Máy và Thiết bị dầu khí (PVM): Bên mua bị "úp sọt" cuối phiên 5/11, đồn đoán về thoái vốn

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Khi sắp hết giờ giao dịch UPCoM chiều 5/11, cổ phiếu PVM của CTCP Máy và Thiết bị dầu khí PVM xuất hiện lệnh bán 1,2 triệu cổ phiếu với giá sàn và khớp hết các lệnh mua đang chờ.

Trong 3 tháng gần đây, giá cổ phiếu PVM tăng từ mức 9.000 đồng/cổ phiếu lên trên 14.000 đồng/cổ phiếu cùng với đồn đoán trong giới đầu tư về khả năng cổ đông Nhà nước sớm thoái vốn.

Phiên giao dịch ngày 5/11, cổ phiếu PVM dư mua trần giá 14.600 đồng/cổ phiếu từ sáng với khối lượng vài chục nghìn cổ phiếu. Tuy nhiên, đến 14h59 phút, khi thị trường UPCoM chuẩn bị đóng cửa, một lệnh bán 1,2 triệu cổ phiếu với giá sàn 10.800 đồng/cổ phiếu đã quét sạch các lệnh dư mua đang chờ. Kết quả, PVM đóng cửa với mức giá sàn và còn dư bán sàn 2.900 cổ phiếu.

Giá trung bình phiên giao dịch giảm xuống còn 11.100 đồng/cổ phiếu. Theo quy của thị trường UPCoM, mức giá 11.100 đồng/cổ phiếu sẽ là giá tham chiếu cho phiên giao dịch ngày 6/11.

Đang dư mua giá trần, cổ phiếu PVM bất ngờ bị đẩy xuống mức sàn khi chỉ còn ít giây nữa là đóng cửa phiên giao dịch 5/11.

Đang dư mua giá trần, cổ phiếu PVM bất ngờ bị đẩy xuống mức sàn khi chỉ còn ít giây nữa là đóng cửa phiên giao dịch 5/11.

Trong nhiều phiên giao dịch gần đây, PVM luôn dư mua vài chục đến cả trăm nghìn cổ phiếu. Nhưng phiên giao dịch 5/11, bên bán đã "úp sọt" trong phút cuối khiến bên mua không kịp trở tay.

Lệnh bán lớn cuối giờ với mức giá sàn khiến giới đầu tư đặt câu hỏi, mục tiêu lệnh bán đề làm gì, bởi người bán không bán ở mức giá cao hơn khi cổ phiếu này còn dư mua giá trần, mà để tới sát giờ đóng cửa mới bán giá sàn?

PVM nổi tiếng là công ty có 3 liên doanh với Nhật sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy cung cấp cho BMW, Honda, Kawasaki, Harley Davidson... PVM cũng nổi tiếng có nhiều đất vàng ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, chẳng hạn như gần 2.000 m2 đất ở số 8 Tràng Thi (Hoàn Kiếm), 23.600 m2 đất ở đường Đào Cam Mộc (Đông Anh)... Phần vốn nhà nước chiếm 51% do Tổng CTCP Điện lực Dầu khí PVPower nắm giữ và đang có dự kiến thoái vốn.

PVM vừa công bố Báo cáo tài chính quý 3/2020 và chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%, đồng thời lấy ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh, bổ sung ngành nghề kinh doanh.

Theo báo cáo tài chính riêng, quý 3/2020, trong quý, PVM đạt doanh thu 53,6 tỷ đồng (giảm 85% so với quý 3/2019), lợi nhuận gộp 2 tỷ đồng (xấp xỉ quý 3/2019), chi phí bán hàng lại tăng gần gấp 3 so với cùng kỳ lên 2 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 25% xuống còn 3,96 tỷ đồng.

Nhờ có doanh thu hoạt động tài chính 18,5 tỷ đồng (tăng 37% so với quý 3/2019), nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 14,6 tỷ đồng (tăng 42% so với quý 3/2019), lợi nhuận sau thuế đạt 14,6 tỷ đồng, tăng 39% so với 10,5 tỷ đồng của quý 3/2019.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020. PVM đạt doanh thu 179,4 tỷ đồng (giảm 77% so với 9 tháng đầu 2019), doanh thu hoạt động tài chính 89,4 tỷ đồng (tăng 5,5% so với 9 tháng đầu năm 2019). Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu 2020 đạt 41,7 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2019.

Tại 30/9/2020, PVM có dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 226,4 tỷ đồng (tăng 18 tỷ đồng so với đầu năm), dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn 35,7 tỷ đồng (xấp xỉ đầu năm), vốn chủ sở hữu 509,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý 3, PVM đạt doanh thu hợp nhất 149,5 tỷ đồng (giảm 70% so với quý 3/2019), lợi nhuận gộp 5,1 tỷ đồng (giảm 30% so với quý 3/2019). Nhờ có doanh thu hoạt động tài chính 18,5 tỷ đồng (tăng 38% so với quý 3/2019) nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt xấp xỉ 11 tỷ đồng (tăng 38% so với quý 3/2019), lợi nhuận sau thuế 14,1 tỷ đồng, tăng 39% so với 10,2 tỷ đồng của quý 3/2019.

Lũy kế 9 tháng đầu 2020, PVM đạt doanh thu hợp nhất 431,1 tỷ đồng (giảm 70% so với 9 tháng đầu 2019), lợi nhuận sau thuế 36,3 tỷ đồng tăng 2% so với 2019.

Tin bài liên quan