Các cổ đông MB đồng tình với quyết tâm bứt phá của tân Tổng giám đốc

Các cổ đông MB đồng tình với quyết tâm bứt phá của tân Tổng giám đốc

MBB, làm gì để cải thiện thị giá cổ phiếu?

(ĐTCK) Kinh doanh vững vàng, trả cổ tức ở mức tốt, nhưng giá cổ phiếu MBB lại thấp hơn giá của một số mã cùng ngành có hiệu quả kém hơn hẳn.

Cổ đông Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) một lần nữa đặt câu hỏi vì sao trong Đại hội đồng cổ đông sáng 26/4, với mong muốn Ban lãnh đạo mới sẽ có cách làm mới, để giá trị cổ phiếu cũng như giá trị thương hiệu MB được cải thiện trên thương trường.

Quý I, lãi trên 1.000 tỷ đồng, MB dự kiến lợi nhuận 2017 tăng 24%

Gần 600 cổ đông đại diện cho 79,82% số cổ phiếu có quyền biểu quyết đã tham dự Đại hội đồng cổ đông MB sáng 26/4. Không ít gương mặt thân quen, các bác 60, 70, thậm chí 80 tuổi, gắn bó cả chục năm với Ngân hàng đã có mặt từ rất sớm. Cùng với đó, có một lớp cổ đông trẻ, phần nhiều đến từ các tổ chức tài chính đã đến tham dự Đại hội của Ngân hàng.

Điểm mới nhất trong Đại hội năm nay là thông điệp của tân Tổng giám đốc Lưu Trung Thái về mục tiêu đưa MB bước sang giai đoạn thực thi Chiến lược mới 2017 - 2021 với phương châm: “Đổi mới, hợp tác, hiện đại hóa và phát triển bền vững”. Theo ông Thái, MB sẽ có thay đổi đột phá ngay trong năm 2017, mà một trong những nét dễ thấy là tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn sẽ ở mức 24% (từ 3.651 tỷ đồng năm 2016 lên 4.532 tỷ đồng năm 2017). “Trong kế hoạch này, riêng hoạt động ngân hàng xác định mức tăng trưởng 16%, các công ty thành viên phải tăng trưởng mạnh hơn, thậm chí gấp đôi năm 2016”, ông Thái nói.

Các cổ đông MB đa phần đồng tình với quyết tâm bứt phá của tân Tổng giám đốc nên trong các câu hỏi nêu tại Đại hội, họ chủ yếu hỏi về quản trị rủi ro, nới room, hoạt động của các công ty con, kết quả quý I, giá cổ phiếu hay trích quỹ từ thiện… Không cổ đông nào chất vấn kế hoạch 2017 của Ngân hàng. Trong khi Ban lãnh đạo trả lời các vấn đề cổ đông nêu thì ở phía cổ đông, một số góp ý đã “hiến kế” cho MB cách giúp cổ phiếu trên sàn được định giá đúng hơn.

Tiếp câu chuyện hiệu quả kinh doanh, ông Thái chia sẻ, quý I, ngân hàng có doanh thu tăng 34%, lợi nhuận tăng 22% so với cùng kỳ 2016, lợi nhuận trước thuế đạt 1.055 tỷ đồng, bằng 25% kế hoạch năm 2017. Về quản trị rủi ro, ông Thái khẳng định, MB tiếp tục duy trì 2 nền tảng là năng lực thực thi nhanh và quản trị rủi ro vượt trội để “vượt trên đối thủ”. Do đó, dù tăng trưởng nhanh, nhưng nợ xấu sẽ được kiểm soát ở mức dưới 1,5%.

Cũng liên quan đến nợ xấu, trong phát biểu trước Đại hội, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Trần Đăng Thi đánh giá, MB là một trong những ngân hàng tốt nhất hệ thống, với tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp và “là nợ xấu đánh giá thực chất”. Được biết, báo cáo tài chính của MB do KPMG kiểm toán.

Về room, một vị cổ đông đặt câu hỏi: MB khóa 10%, liệu có khả năng tìm được cổ đông chiến lược hay nên mở lại mức 30% trên sàn? Theo ông Thái, HĐQT luôn muốn tìm nhà đầu tư chiến lược xứng tầm, vì thế tỷ lệ khóa room sẽ giữ nguyên để chờ cơ hội gặp được đối tác. Liên quan đến việc dành 5% lợi nhuận cho các hoạt động từ thiện có quá nhiều không, ông Thái cho biết, mức này cũng là thông lệ ở các nước có nền kinh tế phát triển. “Tại Việt Nam, MB muốn tiếp tục duy trì mức trích 5% để thực hiện các hoạt động từ thiện, đúng như lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, doanh nghiệp càng lớn, càng hiệu quả thì càng cần đóng góp nhiều hơn cho công tác cộng đồng”, ông Thái nói.

Giá cổ phiếu MBB, làm thế nào để cải thiện?

Câu hỏi này dường như là nỗi trăn trở của nhiều cổ đông. Một cổ đông cho rằng, 5 năm qua, MB hoạt động khá hiệu quả, nhưng tốc độ tăng vốn cũng khá cao, nên EPS không tăng trưởng. Để giá cổ phiếu cải thiện, Ngân hàng phải làm sao cho EPS tốt hơn, bằng cách hoặc tạo ra lợi nhuận cao hơn, hoặc tìm cách tăng vốn một cách hợp lý, để không ảnh hưởng đến sự pha loãng giá trên sàn.

Một vị cổ đông khác chia sẻ, ông cũng không hài lòng khi giá cổ phiếu MBB cứ loanh quanh 15.000 đồng/cổ phiếu. Theo ông, MB nên tìm cách định giá thương hiệu tốt hơn, hoặc cần hợp tác chặt hơn với các đối tác chiến lược để tạo ra những “bước đi thần tốc” trong kinh doanh, nhất là khai thác thị trường nước ngoài…

Từng hơn 20 năm làm ngành tài chính, ngân hàng, trong đó có 3 năm trực tiếp làm Chủ tịch một công ty chứng khoán lớn (MBS), tân Tổng giám đốc MB dường như thấu hiểu sự trăn trở của các “ông chủ” MB. Trong câu chuyện với cổ đông, ông Thái truyền đi thông điệp về 3 giải pháp, ông cũng như Ban lãnh đạo Ngân hàng sẽ làm để cải thiện thị giá MBB hiện nay.

Thứ nhất, đó là sẽ truyền tải đến cổ đông, nhà đầu tư và thị trường một cách sâu sắc Chiến lược 2017-2020 của Ngân hàng, trong đó xác định mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20%/năm. “MB sẽ áp dụng nhiều giải pháp để thay đổi và bứt tốp. Khi cổ đông có niềm tin dài hạn vào Ngân hàng, sẽ có nhiều người giữ cổ phiếu MBB và chỉ bán ra nếu giá đạt mức giá đủ lớn”, ông Thái nói.

Là doanh nghiệp niêm yết, hiệu quả của MBB được minh bạch hóa hàng quý, hàng năm. Khi nhìn thấy một MB hiệu quả hơn, chắc chắn giá cổ phiếu sẽ được định giá trên mặt bằng mới.

Thứ hai, EPS mấy năm qua không tăng, hoặc tăng không đáng kể và đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ khiến giá MBB không có đột phá. Thay đổi hiện trạng này như thế nào? “Tôi sẽ cùng Ban lãnh đạo toàn tâm thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của MB cao hơn, khi lợi nhuận cao hơn, EPS sẽ cao hơn, từ đó mặt bằng giá cổ phiếu sẽ được cải thiện”, ông Thái nói.

Thứ ba, về câu chuyện thương hiệu, MB đang định hình rõ nét một tập đoàn tài chính đa ngành và hiện là tập đoàn duy nhất tại Việt Nam có đủ các mảng hoạt động tài chính, trong đó, hoạt động cốt lõi là ngân hàng.

“Khối công ty thành viên của MB từ năm 2017 sẽ hoạt động hiệu quả hơn và 2 công ty mới gồm MB Ageas Life, MCredit đã được chọn lựa đối tác ngoại rất kỹ, chắc chắn sẽ sớm đóng góp hiệu quả về tài chính và thương hiệu cho Tập đoàn”, ông Thái nói. Cùng với đó, trong mục tiêu tăng năng lực tài chính cho Tập đoàn, trong điều kiện phù hợp, MB sẽ cân nhắc việc phát hành trái phiếu dài hạn, nhằm có thêm đối tác lớn và giảm áp lực pha loãng giá cổ phiếu.

Một MB trẻ trung hơn, quyết liệt hơn và tự tin sẽ đạt hiệu quả cao hơn là điều cổ đông cảm nhận rõ nét sau Đại hội 2017. Câu chuyện về hiệu quả Ngân hàng cũng như giá cổ phiếu sẽ cải thiện cụ thể ra sao, nhà đầu tư chờ đợi “người cầm lái” Ngân hàng sẽ dần thực thi những kế hoạch đã định.

Tin bài liên quan