MBS: Chứng khoán được hỗ trợ trong môi trường lãi suất thấp, còn biến số rủi ro

MBS: Chứng khoán được hỗ trợ trong môi trường lãi suất thấp, còn biến số rủi ro

(ĐTCK) Các chuyên gia nhận định, đảo ngược chính sách tiền tệ ở Việt Nam khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới kém khả quan có tác động lớn đến nền kinh tế trong nước.

Định giá về mức trung bình

Tại MBS Talk do CTCK MB tổ chức chiều 4/10 với chủ đề “Định vị chiến lược đầu tư trước ngưỡng cửa năm Rồng”, nhóm nghiên cứu phân tích MBS đã tổng hợp dữ liệu cho thấy bức tranh kinh tế vĩ mô có nhiều đan xen.

Một số tín hiệu phục hồi có thể kể đến như trong quý III, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,98%, xây dựng tăng 6,17%, dịch vụ tăng 6,62% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp một vài ngành có sự cải thiện đáng kể trong quý III/2023, tháng 9 IIP tăng 5,1%, lũy kế 9 tháng năm 2023 ước tính tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng âm song đà giảm đang dần thu hẹp.

Tuy nhiên tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có xu hướng suy giảm do cầu tiêu dùng yếu. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).

Hầu hết các tổ chức tài chính đều hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống mức 4,7-5,8% trong năm 2023 và kỳ vọng mức tăng trưởng thấp hơn 6% trong năm 2024.

Ông Nguyễn Thế Anh, chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6-6,5% năm nay khó khả thi bởi để đạt được thì quý IV phải tăng trưởng 2 con số. Động lực đầu tư chủ yếu đến từ đầu tư công, đầu tư tư nhân và nước ngoài chưa có sự đột phá, xuất khẩu khó do kinh tế thế giới vẫn phải chống chịu lãi suất cao.

“Nhiều dự báo cho thấy giá dầu lên trên 100 USD/thùng trong mùa đông năm nay, giá lương thực tăng, lạm phát khó quay về mức thích hợp để các ngân hàng trung ương thoải mái quay về nới lỏng”, ông Thế Anh nhận định

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS cho rằng, xu hướng giảm của chứng khoán Việt Nam trong tháng 9 có phần đồng pha với chứng khoán thế giới.

Sau nhịp điều chỉnh, định giá P/E thị trường đã về mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 10% so với P/E trung bình ba năm. Nếu so với tương quan giữa lãi suất huy động và định giá thị trường, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mức tương đương giai đoạn 2021 – 2022, định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn.

Ông Đỗ Hiệp Hòa, Giám đốc Đầu tư MB Capital nhận xét, định giá thị trường chung đang ở mức không đắt cũng không rẻ. Thời điểm định giá rẻ nhất là đáy Covid (P/E ~ 10,4 lần) và đáy tháng 11/2022 (P/E ~9,2 lần). Nhịp điều chỉnh đưa định giá của VN-Index về mức 13,5 lần, song vẫn cao hơn đáng kể thời điểm trước đó.

"So với đỉnh P/E chạm đến khoảng 20 – 21 lần, mức định giá hiện vẫn đang ở lưng chừng. Nếu chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng dồn dập như năm Covid, chúng ta có thể "mơ" mức định giá cao như vậy, song thực tế giai đoạn tiền rẻ dễ dàng đã là quá khứ, nhà đầu tư hiện cần có sự chọn lọc và quản trị rủi ro chặt chẽ hơn" , ông Đỗ Hiệp Hoà khuyến nghị.

Nhận định về thị trường năm 2024, chuyên gia MB Capital dự báo chứng khoán sẽ đan xen giữa thách thức và cơ hội. Thách thức lớn nhất liên quan đến những biến số vĩ mô của nền kinh tế thế giới và trong nước, trong đó động thái của Fed sẽ là yếu tố quan trọng cần quan tâm. Khi chính sách tiền tệ của Fed và Việt Nam có khoảng cách, áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu.

VN-Index có thể đạt 1.350 điểm vào năm 2024

Đưa ra kịch bản thị trường năm 2024, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích Cổ phiếu, Khối Nghiên cứu MBS dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp có thể đạt 3,6% trong năm 2023, điểm rơi lợi nhuận sẽ xuất hiện ở quý IV/2023. Sang đến năm 2024, tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt 16,8%. Động lực chủ yếu đến từ nhóm bán lẻ, ngân hàng, điện...

Dựa tăng trưởng lợi nhuận 16,8% và P/E dự phóng ở mức 12,5 lần, MBS dự báo trong kịch bản cơ sở, VN-Index có thể đạt mức 1.300 – 1.350 điểm trong năm 2024. Cần chú ý, P/E Forward thị trường 12-12,5 lần là mức khá thấp trong trung bình nhiều năm trở lại đây. Điều này phản ánh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, lãi suất điều hành của Fed tăng thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2023, sau đó giảm từ quý III/2024, mặt bằng lãi suất VND giữ nguyên như hiện tại hoặc giảm thêm 50 điểm cơ bản.

Với kịch bản kém khả quan, MBS dự báo VN-Index có thể giao động quanh mức 1.170 -1.230 điểm trong năm 2024. Xác suất này dựa trên việc lãi suất điều hành của Fed tăng thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 và duy trì ở mức cao suốt cả năm 2024. Tỷ giá tăng dưới 3%, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam tăng 25-50 điểm cơ bản. Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm 2024 tăng 10% và P/E forward thị trường 11,5 – 12 lần.

Tin bài liên quan