế mức trần hay không nên khống chế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, hiện tại, thị trường tài chính tiêu dùng chưa nên áp dụng trần lãi suất, bởi hoạt động cho vay tiêu dùng còn khá rủi ro, chi phí cho các hoạt động liên quan đến khoản vay khá lớn. Mặt khác, thị trường tài chính tiêu dùng mới phát triển được gần 10 năm, vẫn còn non trẻ để xác định mức lãi suất trần phù hợp.

Trong khi đó, cơ sở hành lang pháp lý hiện chưa chặt chẽ và đầy đủ để hỗ trợ hoạt động cho vay và thu hồi nợ, các phương tiện thanh toán còn hạn chế và khả năng tìm nguồn vốn giá rẻ còn khó khăn nên chi phí sẽ rất lớn với lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Tháng 10 vừa qua, MB gây bất ngờ lớn cho thị trường khi ra mắt kênh giao dịch tài chính qua MB Facebook Fanpage lần đầu tiên có tại Việt Nam. Nhiều người cảm nhận dường như có một MB khác hẳn, trẻ trung, năng động, khát vọng, khác với hình ảnh của MB trong quá khứ. Ông có thể chia sẻ thêm về sự thay đổi này để công chúng có điều kiện hiểu rõ hơn?

Mỗi một giai đoạn, MB sẽ xây dựng một chiến lược, hình ảnh thích hợp để thu hút khách hàng. Trong các giai đoạn trước, MB đã thành công trong xây dựng nên hình ảnh một ngân hàng vững vàng, tin cậy, uy tín, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình khi Ngân hàng luôn nằm trong nhóm các ngân hàng hàng đầu Việt Nam về hiệu quả kinh doanh.

Trong giai đoạn chiến lược 2017 - 2021, Hội đồng quản trị đã định hướng phương châm phát triển “Đổi mới, hợp tác, hiện đại hóa và phát triển bền vững”, dựa trên 3 trụ cột “Ngân hàng cộng đồng, Ngân hàng chuyên nghiệp theo ngành, Ngân hàng số” và 2 nền tảng “Quản trị rủi ro vượt trội, Năng lực thực thi nhanh”. Theo đó, MB đã và đang có những thay đổi đáng kể về diện mạo cũng như phương thức quản lý điều hành nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Sản phẩm dành cho các bạn trẻ, yêu công nghệ đầu tiên mà MB đưa ra thị trường vào đầu tháng 10/2017, đó chính là kênh giao dịch tài chính qua MB Facebook Fanpage. Đây là kênh thanh toán qua Facebook đầu tiên tại Việt Nam. Phương thức giao dịch này đang được các bạn trẻ chia sẻ mạnh mẽ, không chỉ bởi sự thuận tiện, an toàn, nhanh chóng, mà còn bởi sự trải nghiệm hoàn toàn mới trong giao dịch tài chính.

Sự “trẻ hóa” của MB qua các hình ảnh, sản phẩm tài chính gắn với công nghệ số đã và đang giúp Ngân hàng mở rộng tệp khách hàng, tiếp xúc với hàng triệu bạn trẻ, năng động, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững khách hàng truyền thống, trụ cột. MB mang một khát vọng lớn trên con đường phát triển và tôi mong rằng, MB sẽ ngày càng nhận được sự hợp sức của nhiều chủ thể trên thị trường. 

MB đạt trên 3.900 tỷ đồng lợi nhuận 9 tháng 2017

Thời điểm cuối quý III/2017, tổng tài sản của MB đạt 285.003.971 tỷ đồng, huy động vốn 211.733 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm khoảng 3.902 tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát ở mức 1,35%.

Tin bài liên quan