“Bom tấn” bùng nổ
Cửa hàng đầu tiên của McDonald’s tại Việt Nam là nhà hàng lớn thứ 3 thế giới của thương hiệu này, với 350 chỗ, tổng diện tích 1.300 m2 trong khuôn viên 2.955 m2, chỗ đậu xe cho 260 xe máy và 165 xe hơi. Ngay trong tháng đầu tiên khai trương (2/2014), McDonald’s đã phục vụ hơn 400.000 lượt khách, với 61.980 chiếc bánh kẹp Big Mac được bán ra.
Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng ông Nguyễn Bảo Hoàng, chủ Good Day Hospitality - công ty nhận nhượng quyền McDonald’s tại Việt Nam thông báo, số khách hàng tới cửa hiệu này vượt quá kỳ vọng của ông. Và đó là bước đệm để ông mở tiếp cửa hiệu McDonald’s thứ hai tại TP.HCM. Trong tương lai, ông có tham vọng, mạng lưới cửa hàng McDonald’s ở Việt Nam sẽ phủ rộng toàn quốc giống như Singapore (có hơn 100 cửa hàng), Philippines (400 cửa hàng).
Trong khi đó, Starbucks coffee thâm nhập thị trường Việt Nam theo giấy phép thỏa thuận với Công ty Coffee Concepts Việt Nam, một chi nhánh của Tập đoàn Maxim Hồng Kông. Khai trương cửa hàng đầu tiên đầu tháng 2/2013, sau hơn 1 năm hoạt động, Starbucks Việt Nam đã mở 4 cửa hàng ở TP.HCM. Starbucks Việt Nam đang nỗ lực chuẩn bị mọi khâu cuối cùng để tiến quân ra thị trường Hà Nội, dự kiến sẽ khai trương trong quý II/2014.
Giống như nhiều thương hiệu về nhượng quyền, Starbucks cũng gặp phải thách thức khi tìm kiếm mặt bằng để mở rộng mạng lưới tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam vẫn tiếp tục tự tin vào khả năng bành trướng thương hiệu ở đây. Và Starbucks sẽ nhanh chân hơn McDonald’s khi chinh phục thị trường Hà Nội.
Sự xuất hiện của những thương hiệu nhượng quyền lớn trong lĩnh vực nhà hàng ăn uống như McDonald’s, Starbucks tại Việt Nam khiến thị trường chuyển nhượng thương hiệu nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư hơn. Thậm chí, điều này còn mang lại cho nhà đầu tư vốn đã bén rễ ở Việt Nam như BBQ, KFC, Lotteria một tâm trạng khởi sắc, với kỳ vọng thị trường năm 2014 sẽ làm ăn khấm khá hơn.
Giành giật vị trí vàng
Cuối tháng 10/2013, Công ty BBQ Việt Nam sở hữu chuỗi nhà hàng BBQ Chicken (thuộc Tập đoàn Genesis BBQ - Hàn Quốc) đã đánh dấu sự quay trở lại khu phố Tràng Tiền (Hà Nội) bằng việc khai trương nhà hàng BBQ Premium Café.
BBQ đã đầu tư vào nhà hàng này khoảng 7 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí đào tạo, nhượng quyền) để mang hình ảnh hoàn toàn mới, không gian sang trọng, lịch lãm. Tuy nhiên, để trở lại thành công hơn xưa, Tập đoàn Genesis đã đặc phái những chuyên gia về ẩm thực và dịch vụ khách hàng dày dặn kinh nghiệm sang trực tiếp hướng dẫn, giám sát và chỉ đạo mọi hoạt động của BBQ Việt Nam.
Trước đó, BBQ cũng có cửa hàng tại số 35 - Tràng Tiền, nhưng gặp vấn đề về mặt bằng với Kem Tràng Tiền, nên buộc phải đóng cửa. Không thể từ bỏ địa điểm vàng này, sau một thời gian ngắn, Tập đoàn Genesis đã quyết tâm quay trở lại bằng việc mở tại số 43 - Tràng Tiền.
Vào Việt Nam từ năm 2006, đến nay, BBQ Việt Nam đã có 16 cửa hàng tại Hà Nội, trong đó có 11 cửa hàng là franchisee (của các chủ đầu tư khác). BBQ còn có kế hoạch mạnh bạo, khi đặt mục tiêu đến năm 2020 vượt qua đối thủ McDonald’s về số lượng cửa hàng trên toàn cầu, với tổng số khoảng 50.000 cửa hàng.
Mục đích của BBQ đang xa vời, nhất là trong bối cảnh hai năm trở lại đây, nền kinh tế toàn cầu gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Sim Hwang Jin, Giám đốc BBQ Việt Nam vẫn tự tin, bởi đây là vấn đề chung của rất nhiều hệ thống thương hiệu khác. Hơn nữa, chiến lược kinh doanh của BBQ Việt Nam là phát triển hệ thống qua hình thức nhượng quyền thương hiệu ngay, chứ không đầu tư và quản lý một thời gian rồi bán như KFC hay Lotteria
Ông Sim Hwang Jin cho hay, BBQ Việt Nam đang xây dựng chiến lược tập trung phát triển hệ thống tại các thành phố vệ tinh ở miền Bắc và miền Nam. Tỷ lệ thành công của nhà hàng hoạt động tại các thành phố nhỏ cao hơn tại Hà Nội và TP.HCM, bởi nhu cầu tiêu dùng cao, thị trường cạnh tranh không gắt gao, chi phí hoạt động thấp. Đặc biệt, việc hướng về các địa phương nhỏ giúp BBQ giải quyết được bài toán mặt bằng vẫn thường xảy ra tại các thành phố lớn.
“Các thương hiệu, ngành nghề đang chi trả rất nhiều tiền để giành giật những vị trí đắc địa. Điều này đối với BBQ càng khó khăn hơn vì không phải chủ đầu tư mua nhượng quyền nào cũng có sẵn nguồn tài chính lớn mạnh để cạnh tranh”, ông Sim Hwang Jin nói.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng Kentucky Fried Chicken (KFC), trải qua 17 năm có mặt ở Việt Nam, đã có gần 180 cửa hàng trên 18 tỉnh, thành phố. KFC không chỉ gặp khó khăn khi kinh tế đi xuống, mà còn đối mặt với làn sóng nhượng quyền mạnh mẽ của các thương hiệu lớn trong vòng 2 - 3 năm qua, như Burger King, Domino’s Pizza, Gà Rán Popeyes, Dunkin’ Donuts… Một cửa hàng của KFC tại quận 7 (TP.HCM) đã bị Burger King thuê lại với giá 10.000 USD/tháng.
Các thương hiệu trên đều do Tập đoàn Imex Pan Pacific Group (IPP Group) của Johnathan Hạnh Nguyễn đưa về Việt Nam. Năm 2013, chuỗi các nhà hàng này đã đóng góp 8,04% vào tổng doanh thu của IPP Group.
Riêng với Lotteria, vào Việt Nam chỉ sau KFC một năm, nhưng đã vượt về số lượng cửa hàng, với 187 cửa hàng. Tuy nhiên, đối thủ chính của Lotteria không phải là BBQ hay KFC, mà là 2 thương hiệu của Mỹ là McDonald’s và Burger King.
Do đó, thay vì tiến hành nhượng quyền như đã công bố cách đây hai năm khi cán mốc 100 cửa hàng, Lotteria quyết định lùi lại kế hoạch và dồn sức cho mục tiêu chính là xây dựng chuỗi cửa hàng Lotteria ở bất cứ đâu, vào thời điểm nào, để chiếm những địa điểm đẹp, người dân có thể dễ dàng tiếp cận và thưởng thức sản phẩm.
Theo tính toán của ông Cho Young Jin, Tổng giám đốc Lotteria, cứ khoảng 160.000 người sẽ phải đặt một cửa hàng fast-food để người dân Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận và thưởng thức sản phẩm.
“Qua thời gian dài có mặt Việt Nam, chúng tôi đã chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Đó là nền tảng vững chắc giúp chúng tôi tự tin vượt qua giai đoạn khó khăn. Kinh tế bất ổn làm cho các nhà đầu tư cũng e dè hơn trong việc triển khai mở rộng mô hình kinh doanh, còn nhà đầu tư mới thì chuyển sang tư thế chờ đợi kinh tế khởi sắc”, ông Cho Young Jin, Tổng giám đốc Lotteria cho hay.
Ông Sim Hwang Jin, Giám đốc điều hành BBQ Việt Nam
Khó khăn lớn nhất là bảo mật công nghệ.
Khó khăn đầu tiên mà chúng tôi gặp phải chính là quan điểm kinh doanh của các nhà đầu tư. Cách đây vài năm, khái niệm nhượng quyền thương hiệu gần như là mới và để tiếp cận các nhà đầu tư, chúng tôi mất rất nhiều thời gian giải thích khái niệm này, lợi ích mà nhượng quyền có thể mang lại cho nhà đầu tư. Khi điều này đã được giải quyết, thì chúng tôi lại vấp phải một khó khăn lớn hơn là các nhà đầu tư rất ít khi thực hiện đúng và bảo mật công nghệ, kỹ thuật được bàn giao.