Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

MBKE: Nền kinh tế dần hồi phục, nhóm ngành có tính chu kỳ sẽ hưởng lợi chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế Việt Nam hiện đang trong giai đoạn đầu của quá trình đi lên, do đó các lĩnh vực mang tính chu kỳ như tài chính, bất động sản, bán lẻ, vật liệu sẽ được hưởng lợi chính, theo đó, cổ phiếu nhóm này dự báo hoạt động tốt hơn chỉ số VN-Index trong 12 tháng tới.

Nội dung trên được các diễn giả chia sẻ tại Invest ASEAN - Hội nghị các nhà đầu tư hàng đầu tư thường niên năm thứ 8 do Maybank Kim Eng tổ chức với chủ đề ASEAN Rising: The Next Decade (Sự trỗi dậy của khu vực Đông Nam Á: Thập kỷ tiếp theo).

Sự kiện được tổ chức ở hình thức trực tuyến, kéo dài 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8/2021, quy tụ các nhà lãnh đạo tư tưởng, các chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư toàn cầu thông qua các hội thảo trực tuyến xen kẽ tiếp cận danh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết đến từ Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Tại buổi hội thảo chia sẻ về nội dung thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia của MBKE cho biết, TTCK Việt Nam tăng trưởng vượt trội so với các nước trong khu vực kể từ khi đại dịch covid bắt đầu nhờ vào việc kiểm soát dịch trong nước tốt và hồi phục kinh tế mạnh mẽ. Điều này đang thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư quốc tế.

Trong nửa đầu năm 2021, VN-Index đã xuyên thủng ngưỡng tâm lý 1.200 điểm và thiết lập mức cao nhất mọi thời đại ở 1.374 điểm, sự hồi phục này đến từ dòng tiền mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong khi khối ngoại liên tục bán ròng.

Thanh khoản thị trường liên tục được cải thiện trong hơn 1 năm qua, tăng gần 4 lần, và thanh khoản đạt trung bình khoảng 960 triệu USD/phiên trong tháng 5/2021, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 trong số các thị trường ASEAN về thanh khoản (sau Thái Lan và Singapore).

Số tài khoản mở mới tiếp tục trong tháng 5 với 113,5 nghìn tài khoản, đưa con số tài khoản mởi mới trong 5 tháng đầu năm 2021 là 480,5 nghìn tài khoản, cao hơn 20% cả năm 2020. Hiện có khoảng 3,25 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 3,2% dân số.

Theo ông Hoàng Huy, Chuyên viên phân tích chiến lược, CTCK Maybank Kim Eng Việt Nam, TTCK Việt Nam đang chứng kiến tài khoản chứng khoán tăng như TTCK Đài Loan (Trung Quốc) trong quá khứ, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục duy trì.

Đà tăng thị trường được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, sắt thép nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh, khoảng 75% trong quý 1/2021 so với cùng kỳ.

Ông Huy cho biết, các yếu tố kể trên tiếp tục là động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng.

Tuy nhiên, các chuyên gia MBKE cho rằng, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 có phần tồi tệ hơn các lần trước, bởi không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ, hàng không, mà lần này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động các khu công nghiệp. Điểm tích cực là dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và nhanh chóng được tháo gỡ dần từ việc chuyển chiến lược của Việt Nam sang tiêm chủng. Tiêm chủng có thể sẽ tăng tốc trong những tháng tới, giúp Việt Nam duy trì quỹ đạo tăng trưởng kinh tế trung hạn.

“Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng vào giữa nửa đầu năm 2022. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam ở mức 6,5%”, ông Huy nói.

Chia sẻ góc nhìn với các nhà đầu tư tham gia hội thảo, ông Huy đưa ra nhận định, trong nửa cuối năm 2021, MBKE lạc quan và kỳ vọng sẽ chứng kiến các kỷ lục mới và chỉ số VN-Inndex có thể vươn lên mức 1.500 điểm, tương đương PE Forward 2021 ở mức 18x.

Dòng tiền sẽ điều chỉnh để chuyển sang những ngân hàng có chất lượng tốt và định giá còn hấp dẫn (như TCB, VPB, VCB…) và những ngành có câu chuyện tốt và điểm rơi lợi nhuận (bất động sản, nguyên vật liệu, xuất khẩu).

Các yếu tố hỗ trợ là hệ thống giao dịch sẽ thông suốt trong tháng 7, có thể tăng khả năng xử lý lượng lệnh lên 3-5 lần hiện nay. Dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục nâng đỡ. Đặc biệt, nền kinh tế đang trong giai đoạn đầu hồi phục với sự dẫn dắt của nhóm ngành có tính chu kỳ như tài chính, bất động sản, bán lẻ, vật liệu. Các công ty trong nước ở quy mô lớn như Vingroup, Vietjet, Masan, Techcombank, Vinamilk, Hòa Phát, FPT... sẽ truyền cảm hứng cho khu vực tư nhân trong nước.

Dài hạn hơn, thị trường Việt Nam còn trông chờ câu chuyện nâng hạng thị trường; các sản phẩm mới có thể đi vào vận hành như Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) năm 2023 có thể giải quyết tắc nghẽn vấn đề về sở hữu nước ngoài; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 kỳ vọng giúp nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế và tăng quy mô thị trường chứng khoán lên 50%.

Tựu chung lại, TTCK Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội so với các thị trường trong khu vực kể từ khi có đại dịch Covid nhờ khả năng kiểm soát dịch tốt, hồi phục kinh tế mạnh mẽ đã thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư quốc tế. Tốc độ tiêm chủng vaccine covid toàn quốc, lợi nhuận hồi phục và dòng tiền từ nhà đầu tư mới sẽ là động lực tăng trưởng cho thị trường. Lạm phát sẽ là rủi ro cần chú ý.

Trong các ngành có tính chu kỳ kể trên có thể hưởng lợi trong giai đoạn đầu kinh tế hồi phục, thì ngân hàng, được đánh giá là ngành có tiềm năng tăng trưởng và khả năng sinh lời tốt nhất trong khu vực, nên việc nâng định giá cổ phiếu ngân hàng suốt nửa đầu năm 2021 là dễ hiểu.

Tuy nhiên, các chuyên gia MBKE cho rằng, cần nhìn vào cách tăng, động lực tăng để nhận biết cổ phiếu nào đã tăng nóng, qua đó hạn chế rủi ro.

Giai đoạn vừa qua, nhiều cổ phiếu ngân hàng nhỏ, hoạt động không có tính cạnh tranh vuợt trội, ROE chỉ dưới 15% mà định giá P/BV đã vượt trên 2x, thậm chí hơn 3x… Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu Phân tích, Maybank Kim Eng Việt Nam cho biết, có hơn một nửa số ngân hàng đã có định giá vượt quá yếu tố cơ bản. Vì vậy, việc điều chỉnh xảy ra ở những cổ phiếu này là tất yếu.

Trong nửa cuối năm 2021, ông Thành nhìn nhận, dòng tiền sẽ điều chỉnh để chuyển sang những ngân hàng có chất lượng tốt và định giá còn hấp dẫn (như TCB, VPB, VCB…) và những ngành có câu chuyện tốt và điểm rơi lợi nhuận (bất động sản, nguyên vật liệu, xuất khẩu).

Theo ông Thành, ngành ngân hàng Việt Nam đang trong chu kỳ tăng trưởng và sinh lời cao, bên cạnh tín dụng tăng trưởng khoảng 14% so với cùng kỳ, thì bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) đang là động lực chính giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận – cũng là xu hướng của nhiều ngân hàng trong khu vực.

Nhiều ngân hàng có khả năng sinh lời 18-20% vẫn đang có mức định giá vừa phải, còn dư địa tăng trưởng về giá cổ phiếu.

Áp lực gia tăng lạm phát đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, liệu có xảy ra với Việt Nam - cũng là nội dung được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thực tế, tháng 5, lạm phát Việt Nam đã tăng 2,9% so với cùng kỳ, do giá hàng hóa tăng, khi gián đoạn nguồn cung và nhu cầu tăng cao sau dịch. Mặc dù áp lực lạm phát đang gia tăng, nhưng các chuyên gia MBKE cho rằng NHNN sẽ duy trì lập trường ổn định trong 12 tháng tới vì:

(1) Sự gia tăng hiện tại của nhu cầu hàng hóa thực sự là không ổn định;

(2) Việc tăng lãi suất quá sớm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đẩy chi phí do nhu cầu trong nước vẫn yếu (tổng doanh thu bán lẻ giảm 1% trong tháng 5/2021);

(3) Ngân hàng trung ương có thể hạn chế tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát;

(4) Lạm phát trung bình trong 12 tháng cuối năm có khả năng duy trì dưới mục tiêu của NHNN là 4% (3,5% và 3,8% trong năm 2021 và năm 2022). Việc giữ lãi suất ở mức thấp sẽ không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực của giá nguyên liệu đầu vào tăng lên lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn khuyến khích các khoản đầu tư mới.

Về tổng thể, MBKE kỳ vọng rằng lạm phát ở Việt Nam sẽ tiếp tục giảm nhẹ và sẽ vẫn nằm dưới mục tiêu lạm phát của NHNN là dưới 4%. Về chính sách tiền tệ, kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chính sách tiếp tục được giữ trong năm nay khi nền kinh tế.

Tin bài liên quan