May Sông Hồng không chờ “thuốc trợ lực”

May Sông Hồng không chờ “thuốc trợ lực”

(ĐTCK) Tháng 4, thị trường chứng khoán ghi nhận sự bứt phá của nhiều mã cổ phiếu dệt may, trong đó có cổ phiếu MSH (của CTCP May Sông Hồng).

Lý giải cho sự hồi phục mạnh của cổ phiếu này sau khi đã rớt sâu xuống 24.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư Trần Ngọc Dũng cho rằng, bên cạnh nền tảng cơ bản tốt, năng lực tài chính vững (Năm 2019, MSH đạt 4.412 tỷ đồng doanh thu, tăng 12%; lợi nhuận đạt 450 tỷ đồng, tăng 22% so với 2018.

Hiện MSH nằm trong Top doanh nghiệp dệt may có biên lợi nhuận gộp cao nhất ngành, với 21,4%, liên tục duy trì chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 40 - 45%/năm) thì Công ty đã thể hiện được bản lĩnh vững vàng trước “trận sóng thần” Covid-19. 

Ðại dịch lan rộng trên toàn cầu làm gián đoạn các chuỗi cung ứng hàng hóa, nhu cầu của người dân trên toàn cầu tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế.

Với mặt hàng may mặc thời trang, nhiều công ty may mặc đã ghi nhận tình trạng hoãn, hủy đơn hàng. Dẫu vậy, tại May Sông Hồng, doanh thu quý I chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ 2019.

Theo ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng, số lượng đơn hàng bị hoãn, hủy của doanh nghiệp không nhiều.

“Thời gian qua, Công ty vẫn duy trì được các đơn hàng của Walmart, Costco là các siêu thị bán hàng thiết yếu, không bị đóng cửa tại Mỹ”.

Ðể bù đắp cho sự sụt giảm của đơn hàng may mặc, Công ty đã chuyển một phần sản xuất quần áo sang khẩu trang, tập trung phát triển mặt hàng này để bù đắp cho hàng may mặc. 

Ông Quang cho biết, hiện nay, Công ty có khá nhiều đơn hàng trong nước và xuất khẩu đối với khẩu trang vải kháng khuẩn.

Với khẩu trang y tế, Công ty đã bắt đầu lộ trình chuẩn bị, sẽ mất khoảng 3 tháng để xin giấy phép xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, hiện tại Việt Nam vẫn hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.

Ở thời điểm này, Công ty đang tập trung mọi nguồn lực để duy trì hoạt động bằng các đơn hàng không bị hủy, mặt hàng chăn ga gối nệm và các đơn hàng khẩu trang, bảo hộ y tế từ nay tới cuối năm. “Quý II, Công ty vẫn duy trì sản xuất gần như bình thường”, ông Quang chia sẻ.

Nhưng ngay cả trong tình huống xấu nhất, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, phải ngừng hoạt động sản xuất thì theo lãnh đạo May Sông Hồng, Công ty vẫn đủ năng lực tài chính dự phòng để trả lương tối thiểu cho người lao động trong vòng 4 - 5 tháng.

Những thông tin hữu ích về nội tình hoạt động của May Sông Hồng được vị CEO cung cấp đã cho nhà đầu tư có thêm niềm tin vào bản lĩnh, khả năng thích ứng tốt với môi trường kinh doanh biến động bất ngờ của doanh nghiệp dệt may hàng đầu Việt Nam này.

Kết quả lợi nhuận quý I của May Sông Hồng thấp, song nhà đầu tư cũng đủ khôn ngoan nhận ra, lý do là Công ty trích lập nhiều khoản dự phòng cho các quý còn lại của năm. Nếu diễn biến thị trường thuận lợi, đây chính là “của để dành” của doanh nghiệp.

Tư duy thị trường và năng lực thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới, dựa trên nền tảng quản trị tốt và minh bạch của doanh nghiệp chính là trợ lực mà các nhà đầu tư tin, doanh nghiệp nào có những tố chất này sẽ nhanh chóng lấy lại phong độ.

Một yếu tố khác được giới phân tích cho rằng May Sông Hồng chịu ít ảnh hưởng tiêu cực hơn các doanh nghiệp khác là Công ty đã xây dựng được cơ cấu thị trường xuất khẩu đa dạng với tập khách hàng đa phần là các nhãn hiệu lớn, có năng lực tài chính.

Ðiều này sẽ giúp hạn chế mức độ suy giảm đơn hàng, cũng như khả năng cam kết thực hiện đơn hàng của các đối tác.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ đang được Chính phủ xem xét triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do dịch bệnh như tạm dừng/hoãn đóng các chi phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn; giãn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn các khoản vay tới hạn và miễn giảm lãi suất, giảm giá điện… sẽ là những trợ lực đáng kể cho doanh nghiệp.

Ðánh giá về triển vọng của ngành dệt may Việt Nam hậu dịch bệnh, giới đầu tư cho rằng, hàng may mặc có thể được xem là tiêu dùng tương đối thiết yếu trong đời sống thường ngày, do đó, nhu cầu đối với các thị trường có thể bị ảnh hưởng trong thời điểm bùng phát dịch, tuy nhiên sẽ có thể hồi phục tương đối mạnh mẽ giai đoạn sau dịch.

Nhìn lại quá khứ, nhu cầu hàng may mặc trên thế giới sau khi suy giảm do ảnh hưởng dây chuyền từ khủng hoảng tài chính lên nền kinh tế năm 2009 đã phục hồi khá mạnh mẽ ngay sau đó, khi các nền kinh tế lớn quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Tin bài liên quan