Ông Lê Công

Ông Lê Công

MB hiện thực hóa mục tiêu “Phát triển bền vững”

(ĐTCK) Phát triển bền vững là vấn đề được Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đặt ra từ nhiều năm trước, trong đó mốc quan trọng nhất là vào năm 2010, MB xây dựng mục tiêu 5 “C” làm nền tảng để tạo nên sự bền vững.

Chính việc kiên định thực hiện các mục tiêu này đã giúp MB tăng trưởng vững chắc và vươn lên dẫn đầu khối ngân hàng TMCP về nhiều chỉ tiêu quan trọng vào năm 2012. Thành quả của MB đã trở thành một điểm sáng nổi bật, trong bối cảnh năm 2012, có gần 100.000 DN tại Việt Nam đã phải giải thể hoặc phá sản, một số ngân hàng lớn cũng điêu đứng, chao đảo trước sự khắc nghiệt của môi trường kinh doanh.  Sang năm 2013, Tổng giám đốc MB, ông Lê Công nhận định, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, thách thức, nhưng ông tin rằng, với sự ủng hộ của cổ đông cùng việc kiên định thực hiện mục tiêu 5 “C”, MB sẽ vững bước, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và trở thành 1 trong 3 ngân hàng tốt nhất Việt Nam vào năm 2015.

Khó khăn của môi trường kinh doanh năm 2011, 2012 đã cho thấy, phát triển bền vững là điểm khuyết của rất nhiều DN, là nguyên nhân khiến DN mất phương hướng, chao đảo, bị thâu tóm hoặc phá sản khi gặp những cú sốc lớn. Tại MB , là người điều hành cao nhất hoạt động kinh doanh Ngân hàng, quan điểm của ông về vấn đề phát triển bền vững là như thế nào?

Với tôi, quan điểm phát triển bền vững là mục tiêu của các DN gắn với tồn tại, phát triển lâu dài. Vì vậy, phát triển bền vững phải gắn với chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng ở đây phải gắn với phát triển toàn diện, không chỉ trong ngắn hạn mà cả định hướng lâu dài. Chính vì thế, từ năm 2010, MB đã đưa ra mục tiêu 5 chữ “C” để phát triển toàn diện, tạo nền tảng phát triển bền vững. Chữ “C” thứ nhất là Chiến lược, phải xây dựng chiến lược phù hợp trong bối cảnh thay đổi nhanh của thị trường quốc tế và trong nước, để DN có định hướng, có khát vọng, có mục tiêu rõ ràng, tạo sự đồng tâm, hiệp lực trong thực thi. Chữ “C” thứ hai là Con người, coi con người là tài sản quyết định và quý giá nhất, từ đó tập trung xây dựng nguồn lực có chất lượng, xây dựng bản lĩnh chính trị, tính kỷ luật, đặc biệt là có đạo đức nghề nghiệp cao. Đây là điều vô cùng quan trọng đã giúp MB vượt qua mọi thử thách. Chữ “C” thứ ba là Chất lượng hoạt động, MB tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy khách hàng làm mục tiêu để đổi mới dịch vụ của mình, làm tăng độ hài lòng của khách hàng. Chữ “C” thứ tư là Công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao tăng tiện ích phục vụ khách hàng. Chữ “C” thứ 5 là Chính trị, xây dựng đơn vị có môi trường kinh doanh lành mạnh, có văn hóa đậm đà bản sắc MB, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ Đảng viên, xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh toàn diện.

Mục tiêu 5 chữ “C” là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của Ngân hàng, đã và đang thấm sâu vào đội ngũ quản lý và toàn nhân sự MB.

 

Năm 2013, HĐQT định hướng MB tái cơ cấu, phát triển bền vững, nhưng cũng xác định năm này là năm MB thực hiện những cải tổ mạnh mẽ để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chiến lược phát triển đến 2015. Làm thế nào để thực hiện đồng thời được 2 nhiệm vụ trên, thưa ông?

Nhận định tình hình kinh tế quốc tế, khu vực và trong nước năm 2013 vẫn còn rất nhiều khó khăn, Ban lãnh đạo MB chủ trương năm 2013 sẽ tiếp tục định hướng “Tái cơ cấu, phát triển bền vững”. Năm 2013 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để triển khai mạnh mẽ chiến lược phát triển MB đến 2015. Hai nhiệm vụ triển khai mạnh mẽ chiến lược và thực hiện mục tiêu kinh doanh luôn gắn chặt hữu cơ với nhau, thúc đẩy nhau phát triển. Triển khai chiến lược là để thực hiện mục tiêu kinh doanh, ngược lại, triển khai các mục tiêu kinh doanh là để triển khai chiến lược.

 Để triển khai đồng bộ hai nhiệm vụ này, Ban lãnh đạo Ngân hàng, từ Đảng ủy, HĐQT, Ban điều hành đồng thuận cao về mục tiêu và các giải pháp. Trong đó, trọng tâm là giải pháp tổ chức kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới khách hàng. Với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm của các hoạt động kinh doanh, MB tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, đồng thời đưa ra các giải pháp kịp thời hỗ trợ khách hàng. Đặc biệt là chủ động, linh hoạt đưa ra chính sách khách hàng phù hợp, giúp các DN vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay. Trên cơ sở đó, khách hàng và Ngân hàng gắn bó đồng hành, hỗ trợ nhau.

Từ năm 2011, MB tập trung tái cơ cấu bằng chuyển đổi mô hình kinh doanh theo định hướng chiến lược mới 2011 -2015, hoàn thiện giai đoạn 1 của năm 2012 tái cơ cấu các công ty thành viên: Bảo hiểm quân đội (MIC); Công ty Chứng khoán MB (MBS); Công ty quản lý quỹ (MB Capital); Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (MB AMC). Chính sự quyết tâm này đã làm nền tảng vững chắc cho hệ thống MB, làm cơ sở phát triển dịch vụ, sản phẩm cung cấp các giải pháp hiệu quả phù hợp trước biến động của thị trường. Năm 2013 là năm tiếp tục tái cơ cấu có tính chiều sâu hoạt động của Ngân hàng và chính đây là cơ sở của phát triển bền vững trong thời gian tới.

 

Như kế hoạch MB đặt ra thì năm 2013, lợi nhuận trước thuế MB là 3.523 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận riêng Ngân hàng là 3.400 tỷ đồng. Ông cảm nhận như thế nào về mục tiêu này?

19 năm trước, MB ra đời với vốn điều lệ 20 tỷ đồng và 25 nhân sự. Từ đó đến nay, MB đã tăng trưởng liên tục, nhanh và bền vững để có một ngân hàng như hôm nay với trên 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ, gần 7.000 người lao động cho hệ thống, trong đó riêng Ngân hàng là 5.300 người và ghi tên mình trong nhóm 1 - nhóm các ngân hàng thương mại tốt nhất Việt Nam. Nhiều năm liền, MB có tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm, nhưng như các bạn cũng biết, khó khăn từ môi trường kinh doanh năm 2012 đã khiến MB chỉ đạt 84% kế hoạch lợi nhuận, dù năm này MB đạt lợi nhuận cao nhất khối ngân hàng TMCP, không kể các ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước chi phối (3.090 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó lợi nhuận riêng Ngân hàng là 3.024 tỷ đồng).

Sang năm 2013, bối cảnh kinh tế còn rất nhiều thách thức, nếu nhiều DN yếu  kém đã phải ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2012 thì lớp các DN cầm cự được lại đang phải đối diện với thử thách khắc nghiệt của môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh như vậy, căn cứ vào mục tiêu chiến lược 2015, Ban lãnh đạo MB xác định mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2013 MB là 14%, riêng Ngân hàng là 12%. Với chúng tôi, đây là mục tiêu không dễ, nhưng tôi tin rằng, bằng một chiến lược đúng, bằng sự nỗ lực, đồng tâm hiệp lực và phát huy những giá trị cốt lõi MB đang có, chúng tôi sẽ thực hiện được mục tiêu này.

MB hiện thực hóa mục tiêu “Phát triển bền vững” ảnh 1

Trong các hoạt động xã hội, MB chọn cách thực hiện theo chiều sâu, với những chương trình gây nên sự xúc động sâu sắc, như Trở về từ ký ức; xây Nhà văn hóa cho Trường Sa... Vì sao MB chọn cách làm này, thưa ông?

Đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” trở thành văn hóa ngàn đời của dân tộc, được cô đọng sâu sắc, trở thành tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại. Đất nước chúng ta đã trải qua những năm tháng chiến tranh, để lại những tổn thương rất nặng nề cho dân tộc. Một bộ phận không nhỏ đồng bào đang sống rất nghèo khổ. Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, song cần phải có sự  góp sức nỗ lực của cả xã hội, cộng đồng và DN. Và trong các năm qua, MB đã xây dựng chương trình hành động từ thiện xã hội, coi đây là trách nhiệm chính trị của mình với xã hội. Các chương trình của MB, bên cạnh đóng góp từ lợi nhuận sau thuế, còn có đóng góp từ những ngày lương của từng thành viên MB, với mong muốn mỗi cán bộ MB chia sẻ, đồng cảm thật sự với cộng đồng, vì hoạt động nhân đạo trước tiên phải xuất phát từ cái tâm của con người. Ở góc độ của DN, cần xem công tác xã hội như một trách nhiệm để chia sẻ với cộng đồng, qua đó tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nhận thức, giác ngộ chính trị cho lớp lớp cán bộ nhân viên và cũng là lời kêu gọi mọi thành viên trong xã hội có ý thức đóng góp trách nhiệm của mình.

Tính riêng năm 2012, chúng tôi dành hơn 70 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội. Ngoài các chương trình lớn như xây Nhà văn hóa đa năng ở Quần đảo Trường Sa, xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa hay phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình kết nối tìm kiếm mộ liệt sỹ “Trở về từ ký ức”, tặng quà cho các thương bệnh binh, thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, các gia đình nghèo, thiên tai... Từ năm 2008, chúng tôi xây dựng Quỹ Tấm lòng vàng, chủ yếu từ các ngày lương của cán bộ nhân viên MB đóng góp cùng với quỹ xã hội của Ngân hàng để kịp thời triển khai các hoạt động chia sẻ, ủng hộ với cộng đồng. 

 

Nhận diện MB

 

* Lợi nhuận MB 2012 cao nhất: Năm 2012, MB đạt 2.305 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, là mức cao nhất khối ngân hàng TMCP tại Việt Nam (không tính ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước chi phối). Sacombank đạt 1.002 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; Eximbank đạt 2.138 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; ACB đạt 928 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

 

* Năng suất lao động/đầu người cao nhất: Xét trên các chỉ số chính gồm quy mô huy động vốn/quy mô dư nợ/tổng tài sản, MB hiện có năng suất lao động cao nhất/đầu người trong ngành ngân hàng.