
Quỹ Đầu tư trái phiếu dòng tiền linh hoạt MB (MBAM) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2025.
MBAM được thành lập vào tháng 5/2024 - thời điểm được đánh giá là thuận lợi, khi thị trường trái phiếu được vận hành khá lành mạnh trong năm vừa qua. Các sản phẩm quỹ mở trái phiếu tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường.
Sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, tính tới cuối năm 2024, Quỹ MBAM đạt quy mô tài sản 294,1 tỷ đồng. NAV/chứng chỉ quỹ đạt 10.396 đồng, tăng 3,96% so với giá trị chào bán (ngày 22/5/2024) và tăng 6,50%/năm (quy năm). Đây là mức tăng trưởng phù hợp với kỳ vọng của nhà đầu tư đối với quỹ trái phiếu, khi lợi nhuận hấp dẫn hơn so với các sản phẩm tiết kiệm truyền thống.
Xét về tình hình huy động vốn, trong thời gian hoạt động ngắn, MBAM cũng huy động được 292 tỷ đồng năm 2024, con số tích cực so với nhiều quỹ trái phiếu khác trên thị trường.
![]() |
Tình hình huy động vốn năm 2024 của các quỹ trái phiếu trên thị trường |
Xét theo cơ cấu phân bổ tài sản, tính tới thời điểm ngày 31/12/2024, cơ cấu của quỹ gồm 61,9% là trái phiếu niêm yết, 8,5% là trái phiếu chưa niêm yết, 23,8% là chứng chỉ tiền gửi, 2% là tiền gửi, còn lại là tiền và các tài sản tương đương tiền.
Tổng thu nhập từ hoạt động đầu tư của MBAM năm 2024 đạt khoảng 10 tỷ đồng, trong đó Quỹ có thu nhập khoảng 7 tỷ đồng từ trái tức và 2,7 tỷ đồng từ thu nhập lãi từ tiền gửi hoặc đầu tư chứng chỉ tiền gửi, lỗ thực hiện từ hoạt động mua bán chứng khoán trong kỳ là -90 triệu đồng; lãi chưa thực hiện là 350 triệu đồng.
Bước sang năm 2025, với định hướng là quỹ trái phiếu huy động vốn ở kỳ hạn 2 - 6 tháng, lợi suất kỳ vọng cho nhà đầu tư cao hơn lãi suất tiết kiệm từ 1-1,5%, MBAM cho biết sẽ duy trì tỷ trọng trái phiếu cao, mục tiêu tỷ trọng trái chiếu chiếm từ 60-70% danh mục với lợi suất đầu tư hấp dẫn, đa dạng danh mục trái phiếu, đa dạng ngành nghề để giảm thiểu rủi ro tín dụng và rủi ro lãi suất.
Cụ thể, chiến lược phân bổ tài sản đầu tư năm 2025 của MBAM cho thấy, năm 2025, Quỹ đặt mục tiêu tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp đạt 60-70%, tăng trưởng so với mức 58-60% trong quý I/2025. Tỷ trọng tiền gửi và tương đương tiền sẽ được điều chỉnh xuống dưới 10%, gia tăng nhẹ tỷ trọng chứng chỉ tiền gửi để nâng cao tính thanh khoản cho Quỹ và giảm thiểu sự biến động của danh mục đầu tư khi có biến động của giá trái phiếu.
![]() |
Chiến lược phân bổ tài sản đầu tư năm 2025 |
Theo báo cáo danh mục đầu tư mới nhất được công bố, tính tới cuối năm 2024, các khoản đầu tư lớn nhất vào trái phiếu doanh nghiệp của MBAM gồm trái phiếu của Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Công ty cổ phần Rox Key Holdings (TN1), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) và Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công (TCI).