Thiếu tướng, TS. Lê Công, Tổng giám đốc MB

Thiếu tướng, TS. Lê Công, Tổng giám đốc MB

MB - cùng doanh nghiệp, cùng khách hàng vững bước

(ĐTCK) Tròn 22 tuổi (4/11/1994-4/11/2016), Ngân hàng thương mại cổ phần  Quân đội (MB) đã vươn mình lên vị trí Top 5 ngân hàng hàng đầu về hiệu quả hoạt động tại Việt Nam và đang sở hữu những giá trị văn hóa mà bất cứ ngân hàng nào cũng mong muốn có, đặc biệt là văn hóa doanh nghiệp với tinh thần đoàn kết, kỷ luật, chuẩn mực và toàn tâm theo cốt cách của người lính Cụ Hồ. 

Bước sang chặng đường mới, Thiếu tướng, TS. Lê Công, Tổng giám đốc MB tin rằng, việc triển khai Chiến lược phát triển 2016 - 2020 của Ngân hàng sẽ tiếp tục mang đến những giá trị mới cho doanh nghiệp, cho khách hàng, để cùng vững bước phát triển. 

Quý IV/2016, nền kinh tế Việt Nam được dự báo khó có khả năng đạt mức tăng trưởng trên 8% để đưa GDP về đích kế hoạch năm (6,7%). Trong ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 9 tháng mới đạt 10,64%. Là người điều hành cao nhất tại MB, xin ông chia sẻ cảm nhận của mình về nền kinh tế, về sức khỏe doanh nghiệp nói chung hiện nay?

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy sự sáng tạo của các chủ thể để cùng tạo ra nhiều việc làm, nhiều giá trị mới cho đất nước. Những nỗ lực này của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao và chờ đợi sự chuyển biến tiếp theo để nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Năm 2016, với nhiều khó khăn khách quan đến từ nền kinh tế quốc tế, chẳng hạn việc Anh rời khỏi châu Âu, việc TPP có thể phải xem xét lại khi Mỹ bầu cử Tổng thống mới… và nhiều khó khăn nội tại mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt, tôi cho rằng, mức tăng trưởng GDP có thể không đạt đến 6,7%, nhưng nếu đạt 6,5% cũng là rất đáng mừng.

Trong ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm mới đạt 10,64%, nhưng khả năng quý IV sẽ có sự cải thiện mạnh mẽ. Lý do là số doanh nghiệp đang quay trở lại hoạt động ngày một nhiều, nhu cầu vốn sẽ ngày một lớn. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2016 là 22.486 doanh nghiệp, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đã đặt niềm tin rất lớn vào triển vọng của nền kinh tế. Về phía các ngân hàng, không riêng MB, nhiều ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm lãi suất để giảm chi phí vốn cho khách hàng. Như một quy luật tự nhiên, khi sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp tốt lên, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng sẽ được cải thiện và lành mạnh hơn. 

Xin ông cho biết, quả kinh doanh của MB 9 tháng đầu năm và dự kiến khả năng kinh doanh của Ngân hàng cả năm 2016?

Trong mọi giai đoạn hoạt động, MB luôn nỗ lực, quyết tâm triển khai kinh doanh hiệu quả, hoàn thành tốt các mục tiêu theo kế hoạch đặt ra. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ. MB hoạt động an toàn, giữ vững ổn định chính trị, đoàn kết nội bộ.

Riêng quý III năm nay, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tổng tài sản đạt: 236.954 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đạt 149.078 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ. Huy động vốn đạt 188.773 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ, với việc điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tiếp tục giảm mạnh, kiểm soát ở mức 1,36%.

Về hiệu quả kinh doanh, tổng thu nhập dịch vụ đạt 903,2 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ, đạt 75,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế toàn Ngân hàng tính đến cuối quý III đạt 2.724 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 76,7% kế hoạch năm.

Tôi tin rằng, năm 2016 sẽ tiếp tục là năm MB đạt kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông giao phó, tiếp tục ghi danh ngân hàng trong Top hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam. 

Trong hoạt động tín dụng, MB hướng đến việc hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực nào, thưa ông?

Trong những năm qua, MB luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, nghiêm túc thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt chú trọng chỉ đạo tăng trưởng tín dụng bền vững, chú trọng chất lượng tín dụng, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Thực hiện theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, MB tập trung hỗ trợ vốn 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghệ cao, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với các khách hàng thuộc 5 nhóm trên, MB duy trì mức lãi suất hợp lý thông qua Gói tín dụng ngắn hạn VND và USD, Gói tín dụng 100 triệu USD dành cho khách hàng doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, Sản phẩm cho vay VND lãi suất linh hoạt… Ngoài ra, MB tập trung cải tiến quy trình làm việc, tin học hóa quy trình thủ tục để điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, sử dụng dịch vụ nhanh chóng, đơn giản hơn.

Bên cạnh đó, MB đang chú trọng phát triển nhóm các khách hàng doanh nghiệp khởi nghiệp. Các khách hàng thuộc nhóm này sẽ được ưu đãi về phí giao dịch tài khoản, tài trợ khách hàng đầu tư phương tiện đi lại và vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Với quan điểm MB luôn đồng hành với doanh nghiệp, MB luôn sẵn sàng và mong đợi giúp đỡ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, đóng góp một phần giá trị cho tăng trưởng chung của đất nước.

Một trong những điểm mới của năm 2016 tại MB là sự xuất hiện của cổ đông chiến lược SCIC bên cạnh các cổ đông chiến lược lâu năm của Ngân hàng như Viettel, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn... Xin ông cho biết các kế hoạch dự kiến triển khai với SCIC được thực hiện đến đâu?

SCIC tham gia vào MB không chỉ với vai trò là cổ đông lớn nắm giữ 10% cổ phiếu mà còn là đối tác chiến lược của MB. Theo đó, SCIC sẽ hợp tác với MB xây dựng các giải pháp về sản phẩm, dịch vụ mới. SCIC đã và đang tạo điều kiện để MB tiếp cận và sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư, dịch vụ tư vấn tài chính, khai thác tập khách hàng của SCIC, phát triển bán chéo sản phẩm, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả hoạt động cho ngân hàng.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm năm 2016 là câu chuyện giữ an toàn hệ thống trước thực tế ngay cả những tổ chức được cho là có khả năng bảo mật tốt nhất, cũng có thể bị tội phạm công nghệ cao xâm phạm. Là người có tư duy điều hành theo quan điểm quản trị sự thay đổi, ông đã và đang chỉ đạo MB có những giải pháp gì để đảm bảo an toàn, giữ gìn uy tín và thương hiệu MB vững vàng, tin cậy, thưa ông?

Tại MB, chúng tôi luôn chú trọng và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh ngân hàng như: kinh doanh tự động, giao dịch điện tử tại sàn; tăng cường kết nối khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân trên hạ tầng e-banking; phát triển các ứng dụng mobile- banking; nâng cao tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, kinh doanh; xây dựng định hướng chiến lược công nghệ thông tin theo mô hình ngân hàng số.

Để đảm bảo được các hoạt động trên an toàn, hiệu quả, MB luôn chú trọng các giải pháp phòng ngừa rủi ro công nghệ thông tin, an ninh công nghệ. Tại MB, chúng tôi luôn có giải pháp chủ động phòng ngừa để giữ an toàn tuyệt đối về công nghệ thông tin ngân hàng và an toàn cho khách hàng của MB.

Ở tuổi 22, MB đã vươn mình lên vị trí Top 5 ngân hàng tốt nhất Việt Nam và đang sở hữu những giá trị mà bất cứ ngân hàng nào cũng mong muốn. Bước sang tuổi 23, xin ông chia sẻ mục tiêu mà MB sẽ thực hiện và yếu tố cốt lõi nào sẽ tiếp tục là hành trang của MB trên con đường tương lai?

Năm 2016, MB xây dựng và triển khai Chiến lược 2016 - 2020 trên cơ sở làm sâu sắc các giải pháp chiến lược 2011 - 2015 theo tầm nhìn ngân hàng thuận tiện dựa trên hai nền tảng, ba trụ cột theo hướng xây dựng ngân hàng thuận tiện. Chúng tôi chú trọng vào 4 lĩnh vực để tạo đột phá: chiến lược, ngân hàng số, tăng năng lực quan hệ khách hàng, năng lực thanh toán ngân hàng và quản trị rủi ro vượt trội.

Bên cạnh các giải pháp kinh doanh, giải pháp quản lý hệ thống, nâng cao năng lực quản trị tập đoàn, hoàn thiện mô hình cũng được MB chú trọng để quản lý phù hợp với chuyển đổi chiến lược.

Để bước vững đến năm 2020, MB chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa. Trên nền tảng xây dựng văn hóa thực thi nhanh, xây dựng con người mới, phát huy 6 giá trị cốt lõi cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, công đoàn, thanh niên, hội phụ nữ. Xây dựng tinh thần đoàn kết, kỷ luật, duy trì, phát huy sức mạnh chung của tập thể.  

Tại MB, công tác Đảng và công tác chính trị đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp. Từ năm 2011, chúng tôi quản trị điều hành hoạt động kinh doanh xuyên suốt theo mục tiêu 5 chữ “C”, gồm: Chiến lược, Con người, Chất lượng, Công nghệ và một điểm riêng có của MB nằm ở chữ C thứ 5: đó là Chính trị. Các chương trình hành động của Ngân hàng cũng được đúc kết thành 10 chữ T là: Tận tâm, Trí tuệ, Tuân thủ, Trung thành và Thực thi.

So với các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật, Mỹ, số doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam còn rất nhỏ, nhỏ cả về cả quy mô và số lượng. Cụ thể, nước Nhật có trên 100 triệu dân, nhưng họ có tới 25 triệu doanh nghiệp. Nước Mỹ có trên 250 triệu dân, nhưng có tới 45 triệu doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp lớn tại đây, như Citibank chẳng hạn, có quy mô lớn hơn cả GDP của nước mình… Thực tế này cho thấy, dư địa cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt còn rất rộng. Khi có cơ chế tốt, định hướng vĩ mô rõ ràng, minh bạch, tôi tin rằng rất nhiều người sẽ cống hiến, sẽ sáng tạo bằng con đường lập nghiệp, tìm cơ hội cho mình và cho nền kinh tế nói chung.

Tin bài liên quan