Lợi nhuận có thể lớn hơn báo cáo khoảng 1.000 tỷ đồng
Thưa ông, nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2017, ông thấy điều gì là thành công nhất của MBBank trong năm qua?
Tôi cho rằng, 2017 là một năm thành công ở nhiều mặt của MBBank.
Điểm đầu tiên mà mọi người có thể nhìn thấy là kết quả kinh doanh với mức lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Ngân hàng trên báo cáo tài chính riêng lẻ là 5.355 tỷ đồng tăng hơn 44% so với năm 2016. Riêng báo cáo tài chính hợp nhất, mức tăng lợi nhuận thấp hơn, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế là gần 4.616 tỷ đồng. Điều này là do quy định về hạch toán kế toán, lợi nhuận thu được từ thoái một phần vốn tại công ty con được hạch toán thẳng vào vốn chủ thay vì tính vào lợi nhuận.
Điểm thứ 2 mà MBBank đã làm rất tốt trong năm qua, là kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Ngay trong quý IV/2017, Ngân hàng đã thực hiện hoàn tất mua trước hạn trái phiếu VAMC, duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,2%. MB tự hào là 1 trong 3 ngân hàng của Việt Nam đã hoàn thành việc mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC. Nếu hạch toán dự phòng đúng kế hoạch, lợi nhuận của MBBank sẽ nhiều hơn mức đang phản ánh trên báo cáo tài chính 1.000 tỷ đồng nữa, tương đương mức tăng trưởng lợi nhuận trên 65% năm 2017.
Điểm thứ 3 là MBBank đã cơ bản hoàn thiện mô hình hoạt động và quy trình quản trị rủi ro, sẵn sàng ứng biến với các thay đổi của nền kinh tế, sẵn sàng áp dụng Basel 2. Hệ số an toàn vốn của MBBank cuối năm 2017 là 12%, cao hơn rất nhiều mức quy định của Ngân hàng Nhà nước là không dưới 9%, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn hơn 41%, nhỏ hơn giới hạn 60%; tỷ lệ LDR (dư nợ trên huy động) ngân hàng mẹ là 76,6%.
Ông Lưu Trung Thái
Trong chương trình hoạt động dài hạn mà các thế hệ lãnh đạo MBBank đã xây dựng từ trước, Ngân hàng đặc biệt chú trọng việc phát triển đội ngũ nhân sự, hệ thống quản trị, hệ thống công nghệ thông tin và văn hoá doanh nghiệp…
Đây là những yếu tố nền tảng giúp MBBank bước vào giai đoạn tăng tốc mạnh, mà năm 2017 là năm khởi đầu của giai đoạn đó. Như thống kê chúng tôi đã công bố, nhờ việc phát huy toàn diện các yếu tố, năm qua, năng suất lao động toàn ngân hàng đã tăng thêm 33% so với năm 2016, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trên bình quân đầu người trung bình đạt 670 triệu đồng/năm.
Trong năm qua, tăng trưởng thu nhập từ lãi và các khoản tương tự đạt 41%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ tăng gần 22%. Vì sao lại có sự chênh lệch lớn như thế này thưa ông?
Bạn thấy đó, tăng hiệu quả lao động của toàn hệ thống cũng là một lý do tạo nên sự tăng trưởng này, nhưng MBBank có nhiều lợi thế lớn.
Trước hết là MBBank có chi phí huy động rất tốt. MBBank luôn là một trong những ngân hàng có quy mô huy động vốn thuộc nhóm tốt nhất trên thị trường hiện nay. Điều này lý giải vì sao chúng tôi được coi là ngân hàng năng động nhất trên thị trường 2 thời gian qua.
Không chỉ có chi phí huy động tốt giúp giảm chi phí đầu vào, trong năm qua, MBBank đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cho vay theo hướng tăng cho vay tiêu dùng, bán lẻ. Đây là nhóm tín dụng có biên lợi nhuận tốt hơn.
Nhờ các yếu tố này, trong năm 2017, MBBank đã tăng NIM thêm xấp xỉ 1 điểm phần trăm, lên mức xấp xỉ 4%.
Tăng trưởng 47% vẫn là… thận trọng
Năm 2018, MBBank đặt mục tiêu 6.800 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tương đương mức tăng trưởng 47%. Năm 2017 tăng trưởng mạnh, năm 2018 lại đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh như thế, liệu kế hoạch này khả thi không, thưa ông?
Mục tiêu 6.800 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018 là con số mà Ban lãnh đạo Ngân hàng tự tin đạt được và có độ tin cậy cao.
Trong năm nay, hạn mức tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng là 15%, nhưng chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh thu nhập do nhiều yếu tố.
Trước hết là việc cải thiện NIM thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm, lên mức trung bình hơn 4,2% trong cả năm 2018 thông qua việc tiếp tục phát huy lợi thế về nguồn vốn huy động có chi phí tốt và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tăng tỷ lệ cho vay bán lẻ, tiêu dùng. Điểm thứ hai thuận lợi cho MBBank khi bước vào năm 2018 chính là việc từ giữa năm 2017, MBBank có một lượng vốn lớn đang phân bổ ở thị trường 2.
Trong khi đó, cuối năm 2017, thu nhập từ hoạt động thị trường 2 có hiệu quả không cao. Nguồn lực tài chính này là yếu tố giúp MBBank thuận lợi trong việc lấp đầy “room” tăng trưởng tín dụng, với chi phí đầu vào không đổi nhưng biên lợi nhuận cao hơn.
Năm 2017, tỷ lệ thu nhập trên vốn chủ sở hữu hợp nhất của Ngân hàng (ROE) đạt 12,4%, riêng ngân hàng mẹ là 16,1%; thu nhập trên tổng tài sản (ROA) tính hợp nhất là 1,2%, riêng ngân hàng mẹ là 1,5%. Đến năm, năm 2018, chúng tôi đặt mục tiêu tăng ROE lên mức 17,1%, ROA lên 1,6%.
Yếu tố thứ hai là nằm ở chính mô hình hoạt động của Ngân hàng. MBBank hiện là ngân hàng duy nhất của Việt Nam có mô hình 1+6, gồm 1 ngân hàng mẹ và 6 đơn vị thành viên. Việc tạo ra một mô hình kinh doanh với đầy đủ các công cụ kinh tế trong ngắn hạn có thể không làm tối ưu hiệu quả kinh doanh, nhưng sẽ giúp Ngân hàng duy trì được hiệu quả kinh tế và tăng trưởng trong dài hạn.
Trong năm 2017, MCredit mới chỉ hòa vốn, nhưng ngay trong năm 2018, MBBank đặt mục tiêu lãi 300 tỷ đồng trên vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ của MCredit lên 800 tỷ đồng, và theo đó, kết quả kinh doanh thực tế có thể sẽ lớn hơn.
Với Công ty bảo hiểm MB Ageas Life (MBAL), dù mới thành lập nhưng cũng ghi nhận kết quả rất khả quan. Năm 2017, Công ty đạt 301 tỷ đồng doanh thu trong khi kế hoạch là 150 tỷ đồng. Năm 2018, MBAL đặt mục tiêu khoảng 1.200 tỷ đồng doanh thu.
Với mảng chứng khoán, Công ty chứng khoán MB (MBS) cũng đã hoàn tất toàn bộ quá trình tái cấu trúc, và dự kiến 2018 sẽ bứt phá về kết quả kinh doanh.
Về đối tác chiến lược, trong năm nay, MBBank liệu có tiến triển gì mới không?
Hiện tại, MBBank vẫn đang khóa “room” nhà đầu tư nước ngoài. Tôi cho rằng, năm 2018 có thể là năm hợp lý cho việc xúc tiến tìm kiếm đối tác chiến lược cho Ngân hàng.
Chúng tôi vẫn sẽ “chắc chắn và thận trọng” trong quản trị rủi ro
Như ông nói thì dường như kế hoạch kinh doanh 2018 vẫn thận trọng? Tại sao MBBank không đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, nhất là trong bối cảnh một số Ngân hàng khác đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng rất mạnh năm nay?
Mỗi ông chủ có một lựa chọn riêng. MBBank xác định đánh giá hiệu quả của Ngân hàng trong cả quá trình dài, chứ không phải một vài năm. Một số cổ đông có thể sốt ruột vì MBBank tụt hạng, nhưng chúng tôi nhìn thấy con đường mình đi với chiến lược cho tầm nhìn 10 năm.
Trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2017-2021, MBBank đặt mục tiêu TOP 5 ngân hàng kinh doanh hiệu quả và an toàn. Chúng tôi tạo động lực tăng trưởng chứ không thúc ép toàn hệ thống, và đặc biệt không đánh đổi rủi ro lấy tăng trưởng.
Ngay như mảng tài chính tiêu dùng, lựa chọn của Ngân hàng trong chính sách phát triển cho MCredit là đi vào phân khúc lãi suất thấp hơn và rủi ro thấp hơn. Chúng tôi lựa chọn con đường tăng trưởng và xây dựng lợi thế cạnh tranh dựa vào nguồn lực tài chính, công nghệ, phát triển sản phẩm phù hợp và phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng lớn của mình, chứ không đi vào phân khúc lãi suất cao nhưng rủi ro lớn.
Tôi cũng ghi nhận một số ý kiến về việc dường như MBBank quá thận trọng trong cách phát triển. Trên thực tế, chúng tôi đã thay đổi rất nhiều trong thời gian qua, vấn đề là cần thời gian để tích lũy về chất được phản ánh vào các con số. Ví dụ MBBank vốn là ngân hàng tiên phong kết hợp với Viettel để triển khai Bankplus mà giờ đây các ngân hàng đều áp dụng.
Chúng tôi sẽ đẩy mạnh mảng này, nhưng có lẽ phải chờ đến quý II năm nay mới có thể công bố sản phẩm mới. Duy chỉ có một điều MBBank vẫn “chắc chắn và thận trọng”, đó là vấn đề quản trị rủi ro, vì như tôi đã nói, MBBank chọn mang lại hiệu quả trong đường dài, chứ không đánh đổi trong ngắn hạn.