Môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi quan trọng khi nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Ở cương vị Chủ tịch HĐQT MB, xin ông chia sẻ đôi điều về định hướng mà MB đang và sẽ thực hiện để giữ vững vị thế trên thương trường?
Năm 2015, MB đã hoàn thành Chiến lược giai đoạn 2011 - 2015. Cụ thể, các sáng kiến chiến lược được tập trung hoàn thành theo lộ trình đề ra, các kế hoạch kinh doanh và chương trình hành động được chú trọng triển khai theo hướng “quản trị rủi ro chặt chẽ” và “thượng tôn pháp luật”, nhưng vẫn đảm bảo linh hoạt và tận dụng được các cơ hội, giúp Ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng.
Các chỉ tiêu kinh doanh của MBGroup trong năm qua hầu như đều tăng gấp đôi: tổng tài sản tăng 2,02 lần (từ 109.623 tỷ đồng lên 221.042 tỷ đồng); lợi nhuận tăng gần 1,5 lần (từ 2.288 tỷ đồng lên 3.221 tỷ đồng), tiếp tục là ngân hàng nằm trong nhóm dẫn đầu hệ thống các NHTMCP Việt Nam về lợi nhuận và các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động (ROA, ROE, lợi nhuận/người, lợi nhuận/điểm kinh doanh); nhân sự trên 7.800 người; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới mức 2%; hệ thống mạng lưới từ 140 điểm tăng lên 253 điểm, với 2 chi nhánh nước ngoài tại Lào và Campuchia.
Năm nay, MB sẽ phối hợp với nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới McKinsey xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 trên cơ sở kế thừa những giá trị của Chiến lược giai đoạn 2011 - 2015, nhằm giúp MB củng cố và nâng cao vị thế, nâng cao năng lực, duy trì vị trí Top 5 các ngân hàng thương mại hàng đầu về hiệu quả tại Việt Nam. Đồng thời, MB tiếp tục định hướng phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính đã được Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2014 - 2019 thông qua, với các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ…, trong đó MB là ngân hàng hạt nhân và các vệ tinh là các công ty thành viên.
Về cơ bản, mô hình tập đoàn tài chính đa năng của MB tương đối đầy đủ, khi thành lập thêm 2 công ty thành viên trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và Tài chính tiêu dùng trong năm nay. Do đó, trong năm nay và các năm tiếp theo, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh của MB và các công ty thành viên theo chiến lược đã đề ra.
Thượng tướng Lê Hữu Đức
Ông có nói về việc thành lập thêm 2 công ty thành viên trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và tài chính tiêu dùng. Xin ông chia sẻ thêm về định hướng hoạt động của hai công ty này? MB có tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài cho các công ty này không? Tiêu chí lựa chọn là gì?
Về Công ty tài chính tiêu dùng, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường tháng 10/2015, các cổ đông đã nhất trí việc sáp nhập MB với Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) và triển khai thành lập Công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Triển khai thực hiện Nghị quyết ĐHCĐ, tháng 2/2016, MB đã nhận được Giấy phép số 75 ngày 4/2/2016 của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép MB thành lập Công ty Tài chính TNHH Một thành viên MB (tên viết tắt là M Finance) và ngày 10/3/2016, công ty này đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hiện MB đang tích cực triển khai xây dựng sản phẩm, công nghệ… để có thể sớm đưa M Finance chính thức đi vào hoạt động, dự kiến khai trương vào cuối quý IV/2016. Trong năm đầu tiên hoạt động, M Finance đặt kế hoạch không lỗ và bắt đầu có lãi vào những năm sau.
MB sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài từ các nước Nhật, Mỹ, khu vực châu Âu, có kinh nghiệm trong hoạt động tín dụng tiêu dùng để hợp tác nhằm tạo điều kiện gia tăng sự hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm, công nghệ… cho M Finance. Mặt khác, chúng tôi sẽ giảm các chi phí tối đa, cung cấp thêm một kênh dịch vụ với lãi suất cho vay cạnh tranh và nhiều điểm giao dịch cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Với công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ thì sao, thưa ông?
Ngay sau khi ĐHCĐ 2015 nhất trí thông qua việc thành lập công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, MB đã tích cực tìm kiếm các đối tác để triển khai và tìm được hai đối tác chiến lược nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này để hợp tác liên doanh. Đó là Tập đoàn bảo hiểm quốc tế Ageas (vương quốc Bỉ), một trong số 20 công ty bảo hiểm hàng đầu ở châu Âu với bề dày 190 năm phát triển, hoạt động tại 12 quốc gia. Tại châu Âu, Ageas đứng thứ 12 về doanh thu bảo hiểm, thứ 16 về tổng tài sản. Ở châu Á, Tập đoàn kinh doanh bảo hiểm nhân thọ thông qua công ty 100% vốn ở Hồng Kông và các liên doanh ở Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn độ, Singapore và Philippines. Đối tác thứ hai là Muang Thai Life của Thái Lan, thành lập năm 1951, là nhà bảo hiểm đứng thứ 2 tại Thái Lan và dẫn đầu thị trường về doanh số bancasurance từ năm 2013, với tốc độ tăng trưởng bình quân 31%.
Cùng với các đối tác, MB đã hoàn thiện các thủ tục hồ sơ thành lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life, nhận được chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và đang trình Bộ Tài chính cấp phép. Chúng tôi dự kiến sẽ nhận được phê duyệt của Bộ Tài chính trong quý II này, khai trương Công ty và đưa vào hoạt động cuối quý IV/2016.
Song song với các bước hoàn thiện thủ tục thành lập MB Ageas Life, MB và các đối tác chiến lược cũng đang tích cực xây dựng hạ tầng kinh doanh, phát triển đội ngũ nhân sự, thiết kế sản phẩm để sẵn sàng triển khai ngay khi liên doanh này đi vào hoạt động. Trong tầm nhìn 5 năm tới, Liên doanh MB Ageas Life đặt mục tiêu nằm trong Top những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hàng đầu cung cấp sản phẩm qua kênh bancassurance.
MB tin tưởng, với các lợi thế của MB, nguồn nhân lực, tiềm lực tài chính phát triển bền vững của mình, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các đối tác, cổ đông chiến lược và sự ủng hộ của các cổ đông, cơ quan quản lý nhà nước, MB sẽ triển khai thành công 2 mô hình công ty con nêu trên.
Một trong những điểm nhà đầu tư đánh giá cao nỗ lực của MB năm 2015 là việc có thêm cổ đông lớn SCIC. Xin ông cho biết kế hoạch nhân sự cao cấp với sự tham gia của cổ đông mới và kỳ vọng của MB về sự đóng góp của SCIC?
Theo Nghị quyết ĐHCĐ, số lượng thành viên HĐQT MB trong nhiệm kỳ 2014 - 2019 là 11 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập và để đảm bảo cơ cấu HĐQT hướng tới thông lệ quản trị tiên tiến, thể hiện tốt nhất tính đại diện cho cơ cấu sở hữu vốn cổ phần tại MB. Hiện tại, HĐQT MB có 10 thành viên sau khi bà Trần Thị Kim Thanh, người đại diện vốn của Vietcombank thôi giữ chức vụ thành viên HĐQT MB từ tháng 10/2015 nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014. Ứng cử viên được cổ đông SCIC đề cử và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tham gia tham gia ứng cử bầu bổ sung thành viên HĐQT MB nhiệm kỳ 2014 - 2019 là người đại diện vốn của SCIC, ông Nguyễn Chí Thành. Ông Thành hiện đang là Phó tổng giám đốc SCIC, đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và trên 10 năm làm việc trong lĩnh vực quản lý rủi ro, đầu tư tài chính.
Năm 2015, MB cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với SCIC. Theo đó, SCIC sẽ hỗ trợ MB trong việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro, khai thác hệ thống mạng lưới, hệ thống sản phẩm, dịch vụ của các bên, cùng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đồng thời phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng và các lĩnh vực khác phù hợp với chiến lược phát triển của MB. SCIC sẽ tạo điều kiện để MB tiếp cận và sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư, dịch vụ tư vấn tài chính, khai thác tập khách hàng của SCIC, phát triển bán chéo sản phẩm, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả hoạt động cho Ngân hàng.
MB mong rằng, ĐHCĐ thường niên 2016 sẽ nhất trí cao đối với việc bầu bổ sung ông Thành vào vị trí thành viên HĐQT MB. Tin rằng, việc hợp tác chiến lược với SCIC và việc SCIC cử nhân sự cao cấp tham gia HĐQT MB sẽ mang lại những giá trị lâu dài cho MB, SCIC và các cổ đông.