Bà Cao Thị Thúy Nga

Bà Cao Thị Thúy Nga

MBS: Hợp nhất để vững bước

(ĐTCK) Hợp nhất không làm thay đổi/tăng/giảm giá trị của MBS trong hiện tại, mà sẽ giúp Công ty không còn lỗ lũy kế.

Vượt qua mọi khó khăn của thị trường, năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, hoạt động kinh doanh của CTCK MB (MBS) đều có lãi. Tuy nhiên, điều kiện về cơ chế tái cấu trúc và khoản lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng để lại từ các năm trước đó đã thúc đẩy HĐQT MBS đi đến một quyết định chiến lược: hợp nhất với một CTCK khác để đưa MBS bước sang giai đoạn phát triển mới. Chia sẻ với ĐTCK, bà Cao Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐQT MBS, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mong rằng, các cổ đông sẽ chia sẻ và đồng thuận với đề xuất của HĐQT, vì đây là phương án tốt nhất giúp MBS vững bước trên thương trường, vì lợi ích của tất cả các cổ đông Công ty.

Từ tháng 6/2013, cổ đông MBS đã nhận được Tờ trình của Chủ tịch HĐQT về việc tổ chức lại Công ty với ý tưởng sẽ hợp nhất với một CTCK khác. Xin bà cho biết chính xác tên CTCK mà MBS định hợp nhất và vì sao có sự lựa chọn này?

Ngày 26/9/2013, MBS sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến chính thức của tất cả các cổ đông về phương án hợp nhất với CTCK VIT. Có 3 lý do khiến HĐQT MBS quyết định chọn CTCK này. Trước hết, đó là sự trùng hợp về mong muốn của hai Công ty khi chúng tôi cùng chung nỗ lực tái cơ cấu, cải tổ lại hoạt động, theo chủ trương chung của Chính phủ, cũng như ngành chứng khoán. Thứ hai, VIT là CTCK có rủi ro tài chính thấp, mô hình hoạt động nhỏ gọn, nên rất thuận lợi hơn trong quá trình hợp nhất. Thứ ba, nếu MBS là công ty thành viên của MB Group thì VIT là một thành viên của Tập đoàn VIT có các hoạt động kinh doanh đa dạng như bất động sản, truyền thông, đầu tư tài chính… Việc hợp nhất với VIT, vì thế, sẽ hình thành nên CTCK mới để phát huy thế mạnh của hai CTCK, hai tập đoàn hiện nay, có nền tảng tài chính lành mạnh và khai thác tốt hơn các cơ hội mới. CTCK hợp nhất sẽ mang tên và thương hiệu MBS, kế thừa các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến khách hàng, đối tác của cả hai công ty.

 

Theo báo cáo tài chính của MBS, tại thời điểm 30/6/2013, MBS còn khoản lỗ lũy kế trên 500 tỷ đồng, làm sao có thể lành mạnh sức khỏe tài chính cho MBS với số lỗ lớn này, thưa bà?

Lành mạnh hóa sức khỏe tài chính cho MBS thực sự là một vấn đề không đơn giản. Chúng tôi đã trăn trở rất nhiều để tìm ra một con đường mới cho MBS, bởi thực tế, nếu để hiện trạng Công ty như hiện nay, với số lỗ lũy kế trên 500 tỷ đồng do quá khứ để lại, MBS cần có các giải pháp thích hợp để xử lý và tăng vốn chủ sở hữu tạo điều kiện cho bước phát triển tiếp theo. Trong quá trình đi tìm một con đường mới, chúng tôi nhận thấy rằng, chỉ bằng cách hợp nhất với một CTCK khác, MBS mới đồng thời có thể giải quyết bài toán này và đưa tình hình tài chính của Công ty trở về trạng thái lành mạnh. Trong phương án này, chúng tôi rất cần sự chia sẻ và đồng thuận của tất cả các cổ đông, bởi các cổ đông cần chấp nhận có ít cổ phiếu hơn tại MBS, nhưng giá trị thực tế cao hơn trong tương lai.

HĐQT MBS hiểu rằng, cổ đông cần hiểu rõ phương án này, nhưng chúng tôi khẳng định, đây là phương án tốt nhất cho MBS lúc này vì lợi ích lâu dài của Công ty cũng như của chính các cổ đông. Hợp nhất không làm thay đổi/tăng/giảm giá trị của Công ty trong hiện tại, mà chỉ giúp Công ty chuyển từ trạng thái vốn điều lệ lớn, lỗ lũy kế lớn, sang vốn điều lệ nhỏ hơn và không còn lỗ lũy kế nữa.

 

Nếu như việc hợp nhất không làm thay đổi giá trị của Công ty thì những giá trị thực sự mà cổ đông Công ty nhận được trong phương án này là gì, thưa bà?

Đó là những giá trị của tương lai trong một, hai năm tới. Khi MBS không còn lỗ lũy kế, Công ty sẽ dễ dàng tích lũy lợi nhuận và tính đến việc trả cổ tức cho các cổ đông trong tương lai gần. Bên cạnh đó, cổ phiếu của Công ty sẽ được định giá lại ở một mặt bằng giá mới và có khả năng thanh khoản cao hơn. Công ty cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm, đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài và tự tin tính đến việc niêm yết trên TTCK sau một, hai năm nữa, khi hội đủ các điều kiện để lên sàn.

Một yếu tố quan trọng khác là sau hợp nhất, cổ đông lớn nhất của MBS là MB sẽ tiếp tục rót thêm vốn vào MBS. Tôi nói điều này bởi HĐQT MB đã quyết định sẽ chuyển 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của MBS thành cổ phiếu trong thời gian ngắn tới để tăng năng lực tài chính cho MBS và nâng tỷ lệ sở hữu từ 62% hiện nay lên trên 75%. Ngân hàng mẹ MB sẽ tiếp tục hỗ trợ MBS về mọi mặt. Đây là điểm tựa rất lớn để MBS tự tin đứng vững và phát triển trên nền một CTCK đã đứng vững trong Top 5 CTCK có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

 

Đâu là những lý do khiến MBS có khoản lỗ lũy kế lớn và bước hợp nhất này có phải là cách MBS “làm lại từ đầu” không, thưa bà?

Như các bạn cũng biết, bối cảnh TTCK các năm trước đây và hiện nay có quá nhiều sự khác biệt. Bên cạnh một số ít cổ phiếu vững giá, nhiều cổ phiếu đã giảm giá nghiêm trọng, với mức giảm có thể lên đến 70 - 80%, thậm chí có những khoản đầu tư đã mất trắng. Tính chung toàn thị trường, VN-Index đã giảm khoảng 60% (từ 1.170 điểm ngày 12/3/2007 xuống còn 470 điểm ngày 9/9/2013). Trong khó khăn chung của thị trường, MBS cũng như nhiều CTCK khác đã phải ghi nhận những khoản lỗ từ đầu tư, lỗ từ hoạt động tài chính. Ngoài nguyên nhân khách quan, tiền thân của MBS là CTCK Thăng Long, từng có một thời kỳ quá tham vọng vươn lên và giữ thị phần môi giới số 1 trong khi chưa chuẩn bị kỹ năng lực quản trị rủi ro, nên Công ty đã phải trả giá cho tham vọng của mình.

Từ năm 2011, với sự hỗ trợ của Ngân hàng mẹ MB, chúng tôi đã tổ chức lại Công ty và kể từ đó, MBS kinh doanh có lãi trở lại. Tôi tin rằng, với những giá trị cốt lõi mà MBS đang có (hệ thống nhân sự, khách hàng, sự hỗ trợ của Ngân hàng mẹ và các đối tác lớn…), sau bước hợp nhất này, MBS sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn trên nền một CTCK có nền tảng tài chính lành mạnh, dần dần bù đắp những thua thiệt của cổ đông trong quá khứ, hướng đến mục tiêu phát triển MBS thành CTCK hàng đầu, vì lợi ích của khách hàng, của cổ đông và TTCK Việt Nam.

Hợp nhất MBS, vì thế, không phải là bước làm lại từ đầu, mà chỉ là một khâu trong tiến trình tái cấu trúc toàn diện của Công ty, để từ đó các thế mạnh vốn có của MBS có điều kiện phát huy đầy đủ hơn, mang lại hiệu quả cụ thể cho các cổ đông và người lao động. Đây cũng là bước đi quan trọng cuối cùng của chương trình tái cấu trúc MBS.

 

MBS: Hợp nhất để vững bước ảnh 1MB sẽ tiếp tục hỗ trợ MBS về mọi mặt

 

Là cổ đông lớn nhất của MBS, phương án hợp nhất MBS có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả kinh doanh của MB, thưa bà?

Như tôi vừa nói, MB hiện nắm 62% vốn tại MBS. Nếu phương án hợp nhất tại MBS được các cổ đông đồng thuận thông qua, lượng cổ phiếu MBS mà MB đang sở hữu cũng sẽ được điều chỉnh giảm theo tỷ lệ giảm chung như với các cổ đông khác. Tuy nhiên, tại MB, chúng tôi đã thực hiện việc trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào MBS từ vài năm nay, tập trung chính trong năm 2012. Phương án hợp nhất của MBS đã được MB dự tính và chúng tôi tin tưởng MB vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan.

Với tư cách là cổ đông lớn nhất của MBS, chúng tôi là những người thực sự đang tập trung quản trị MBS hướng đến phát triển bền vững, trong mục tiêu phát triển chung của toàn Tập đoàn. Vì thế, tôi khẳng định, MB sẽ tiếp tục hỗ trợ MBS về mọi mặt để MBS phát triển và đi lên.

 

Nếu đạt được sự đồng thuận của cổ đông về phương án hợp nhất thì MBS và VIT sẽ là 2 CTCK đầu tiên tại Việt Nam tiến hành nghiệp vụ này. Về mặt pháp lý, có gì vướng mắc không, thưa bà?

Chúng tôi đã xin chủ trương phương án hợp nhất lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và nhận được sự ủng hộ rất cao của cơ quan này do phù hợp với đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và bảo hiểm đã được Thủ tướng chính phủ quyết định triển khai. Với hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh TTCK đầy đủ và chặt chẽ như hiện nay, chúng tôi tin rằng, về pháp lý, việc hợp nhất giữa MBS và VIT sẽ không có gì vướng mắc.

Là hai CTCK đầu tiên tại Việt Nam tiến hành hợp nhất, chúng tôi đang nỗ lực tối đa cho một thương vụ hợp nhất trọn vẹn, suôn sẻ, đáp ứng nhu cầu phát triển tự thân của 2 Công ty và góp phần thực hiện mục tiêu tái cấu trúc CTCK mà UBCK, Bộ Tài chính đang chỉ đạo thực hiện.