May Sông Hồng (MSH): Giải mã hiệu quả doanh nghiệp tăng vượt trội

May Sông Hồng (MSH): Giải mã hiệu quả doanh nghiệp tăng vượt trội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 sau kiểm toán của Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH - sàn HOSE) mới công bố, cho thấy điểm sáng vượt trội về doanh thu và quản trị doanh nghiệp, nhờ đó lợi nhuận tăng trưởng gần 3 con số.

Cải thiện quản trị doanh nghiệp: Át chủ bài

Theo báo cáo tài chính năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty đạt 4.749 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí bán hàng đạt 144 tỷ đồng, chỉ tăng 6%; ấn tượng hơn là chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 21%, xuống còn 298 tỷ đồng. Nhờ đó, Công ty đã ghi nhận 542 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 92%; lợi nhuận sau thuế đạt 442 tỷ đồng, tăng 91% so với năm trước.

Với kết quả đạt được của năm 2021, Công ty đã lấy lại tốc độ tăng trưởng về doanh thu như trước khi xảy ra đại dịch, phát triển khách hàng và đơn hàng mới ổn định, an toàn.

Lý giải cho việc doanh thu và quy mô doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc MSH chia sẻ, Công ty luôn ưu tiên cho việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tự động hóa và thân thiện môi trường, hoàn thiện hệ thống phần mềm sinh thái quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, MSH dành ưu tiên đặc biệt cho việc đầu tư và đào tạo nâng cao đội ngũ thiết kế, phát triển mẫu, kinh doanh, kiểm soát chất lượng, bởi May Sông Hồng là doanh nghiệp dệt may phát triển mạnh mảng FOB, chứ không chỉ đơn thuần gia công cho khách hàng nước ngoài.

Đáng chú ý, trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may khác, vấn đề nguồn lao động và tình trạng thiếu hụt lao động được đề cập nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thì tại MSH không diễn ra tình trạng này. Trải qua hơn 2 mùa dịch Covid-19, May Sông Hồng luôn giữ an toàn cho nhà máy và toàn bộ gần 15.000 cán bộ công nhân viên, không bị gián đoạn sản xuất.

Bên cạnh đó, việc quan tâm đến sức khỏe vật chất và tinh thần của người lao động, đảm bảo lương thưởng và đề cao chế độ phúc lợi cho người lao động ở MSH đã tạo ra sự gắn kết và trung thành của cán bộ nhân viên, công nhân với Công ty.

Ông Quang kể: “Chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt lao động và không gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động mới”. Thương hiệu nhà tuyển dụng uy tín và môi trường làm việc tốt của doanh nghiệp đã tạo nên ưu thế cạnh tranh trong thu hút nguồn lực lao động cho May Sông Hồng, cũng là dư địa để Công ty áp dụng nhiều giải pháp về công nghệ nhằm gia tăng năng suất.

Chưa công bố thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên 2022 cụ thể, song lãnh đạo MSH cho biết, năm nay Công ty sẽ tiếp tục phát triển tốt hơn năm 2021, với mục tiêu tăng trưởng doanh thu tối thiểu 10%. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của MSH đã có truyền thống được xây dựng chắc chắn và khả thi.

Riêng năm 2022, thị trường và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, song Công ty vẫn đặt ra các kịch bản dự phòng để giữ an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và linh hoạt ứng phó với tình huống đứt gãy chuỗi cung ứng trên thế giới có thể ảnh hưởng lớn tới kế hoạch kinh doanh.

Triển vọng sáng

Năm 2022, bộ ba CPTPP, EVFTA và RCEP sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam thông qua các cam kết ưu đãi thuế quan và các quy định về nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ phục hồi ở các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, hoạt động bán lẻ thời trang cho tín hiệu tích cực đã giúp giá trị nhập khẩu ở một số thị trường như Mỹ và Hàn Quốc cũng đã hồi phục và vượt mức trước dịch Covid-19.

Trong năm 2022, giới phân tích đều đánh giá nhu cầu hàng may mặc ở các thị trường chính sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh cuộc sống trở lại bình thường.

Năm 2021, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 39 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm trước đó), hồi phục mạnh sau khi giảm 10,2% năm 2020. Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD.

Trong quý I/2022, xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 8,837 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ cho thấy đà bứt phá duy trì mạnh.

Với riêng thị trường Mỹ, thị trường chủ lực của MSH, số liệu từ hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 2,8 tỷ USD (tăng 27,3% so với cùng kỳ), thuộc nhóm đứng đầu về mức độ tăng trưởng ở các thị trường.

CTCK Mirrae Asset kỳ vọng, xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam vào thị trường Mỹ có thể đạt 18 tỷ USD trong năm nay, tương ứng với mức tăng gần 17%, trong bối cảnh tăng trưởng GDP Mỹ đạt 5,7% trong năm 2021 và hoạt động bán lẻ thời trang ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý IV/2021.

Sức tiêu thụ trên các thị trường lớn hồi phục và tăng cao hơn trước đại dịch sẽ là động lực lớn thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp có năng lực như May Sông Hồng.

Tin bài liên quan