May Sông Hồng đã tăng trưởng tới 2 con số so với mức đạt được trước đại dịch.

May Sông Hồng đã tăng trưởng tới 2 con số so với mức đạt được trước đại dịch.

May Sông Hồng: Nội lực là bệ phóng tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu dệt may thế giới tích cực trở lại sẽ là động lực lớn cho đà tăng trưởng bền vững của Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH).

Nửa cuối năm 2021 chứng kiến sự phục hồi theo nhu cầu tăng mạnh tại nhiều thị trường dệt may chủ chốt của Việt Nam như Mỹ và EU. Người tiêu dùng tại hai thị trường này đã cho thấy nhu cầu mua sắm bị dồn nén sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Tuy vậy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may không hẳn tỷ lệ thuận với đà phục hồi của thị trường khi nhiều doanh nghiệp phía Nam vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, biến động lao động, cũng như các yếu tố khách quan khác.

Trong số các doanh nghiệp dệt may cả nước, May Sông Hồng duy trì được phong độ và là điểm sáng trong bức tranh chung của ngành. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 1,4 điểm phần trăm do nhận thêm nhiều đơn hàng FOB.

Ấn tượng hơn, lợi nhuận ròng 3 quý đầu năm 2021 của May Sông Hồng tăng 103,1% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn tổng mức tăng lợi nhuận ròng của các công ty dệt may niêm yết, thậm chí cao hơn 12,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Điều này có nghĩa, May Sông Hồng đã tăng trưởng tới 2 con số so với mức đạt được trước đại dịch. Chiến lược và các giải pháp thực thi chiến lược của Công ty đã cho thấy kết quả kinh doanh vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Bước sang năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 4,9%, riêng nhu cầu dệt may thế giới sẽ quay trở lại bằng mức của năm 2019, đạt khoảng 740 tỷ USD.

Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam. Các thị trường dệt may chủ lực của Việt Nam tại Mỹ, EU vẫn mở rộng.

Những khó khăn khách quan như đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, giá cước vận tải biển tăng cao, thiếu hụt nguồn cung lao động... đang dần được hóa giải cùng với việc triển khai vắc-xin Covid-19 tại các nước.

Đây sẽ là cơ sở để May Sông Hồng duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt với sự đóng góp tới gần 20% sản lượng từ nhà máy mới SH10 và các đơn hàng FOB tích cực.

Chat với ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc MSH

Năm 2021 đã khép lại với kết quả tích cực của ngành dệt may. Đâu là những điểm ấn tượng của MSH trong năm qua?

Thứ nhất, MSH giữ an toàn cho nhà máy và toàn bộ cán bộ, công nhân viên, không bị gián đoạn sản xuất.

Thứ hai, doanh nghiệp lấy lại tốc độ tăng trưởng về doanh thu như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, phát triển khách hàng và đơn hàng ổn định.

Ông nhìn nhận triển vọng của MSH trong năm 2022 ra sao?

MSH dự kiến sẽ tiếp tục phát triển tốt hơn năm 2021, mục tiêu tăng trưởng doanh thu tối thiểu 10%.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, ngành dệt may sẽ thiếu hụt lao động trầm trọng, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. MSH có đối diện với thách thức này?

Chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi điều này và hiện chưa gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động mới.

Là một trong những doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động, tỷ suất sinh lời vượt trội trong ngành, những giải pháp mà MSH sẽ tập trung trong thời gian tới để duy trì lợi thế cạnh tranh này là gì?

MSH sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tự động hóa và thân thiện môi trường, hoàn thiện hệ thống phần mềm sinh thái quản trị doanh nghiệp, đầu tư và đào tạo nâng cao cho đội ngũ thiết kế, phát triển mẫu, kinh doanh, kiểm soát chất lượng.

Đâu là những vấn đề doanh nghiệp MSH cần lưu tâm trong năm 2022?

Chúng tôi sẽ nỗ lực giữ an toàn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh vượt qua đại dịch, đồng thời thận trọng trước tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng trên thế giới có thể ảnh hưởng lớn tới kế hoạch kinh doanh.

Tin bài liên quan