MB tiến sát lộ trình nhận chuyển giao OceanBank, muốn nhanh chóng tăng gấp đôi tổng tài sản

0:00 / 0:00
0:00
Tại ĐHĐCĐ 2022, Ngân hàng TMCP Quân đội sẽ trình cổ đông thông qua Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD). Thông tin rò rỉ trước đó cho thấy, TCTD đó là OceanBank.
MB tiến sát lộ trình nhận chuyển giao OceanBank, muốn nhanh chóng tăng gấp đôi tổng tài sản

Nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD để nhanh chóng tăng gâp đôi tổng tài sản, tín dụng, mạng lưới

Theo tài liệu vừa được công bố, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 được tổ chức vào 25/3 tới, Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) sẽ trình cổ đông thông qua Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Mục đích của việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng là để tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường.

Với nguồn lực có chất lượng và có kinh nghiệm triển khai thành công một số phương án tái cơ cấu, cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ, NHNN, MB kỳ vọng sẽ thực hiện thành công Phương án nhận Chuyển giao bắt buộc Tổ chức tín dụng, mở ra cơ hội để MB tăng tốc từ 1,5 - 2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu Chiến lược phục vụ trên 20 triệu khách hàng.

Tên tổ chức tín dụng này không được MB nêu cụ thể song nhiều thông tin rò rỉ trước đó cho thấy, TCTD này là OceanBank.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OCeanbank diễn ra đầu năm nay, Đại tá Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội và Trung tá Phạm Như Ánh, Thành viên BĐH, Giám đốc khối CIB Ngân hàng TMCP Quân Đội đều tham dự.

Tại hội nghị, lãnh đạo OceanBank cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là phối hợp với ngân hàng TMPC Quận đội triển khai chương trình cho vay hợp vốn, kể cả cho vay bán lẻ; Nghiên cứu phát triển 1 số sản phẩm làm lợi thế cạnh tranh; vừa để thu hút khách hàng vừa để tăng thương hiệu trên thị trường tín dụng.

Trong khi đó, ại tá Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quận đội cho biết, việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. Theo lộ trình của NHNN mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ.

CEO MB khi đó cho biết, theo sự chỉ đạo của NHNN, MB sẽ thảo luận cùng lãnh đạo OceanBank thiết kế chương trình phù hợp cho OceanBank, trong đó cốt lõi là cách thức làm việc trong tương lai. MB là một tổ chức khát vọng.

Theo nhận định của giới chuyên gia phân tích, việc MBB hỗ trợ OceanBank thời gian qua có thể nằm trong “Phương án chuyển giao bắt buộc” theo điều 148 và điều 151 của Luật Các tổ chức tín dụng.

Trong giai đoạn đầu, với sự thanh khoản lớn từ NHNN, có thể MB không cần phải rót vốn hỗ trợ ngay mà sẽ hỗ trợ Oceanbank trước về nhân sự quản lý cấp cao. Với việc tham gia nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank, MB sẽ được hưởng một số quyền lợi, trong đó có quyền lợi được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Nhìn chung, đây là thương vụ có lợi cho cả hai bên, giúp MB tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn.

Mục tiêu lợi nhuận tăng 23%, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

Ngoài tờ trình trên, tại ĐHĐCĐ năm nay, MB cũng trình cổ đông thông qua nhiều nội dung quan trọng như: chỉ tiêu kinh doanh năm 2022, phương án phân phối lợi nhuận, phương án tăng vốn…

Năm 2022, ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16% lên 472.600 tỷ đồng và theo giới hạn "room" mà Ngân hàng Nhà nước giao cho.

Năm nay, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn GDP5%, ngân hàng dự kiến lợi nhuận đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 15%.

HĐQT MB cho biết, ngân hàng xây dựng các chỉ tiêu chiến lược về tài chính tăng trưởng cao hơn bình quân ngành với doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng năm 2026 gấp 2,5 lần đến 3 lần so với 2021 theo các kịch bản linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Về tăng vốn điều lệ, năm nay ngân hàng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn thêm 9.100 tỷ, nâng vốn điều lệ lên 46.882 tỷ đồng thông qua hai cấu phần. Thứ nhất, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2021 (phát hành cổ phiếu riêng lẻ 70 triệu cổ phần cho Viettel, phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP). Thứ hai, phát hành 755,6 triệu cổ phần để chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu và chào bán riêng lẻ 65 triệu cổ phiếu, tăng vốn thêm hơn 8.206 tỷ đồng.

Với số vốn tăng thêm, ngân hàng sẽ dùng 5.811 tỷ đồng đều đầu tư năng lực, bao gồm đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở của MB tại khu vực Hồ Chí Minh và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngoài ra, 3.288 tỷ đồng còn lại, ngân hàng sẽ dùng để bổ sung vốn đầu tư kinh doanh.

Tin bài liên quan